Với việc phát hiện ra hóa thạch nấm có tuổi đời lên tới 1 tỉ năm tại Canada thì "cây sự sống" của thực vật và động vật có thể lâu đời hơn chúng ta từng nghĩ rất nhiều.
Trong nhiều thập niên qua, các loại nấm được biết đến sớm nhất - các sinh vật như nấm, nấm mốc và nấm men được cho là đã xuất hiện trên trái đất khoảng nửa tỉ năm trước. Nhưng với việc các nhà khoa học đã khai quật được nấm hóa thạch có niên đại lên tới một tỉ năm thì khám phá này có thể định hình lại sự hiểu biết của chúng ta về cách cuộc sống trên mặt đất phát triển.
Ông Corentin Loron, một nghiên cứu sinh tiến sĩ và các đồng nghiệp tại Đại học Liege (Bỉ) đã kiểm tra một hóa thạch được tìm thấy ở Canada và đưa ra một kết luận gây bất ngờ đối với giới khoa học toàn cầu.
Nhóm nhà khoa học đã tìm thấy sự hiện diện của chitin, một chất xơ hình thành trên thành tế bào nấm và kiểm tra tuổi của đá hóa thạch bao bọc xung quanh. Kết quả là khối đá chứa hóa thạch nấm này đã có tuổi đời từ 900 triệu đến một tỉ năm tuổi.
Ông Loron cho biết phát hiện này rất có ý nghĩa vì trong "cây sự sống", nấm là một phần của cùng một nhóm sinh vật được gọi là Eukaryotes (sinh vật nhân thực) cùng với thực vật và động vật.
"Điều này có nghĩa là nếu nấm đã có từ khoảng 900 - 1.000 triệu năm trước, thì động vật cũng có thể đã xuất hiện từ lúc đó", ông Loron nói với AFP.
"Điều này đang định hình lại tầm nhìn của chúng ta về thế giới bởi vì những nhóm đó vẫn còn hiện nay. Do đó, quá khứ xa xôi này, dù rất khác so với ngày nay, có thể đã "hiện đại" hơn nhiều so với chúng ta nghĩ", ông Loron nhận định thêm.
Nấm vẫn là một trong những sinh vật phong phú nhất trên hành tinh và là nguồn đóng góp lớn thứ ba cho sinh khối toàn cầu sau thực vật và vi khuẩn.
Chúng nặng gấp sáu lần khối lượng của tất cả các loài động vật kết hợp với nhau kể cả con người. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Theo Motthegioi