Học máy kết hợp với quan sát cho thấy một số tiếng kêu của voi được dành riêng cho từng cá thể, tương tự như tên của một người.

Voi dường như sử dụng các cách gọi được cá nhân hóa để hướng đến các thành viên trong nhóm của chúng, cung cấp một ví dụ hiếm hoi về cách các loài động vật không phải con người cũng biết đặt tên cho nhau.

Michael Pardo - nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, cho biết: “Có rất nhiều điều phức tạp trong đời sống động vật hơn những gì chúng ta thường biết. Giao tiếp của voi có thể còn phức tạp hơn chúng ta nhận ra trước đây”.

Hình minh họa. Nguồn:George Wittemyer

Ngoài con người, rất ít loài động vật đặt tên cho nhau. Cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) và vẹt đuôi dài màu cam (Eupsittula canicularis) được biết là có khả năng nhận dạng nhau bằng cách bắt chước tiếng kêu đặc trưng của những cá thể mà chúng đang giao tiếp. Ngược lại, con người sử dụng những cái tên không có mối liên hệ kiểu cơ hữu như vậy với người khác hoặc đồ vật mà họ nhắc đến. Pardo có linh cảm rằng tương tự như con người, voi cũng có thể đặt tên cho nhau vì khả năng giao tiếp bằng âm thanh và mối quan hệ xã hội phong phú của chúng.

Để tìm hiểu, từ năm 1986 đến năm 2022, Pardo và các đồng nghiệp đã ghi lại tiếng gầm sâu của voi cái châu Phi hoang dã (Loxodonta africana) và con của chúng ở Công viên Quốc gia Amboseli thuộc miền nam Kenya, cũng như ở Khu bảo tồn Quốc gia Samburu và Buffalo Springs ở phía bắc nước Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích bản ghi âm 469 tiếng voi kêu bằng kỹ thuật học máy. Mô hình đã xác định chính xác con voi nào đang được hướng đến trong 27,5% số lần thử - tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với khi mô hình được cung cấp âm thanh ngẫu nhiên làm đối chứng. Điều này cho thấy những tiếng gầm mang thông tin chỉ dành cho một con voi cụ thể.

Tiếp theo, Pardo và các đồng nghiệp của ông phát đoạn ghi âm những tiếng kêu này cho 17 con voi và so sánh phản ứng của chúng. Những con voi kêu to hơn và di chuyển nhanh hơn về phía nguồn phát ra âm thanh khi chúng nghe thấy 'tên' của mình (hay âm thanh này được thu lại khi con voi khác giao tiếp với chúng) so với khi chúng nghe thấy tiếng gầm từ những cuộc giao tiếp của những con voi khác. Pardo nói: “Chúng có thể nhận biết liệu âm thanh có hướng đến chúng hay không chỉ bằng cách nghe”.

Hannah Mumby - nhà sinh thái học hành vi và tiến hóa tại Đại học Hồng Kông, cho rằng phát hiện này là một “khởi đầu rất hứa hẹn”, mặc dù cần có thêm bằng chứng để xác nhận liệu voi có thực sự gọi nhau bằng tên hay không. Cô nói thêm, việc hiểu rõ các mối quan hệ xã hội của voi và vai trò của mỗi cá thể trong nhóm rất quan trọng đối với các nỗ lực bảo tồn. “Việc bảo tồn voi không chỉ là số lượng voi".

Câu hỏi tiếp theo dành cho nhóm liên quan đến việc tìm ra cách voi mã hóa thông tin trong tiếng kêu của chúng. Điều đó sẽ “mở ra một loạt câu hỏi khác”, chẳng hạn như liệu voi có đặt tên địa điểm hay thậm chí có nói về nhau ở ngôi thứ ba hay không, theo Pardo.

Nghiên cứu của nhóm Pardo đã được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-024-00797-z