Một nghiên cứu mới được công bố trên trang Evolutionary Behavioral Sciences đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng những người có chỉ số IQ cao có xu hướng yêu thích nhạc không lời hơn những thể loại âm nhạc khác.
Người thực hiện nghiên cứu - Elena Racevska, tiến sĩ của Đại học Oxford Brookes chia sẻ: "Tôi bắt đầu quan tâm đến chủ đề này từ khi còn làm việc trong một dự án nghiên cứu về sự liên hệ giữa các đặc điểm tính cách của con người với sở thích âm nhạc của họ. Vào thời điểm đó, tôi đang tìm hiểu về lĩnh vực tâm lý học tiến hóa và giả thuyết tương tác chỉ số thông minh Savanna của tác giả Satoshi Kanazawa".
Giả thuyết này cho biết trí thông minh phát triển như một cách để đối phó với những điều mới và lạ - do đó những người thông minh hơn thường hào hứng với những kích thích mới lạ hơn những người không thông minh bằng.
Racevska giải thích: "Sau khi đọc các nghiên cứu của Kanazawa, trong đó có viết về mối quan hệ giữa trí thông minh và sở thích âm nhạc, chúng tôi quyết định tiếp tục nghiên cứu để bổ sung vào giả thuyết này bằng cách sử dụng một bộ biến độc lập khác, cụ thể là một loại bài kiểm tra trí thông minh mới kết hợp với nhiều câu hỏi liên quan đến âm nhạc. Chúng tôi cũng đã tính toán đến các biến có thể có ảnh hưởng đến mối liên hệ này, chẳng hạn như việc tham gia vào các hoạt động âm nhạc ngoại khóa cũng như thể loại và thời lượng của thể loại nhạc có trong hoạt động đó".
Một nghiên cứu của 467 học sinh trung học đến từ Croatia đã chỉ ra được sự liên hệ giữa điểm số cao trong bài kiểm tra IQ và sở thích về các loại nhạc cụ/thể loại nhạc, trong đó có ambient/chill out, nhạc jazz và nhạc cổ điển.
Trao đổi với PsyPost, Racevska cho biết: "Theo quan điểm của tâm lý học tiến hóa, trí thông minh chỉ có thể dự đoán sự khác biệt trong sở thích đối với các loại nhạc cụ. Những người có chỉ số IQ cao hơn thường yêu thích phong cách nhạc không lời nhưng ngược lại,từ thông tin về dòng nhạc yêu thích, chúng ta không thể dự đoán được điểm số trong bài kiểm tra IQ của một ai đó".
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người tham gia khảo sát sẽ sử dụng các thể loại âm nhạc khác nhau với những lý do khác nhau. Ví dụ, những người cho biết là sử dụng âm nhạc kích thích nhận thức, thì sẽ thấy sự thích thú trong việc phân tích các tác phẩm hoặc có xu hướng yêu thích những kỹ thuật âm nhạc và thường có xu hướng thích nhạc không lời hơn.
Song, nghiên cứu này - giống như tất cả các những nghiên cứu khác – đều bao gồm một số hạn chế nhất định.
Theo như Racevska thì: "Thông minh chỉ là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc, có nhiều yếu tố khác, như đặc điểm tính cách, giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn và thu nhập gia đình. Các nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ tập trung vào việc giải đáp mối quan hệ giữa tính bất đơn điệu và những yếu tố mới trong định hình sở thích bởi đặc tính bất đơn điệu trong ngữ âm không chỉ xuất hiện ở riêng loài người, và có thể nó là một phần của quá trình tiến hóa".
Racevska cũng cho biết rằng cô còn rất muốn thực hiện một nghiên cứu dài hạn về cách mà gu âm nhạc thay đổi theo từng giai đoạn phát triển trong cuộc đời của mỗi người; cách chúng tương tác với nhiều biến cố mang tính xã hội và cá nhân, như áp lực xã hội và các mối quan hệ giữa người với người.
Bản đầy đủ của nghiên cứu thực hiện bởi Elena Raceveska và Meri Tadinac đã được đăng tải trên trang Psycnet với tiêu đề: Intelligence, Music Preferences, and Uses of Music From the Perspective of Evolutionary Psychology.