Loài chó từ lâu đã nổi tiếng với khứu giác nhạy bén, song đó vẫn chưa phải khả năng đặc biệt duy nhất của chúng. Một nghiên cứu mới cho rằng chúng còn có khả năng cảm nhận từ trường Trái đất để tính toán lối đi tắt khi gặp địa hình lạ.

Đây là lần đầu tiên khả năng này được phát hiện ở loài chó, nhà sinh học Catherin Lohmann thuộc Đại học Bắc Carolina cho biết. So với các động vật di cư khác, ví dụ như chim di trú, các nghiên cứu về khả năng điều hướng của chó vẫn còn khá hạn chế.

Chó săn tham gia thí nghiệm được gắn camera ghi hình và GPS để định vị đường đi. Nguồn ảnh:Burda & Benediktová

Trước đó, đã có một số manh mối về khả năng cảm nhận từ trường Trái đất của loài chó và nhiều động vật khác. Vào năm 2013, ông Hynek Burda, một nhà sinh thái học tại Đại học Khoa học Đời sống Prague thuộc Cộng hòa Séc, người nghiên cứu về vấn đề này trong 3 thập kỷ, đã chứng minh rằng chó có xu hướng định hướng bắc-nam trong khi đi tiểu hoặc đại tiện. Vì hành vi này có liên quan đến việc đánh dấu và nhận diện lãnh thổ, ông Burda đã lý giải rằng đặc điểm này giúp chó tìm ra vị trí tương đối của nó so với các địa điểm khác. Tuy nhiên, cách liên kết các điểm cố định này lại khác so với việc điều hướng.

Trong nghiên cứu mới, một nghiên cứu sinh của ông Burda, Kateřina Benediktová, đã đặt máy quay và thiết bị định vị GPS vào bốn chú chó và dắt chúng đi vào rừng. Đàn chó sau đó sẽ được thả ra để đuổi theo mùi của một con vật ở khoảng cách trung bình 400m. Kết quả định vị GPS cho thấy hai kiểu hành vi được biểu hiện trên đường chúng tìm về với chủ: chú chó sẽ lần vết và đi về theo đường đi ban đầu hoặc là đi về theo một con đường hoàn toàn mới mà không dò lại đường cũ.

Đường đi của đàn chó được đánh dấu lại. Nguồn ảnh:Benediktová

Sau đó, khi Benediktová đưa dữ liệu này cho ông Burda, ông đã phát hiện một đặc điểm gây tò mò khác: trong khi đang chạy dò đường, chú chó sẽ dừng lại và chạy khoảng 20 mét dọc theo trục bắc-nam rồi lại bắt đầu điều hướng lại. Các đoạn chạy ngắn này, khi hiển thị trên bản đồ, trông giống như các đường chạy dọc theo từ trường, song vì chưa đủ dữ liệu nên Benediktová vẫn chưa chắc chắn về điều này.

Vì vậy, thử nghiệm tiếp theo đã được thực hiện với 27 con chó và hàng trăm lần chạy kéo dài trong suốt hơn 3 năm và đi vào phân tích kỹ 223 trường hợp chạy dò đường, với mỗi đường chạy lượt về dài trung bình 1,1km. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hành vi dừng lại trước khi quay đầu chạy khoảng 20 mét theo trục bắc-nam trong 170 chuyến đi của đàn chó. Mỗi lần như vậy, con vật thường có xu hướng quay về với chủ theo đường thẳng hơn.

Ông Burda cho rằng cách lý giải hợp lý nhất chính là việc chạy dọc theo trục bắc-nam giúp con chó xác định được chúng đang ở đâu. Ông Lohmann cho rằng yếu tố đứng sau hành vi này chính là chó khả năng ghi nhớ hướng đi ban đầu và dùng từ trường để tham khảo nhằm tìm ra đường về nhà nhanh nhất.

Nhà nghiên cứu Adam Miklósi, với chuyên môn nghiên cứu hành vi của loài chó tại Đại học Eötvös Loránd, cho biết việc thiết kế các thí nghiệm từ trường là rất phức tạp, bởi rất khó để khiến một loài động vật dựa vào một giác quan duy nhất.

Sắp tới, ông Burda và Benediktová sẽ có một hướng tiếp cận khác. Trong thí nghiệm mới, họ sẽ đặt nam châm vào vòng cổ của con chó để làm nhiễu từ trường trong không gian và xem liệu nó có cản trở khả năng điều hướng của chúng hay không.

Ông Miklósi cho rằng việc chó có thể sử dụng từ trường để điều hướng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi khả năng này dường như đã xuất hiện ở tổ tiên của chúng và bất kỳ loài động vật có vú nào phải di chuyển trên các vùng lãnh thổ rộng lớn.

Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2020/07/dogs-may-use-earth-s-magnetic-field-take-shortcuts