Hàng triệu con muỗi được thả xuống Hawaii từ trực thăng để cứu những loài chim quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Các loài chim honeycreeper đặc hữu của quần đảo Hawaii đang chết dần vì bệnh sốt rét do muỗi mang đến. Bệnh này xâm nhập vào quần đảo lần đầu tiên vào những năm 1800 qua các tàu châu Âu và Mỹ. Do tiến hóa không có khả năng miễn dịch với bệnh nên chim có thể chết chỉ sau một vết cắn.

30 loài honeycreeper đã tuyệt chủng và nhiều loài trong số 17 loài còn lại đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, một số loài có thể bị tuyệt chủng trong vòng một năm tới nếu không có hành động can thiệp kịp thời.

Hiện các nhà bảo tồn đang khẩn trương cố gắng cứu các loài chim có màu sắc rực rỡ này bằng một chiến lược khác thường: thả thêm muỗi.

Mỗi tuần, một máy bay trực thăng thả 250.000 con muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia có tác dụng kiểm soát sinh sản xuống các hòn đảo của quần đảo xa xôi. Đã có 10 triệu con được thả.

“Điều bi thảm hơn việc các loài chim bị tuyệt chủng là khi chúng có nguy cơ tuyệt chủng mà chúng ta không cố gắng. Không thể không thử”, Chris Warren - điều phối viên chương trình chim rừng của công viên quốc gia Haleakalā trên đảo Maui, Hawaii, cho biết.

Theo đại diện công viên quốc gia, số lượng của Kauaʻi, một loài honeycreeper, đã giảm từ 450 con vào năm 2018 xuống còn năm con vào năm 2023, chỉ còn một con duy nhất được biết là còn sót lại trong tự nhiên, sống trong khu vực bảo tồn.

Các loài honeycreeper có giọng hót giống chim hoàng yến và sự đa dạng đáng kinh ngạc: mỗi loài đã tiến hóa với hình dạng mỏ đặc biệt, thích nghi với việc ăn các loại thức ăn khác nhau, từ ốc sên, trái cây đến mật hoa. Chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái, giúp thụ phấn cho cây và ăn côn trùng.

Loài honeycreeper đỏ tươi 'i'iwi. Nguồn ảnh: Alamy

Vì các loài honeycreeper không tiến hóa cùng với bệnh sốt rét ở gia cầm nên chúng có rất ít phản ứng miễn dịch với bệnh này - ví dụ như loài 'i'iwi lông màu đỏ tươi có 90% nguy cơ chết nếu bị muỗi nhiễm bệnh cắn.

Những loài honeycreeper còn lại thường sống ở độ cao trên 1.200-1.500 mét, nơi muỗi mang ký sinh trùng sốt rét ở gia cầm không sống nổi vì thời tiết quá lạnh. Tuy nhiên, khi khí hậu ấm lên, muỗi di chuyển đến những nơi cao hơn.

Các nhà nghiên cứu đang sử dụng kỹ thuật côn trùng không tương thích (IIT), thả muỗi đực mang vi khuẩn Wolbachia có tác dụng ngăn không cho trứng của những con muỗi cái hoang dã mà chúng giao phối nở.

Muỗi cái chỉ giao phối một lần, do đó về lý thuyết, điều này sẽ làm giảm tổng số lượng muỗi theo thời gian. Wolbachia sống tự nhiên ở hầu hết các loài côn trùng. Côn trùng nhiễm khuẩn chỉ có thể sinh con với các đối tác nhiễm cùng chủng Wolbachia.

Kỹ thuật này đã được sử dụng thành công để giảm số lượng muỗi ở Trung Quốc và Mexico, và đang tiếp tục được sử dụng ở California và Florida.

Tiến sĩ Nigel Beebe, Đại học Queensland, đã nghiên cứu kỹ thuật IIT trên các loài muỗi khác. “Nó tốt hơn nhiều so với việc sử dụng thuốc trừ sâu, gây ra tác dụng không mong muốn lớn. Đặc biệt là đối với những việc như bảo tồn các loài quan trọng,” ông nói.


Nguồn: