Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiễm sắc thể có thể giúp giải mã bí mật về khoảng cách tuổi thọ trung bình giữa hai giới ở nhiều loài động vật khác nhau. Theo đó, cá thể có hai NST quy định giới tính giống nhau có khả năng sống lâu hơn do NST thứ hai giúp tạo hiệu ứng bảo vệ cơ thể tốt hơn.

Hình minh họa. Nguồn: Lisa Geoghegan/Alamy

Ý tưởng về khả năng bảo vệ của NST giới thứ hai đã được đề xuất trước đó, dựa trên quan sát các loài động vật có vú, trong đó con đực có xu hướng tuổi thọ ngắn hơn con cái. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện đây là xu hướng của nhiều loài vật. Theo công trình đăng tải trên Biology Letters, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin về NST giới tính và tuổi thọ của 229 loài động vật khác nhau, từ côn trùng đến các loài cá và thú có vú. Tuy nhiên, nghiên cứu không bao gồm trường hợp của các loài lưỡng tính, chẳng hạn như rùa xanh, do giới tính của chúng chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường.

Kết quả cho thấy các cá thể có hai NST giới tính giống nhau trung bình sống lâu hơn 17.6% so với loài có hai NST khác nhau hoặc chỉ có một NST. Theo đó, phát hiện này trùng khớp với khái niệm về “giả thuyết X không được bảo vệ”. Trong tế bào cơ thể người, các NST quy định giới tính được kết hợp theo hai dạng thức phổ biến là XY quy định giới tính nam và XX quy định giới tính nữ.

Ở cơ thể nữ giới, chỉ có 1 trong hai NST X được kích hoạt một cách ngẫu nhiên trong mỗi tế bào. Và theo giả thuyết trên, nếu xuất hiện biến dị có hại ở một NST X thì biến dị này cũng không ảnh hưởng đến toàn bộ tế bào và có thể dễ dàng kiểm soát ảnh hưởng do đột biến gây ra. Ngược lại, vì nam giới chỉ có một NST X, bất cứ biến dị có hại nào xảy ra trong tế bào cũng sẽ có nguy cơ lan truyền và gây hại cao hơn.

Nghiên cứu còn phát hiện, các loài mà con đực có hai NST giới tính giống nhau, cá thể đực có tuổi thọ dài hơn 7.1% so với cá thể cái. Tuy nhiên, ở các loài có xu hướng phân bố NST theo hướng ngược lại, ví dụ như con người, cá thể cái lại sống lâu hơn 20.9%.

Tác giả nghiên cứu Zoe Xirocostas (ĐH New South Wales), khoảng cách tuổi thọ có thể phản ánh một số yếu tố liên quan khác. Chẳng hạn như ở động vật, các con đực thường có nguy cơ thiệt mạng cao hơn trong các cuộc chiến đánh dấu lãnh thổ hoặc tranh giành bạn tình, đặc biệt với các loài có tỉ lệ con cái thấp hơn con đực. Bên cạnh đó, trong quá trình lão hóa, estrogen, hooc-môn đặc trưng cho giới tính nữ, có biểu hiện khả năng bảo vệ phần đuôi NST khỏi tổn thương. Ngoài ra có thể kể đến một số yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tuổi thọ như tập quán săn mồi, các hành vi mạo hiểm, tập tính đánh dấu lãnh thổ hay chất lượng dinh dưỡng của loài.

Bày tỏ sự hứng thú trước kết quả nghiên cứu, Giáo sư Steven Austad (ĐH Alambama) cũng bổ sung thêm ảnh hưởng một số yếu tố khác như vai trò nuôi con đối với tuổi thọ của loài với ví dụ về loài khỉ sống về đêm. Austard cũng cho rằng “Xu hướng (rút ra từ nghiên cứu) cũng là xu hướng chung của các loài, nhưng trong tự nhiên vẫn có vô số ngoại lệ khác”.

Trong bài nghiên cứu, nhóm tác giả cũng kết luận vai trò quan trọng của phát hiện về NST trong việc giải mã các cơ chế có thể ảnh hưởng tuổi thọ và hi vọng chúng sẽ giúp tìm ra cách kéo dài tuổi thọ cho con người.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2020/mar/04/mystery-of-lifespan-gap-between-sexes-may-be-solved-say-researchers