Gần đây, Dự án Nghiên cứu Cổ nhân loại học Gona tại Ethiopia đã tiết lộ những phát hiện mới về người cổ đại Homo Erectus dựa trên phân tích các mẫu hộp sọ và công cụ lao động khai quật được.
Điểm khai quật Gona tại Afar, Ethiopia là một trong những điểm nóng đáng chú ý với giới khảo cổ học. Nhờ khí hậu khắc nghiệt và sự tách biệt với thế giới bên ngoài, các di chỉ khảo cổ tại đây được bảo quản tốt và trong trạng thái nguyên sơ. Nhờ nhóm di chỉ khai quật được tại đây, các nhà khoa học đã rút ra được những phát hiện mới về đời sống, đồng thời bác bỏ những lý thuyết cũ về tập quán của tổ tiên loài người – Homo erectus.
Tồn tại trong 1.89 triệu năm và biến mất vào 110,000 năm trước, Homo erectus là giống người có thời gian tồn tại lâu nhất trong số các tổ tiên của loài người, và là tông Người đầu tiên có các đặc điểm cơ thể giống với người hiện đại. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu cuộc sống hàng ngày và nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của người Homo erectus.
Hai phát hiện quan trọng nhất đóng vai trò nền tảng cho nghiên cứu này là hai mảnh hộp sọ và một số các công cụ khác nhau được tìm thấy tại Gona. Trong đó, một mảnh hộp sọ có niên đại 1.26 triệu năm, mảnh còn lại tồn tại từ 1.5 đến 1.6 triệu năm về trước. Đáng ngạc nhiên, hộp sọ lâu đời hơn lại có kích thước nhỏ và mảnh hơn mẫu còn lại, và cũng là hộp sọ của người Homo erectus nhỏ nhất từng phát hiện tại châu Phi.
Hai nhà nghiên cứu Michael Rogers (trái) và Sileshi Semaw (phải) với hai mảnh hộp sọ. Ảnh: Michael Rogers
Kích thước hộp sọ nhỏ giúp củng cố quan điểm cho rằng người Homo erectus có những đặc điểm cơ thể phân biệt rõ rệt giữa hai giới, cụ thể là nam giới có tầm vóc cơ thể to lớn hơn hẳn so với nữ giới. Đặc điểm tương tự cũng được phát hiện từ mẫu hộp sọ khai quật được tại Georgia, một quốc gia nằm ở đường giao nhau giữa châu Âu và châu Á, gợi ý rằng người Homo erectus đã di chuyển từ Georgia để trở về châu Phi.
Phân tích đồng vị cũng chỉ ra các đặc điểm của người erectus, ví dụ như chế độ ăn tạp bao gồm các loại trứng, côn trùng và thực vật.
Tại vị trí gần hộp sọ, nhóm nghiên cứu cũng tìm ra các công cụ đặc trưng cho thời kỳ đồ đá. Dấu vết thời gian cho thấy các công cụ này được sử dụng trong thời gian chủ nhân của hai hộp sọ trên còn sống.
Các công cụ Oldowan, hay còn gọi là Mode 1, xuất hiện từ 2.6 triệu năm về trước. Chúng được thiết kế rất thô sơ từ những hòn đá được mài sắc và với một số mẩu đá được cố tình làm rời ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng, về sau chúng đã bị thay thế bởi công nghệ chế tác công cụ phức tạp hơn được gọi là Acheulian, hay Mode 2. Công nghệ Acheulian xuất hiện trong các ghi chép về khảo cổ vào khoảng 1.75 triệu năm trước, đặc trưng bởi các “lưỡi rìu cầm tay” hình ovan hoặc hình quả lê.
Công cụ đá Acheulian. Ảnh: Michael Rogers.
Phát hiện về các công cụ Oldowan và Acheulian tại Gona đã cho thấy kể cả khi người erectus phát minh ra công cụ Acheulian, họ vẫn tiếp tục sản xuất và sử dụng công nghệ cũ. Thay vì hoàn toàn bị thay thế, các công cụ Oldowan được sử dụng song song với công cụ mới, từ đó chứng minh được khả năng linh hoạt trong hành vi của người erectus.
Nghiên cứu mới đã vẽ ra viễn cảnh cuộc sống người cổ đại hoàn toàn khác với mô tả từ những nghiên cứu trước đây vốn cho rằng họ chưa đủ khéo léo để tạo ra các công cụ đa dạng và đi đến con đường diệt vong vì điều này. Ngược lại, nghiên cứu đã chứng minh người Homo erectus có các biểu hiện hành vi đa dạng và linh hoạt, cũng như khả năng di cư và phát minh.
Nguồn: https://www.inverse.com/science/homo-erectus-lifestyle-discovery-skull-tools