Biến đổi khí hậu dường như đang làm đảo lộn quá trình sinh sản của các loài chim, một quá trình tưởng chừng như không thể xê dịch.

Vào mùa xuân, ngày kéo dài hơn, cây cối nở hoa và loài ong hoạt động nhiều hơn. Đây là những điều kiện tạo ra mùa sinh sản cho các loài chim. Nhưng do biến đổi khí hậu, mùa xuân đang đến sớm hơn và một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng nhiều loài chim làm tổ và đẻ trứng sớm hơn gần một tháng so với một thế kỷ trước.

Hình minh họa. Nguồn: Ashwini Bhatia/AP

Các nhà khoa học Mỹ đã phân tích xu hướng làm tổ của các loài chim từ các mẫu trứng được thu thập ở khu vực Chicago. Trong số 72 loài có dữ liệu lịch sử và hiện còn tồn tại, khoảng một phần ba làm tổ sớm hơn nhiều so với trước đây.

Nghiên cứu cho thấy những loài này, bao gồm chim bluejays, chim chích vàng và chim sẻ đồng, hiện đang đẻ những quả trứng đầu tiên trong mùa sinh sản sớm hơn trung bình 25 ngày so với 100 năm trước. Biến đổi khí hậu dường như đang làm đảo lộn một quá trình mà lâu nay dường như không thể lay chuyển được.

John Bates, người phụ trách các loài chim tại Bảo tàng Field và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Thật sốc khi phát hiện ra điều này. Rõ ràng biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của các loài chim."

Nghiên cứu được công bố trên Journal of Animal Ecology dựa trên hồ sơ về trứng của các loài chim được thu thập trong một khoảng thời gian dài, từ khoảng năm 1880 đến năm 1920.

Những hồ sơ này, phần lớn bao gồm các quả trứng có nhãn viết tay mô tả loại chim và thời điểm thu thập trứng, được đem so sánh với tình hình sinh nở của các loài chim hiện nay.

Một mô hình do các nhà nghiên cứu xây dựng cho thấy việc các loài chim đẩy sớm ngày làm tổ của chúng có mối tương quan chặt chẽ với mức độ tăng carbon dioxide trong khí quyển, khí nhà kính này là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Bởi vì chim chọn thời điểm làm tổ và đẻ trứng phù hợp với những điều kiện thường thấy của mùa xuân, chẳng hạn cây đâm chồi và số lượng côn trùng dồi dào, làm thức ăn cho chim non. Những điều kiện này ngày càng xảy ra sớm hơn trong năm. Ở Mỹ, gấu đang thức dậy sớm hơn từ giấc ngủ đông và các cây anh đào, đào, lê, táo và mận ra hoa sớm hơn nhiều tuần so với trước đây. Ở Anh, cây ra hoa sớm hơn một tháng trong khoảng thời gian từ năm 1987 đến năm 2019 so với trước năm 1986, nghiên cứu gần đây cho thấy.

Tuy nhiên nếu làm tổ sớm hơn để bắt kịp các điều kiện này, chúng cũng gặp các nguy cơ như thời tiết rét. Bates cho biết cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu, nhưng sự xáo trộn thời gian sinh nở có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy giảm của nhiều loài chim, cùng với các yếu tố khác như mất môi trường sống và sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi.

Vào năm 2020, một nghiên cứu tiết lộ rằng gần 3 tỷ con chim đã biến mất khỏi Mỹ và Canada kể từ năm 1970, mất gần một phần ba tổng số chim.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/mar/25/birds-nesting-laying-eggs-early-climate-crisis-study