Các nhà nghiên cứu cho biết kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ có thể làm giảm “hội chứng sang chấn tâm lý tình yêu”.

Nỗi đau tình cảm khi chia tay có thể nghiêm trọng đến mức nó có tên lâm sàng riêng – hội chứng sang chấn tâm lý tình yêu, hay LTS. Nhưng khoa học có thể đã tìm ra cách hàn gắn một trái tim tan vỡ. Nghiên cứu cho thấy việc đeo một thiết bị chỉ trong vài phút mỗi ngày có thể làm dịu đi nỗi đau, suy nghĩ tiêu cực và bệnh trầm cảm thường đi kèm với một mối quan hệ đổ vỡ.

Hình minh họa. Nguồn: Alamy

Trong một nghiên cứu, 36 tình nguyện viên mắc LTS đã đeo thiết bị kích thích não bằng dòng điện nhẹ.

Các tình nguyện viên được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm đeo thiết bị kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS) trong 20 phút, 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày. Trong một nhóm, dòng điện nhắm vào vùng vỏ não trán trước lưng bên (DLPFC). Ở nhóm thứ hai, nó nhắm vào vỏ thùy trước trán (VLPFC). Ở nhóm thứ ba, thiết bị không phát điện.

Cả hai khu vực mục tiêu này đều có vai trò tham gia vào việc điều chỉnh cảm xúc. Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh trước đây cho thấy có mối liên hệ tâm lý thần kinh giữa trải nghiệm chia tay và mất mát người thân và các vùng vỏ não trước trán.

LTS có thể gây ra cảm xúc đau khổ, trầm cảm, lo lắng, mất ngủ, thay đổi tâm trạng, suy nghĩ ám ảnh và nguy cơ tự tử cao hơn cũng như cảm giác bất an, bất lực và tội lỗi.

Nghiên cứu được công bố trên Journal of Psychiatric Research kết luận rằng đối với các triệu chứng LTS, kích thích DLPFC hiệu quả hơn kích thích VLPFC.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Zanjan, Iran, và Đại học Bielefeld, Đức, kết luận: “Kích thích điện vào DLPFC và VLPFC đều làm giảm đáng kể các triệu chứng LTS, đồng thời cải thiện trạng thái trầm cảm và lo lắng so với nhóm đối chứng. Hiệu quả cải thiện rõ ràng hơn khi kích thích DLPFC so với VLPFC.”

Một tháng sau khi ngừng điều trị, các tình nguyện viên vẫn cảm thấy tốt hơn. Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Những kết quả đầy hứa hẹn này cần được nhân rộng trong các thử nghiệm lớn hơn.”

Trong những năm gần đây, các kỹ thuật như tDCS đã được đưa vào nghiên cứu lâm sàng. Một số nghiên cứu đang thử nghiệm các biện pháp tương tự để xem liệu chúng có thể giúp điều trị chứng trầm cảm nhẹ hay không.

“Vì những cảm xúc tiêu cực chiếm ưu thế sau thất bại trong mối quan hệ tình cảm và xảy ra tình trạng rối loạn điều hòa cảm xúc nên việc điều tiết cảm xúc được coi là mục tiêu điều trị chính. Mặc dù đã có các phương pháp điều trị hiệu quả như liệu pháp nhận thức-hành vi, nhưng các phương pháp điều trị sáng tạo và bổ sung vẫn có giá trị vì những phương pháp điều trị đã có không có tác dụng ở tất cả các bệnh nhân”, nghiên cứu cho biết.

Nguồn: