Một nghiên cứu lớn của Mỹ về tác động của chuyến bay vũ trụ cho thấy phụ nữ có thể kiên cường hơn nam giới trước những căng thẳng trong không gian và phục hồi nhanh hơn khi họ quay trở lại Trái đất.


Phi hành gia Christina Koch (trái) và Jessica Meir. của NASA. Nguồn ảnh: NASA Handout/EPA

Nhóm nghiên cứu do Christopher Mason - giáo sư sinh lý học tại Weill Cornell Medicine, New York - dẫn dắt, đã kiểm tra cách hệ thống miễn dịch phản ứng với chuyến bay vào vũ trụ ở hai người đàn ông và hai phụ nữ bay vòng quanh Trái đất với tư cách là dân thường trong sứ mệnh SpaceX Inspiration4 vào năm 2021, và so sánh kết quả này với dữ liệu từ 64 phi hành gia khác.

Nghiên cứu cho thấy hoạt động gen ở nam giới bị gián đoạn nhiều hơn so với nữ giới và mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường ở nam giới sau khi trở lại Trái đất. Một loại protein rất quan trọng cho quá trình đông máu là fibrinogen cũng bị ảnh hưởng.

Không rõ tại sao phụ nữ phục hồi tốt hơn trong chuyến bay vũ trụ so với nam giới, nhưng Mason cho biết nguyên nhân có thể là những thử thách trong quá trình mang thai. Ông nói, khả năng chịu đựng những thay đổi lớn về sinh lý như trong thai kỳ cũng có thể đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt hơn các căng thẳng về sinh lý trong các chuyến bay vũ trụ.

Nghiên cứu của nhóm Mason nằm trong số hơn chục nghiên cứu phân tích các mẫu từ phi hành đoàn Inspiration4 và các phi hành gia khác, những người đã dành sáu tháng hoặc một năm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế - tất cả đều đã được công bố. Những nghiên cứu này đặt nền móng cho cơ sở dữ liệu sinh học vũ trụ sẽ được sử dụng để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe cho các phi hành gia trong tương lai trên Mặt trăng, quỹ đạo Mặt trăng, và thậm chí cả sao Hỏa.

NASA muốn đưa con người bay vòng quanh hành tinh đỏ sớm nhất là vào những năm 2030, nhưng một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Communications làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm túc về sự an toàn của các phi hành gia trong một sứ mệnh không gian xa xôi và kéo dài như vậy. Nhóm nghiên cứu quốc tế, do các nhà nghiên cứu tại Đại học College London dẫn dắt, đã cho chuột tiếp xúc với các tia vũ trụ mô phỏng (GCR) và phát hiện ra rằng liều lượng mà con người có thể gặp phải trong chuyến du hành khứ hồi tới sao Hỏa có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn và các phi hành gia có thể cần phải chạy thận nhân tạo trong chuyến bay chiều về nếu họ không được bảo vệ khỏi các tia vũ trụ.

Keith Siew - nhà nghiên cứu về thận tại UCL, cho biết thận cực kỳ nhạy cảm với bức xạ, nhưng tổn thương vĩnh viễn đó có thể không rõ ràng trong nhiều tháng sau khi tiếp xúc. Bức xạ làm tổn thươngty thể, nhà máy điện nhỏ bên trong tế bào, cuối cùng có thể góp phần gây ra suy thận.

Stephen Walsh - giáo sư thận học tại UCL và là tác giả cấp cao của nghiên cứu, cho biết: “Đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng”. Một vấn đề với GCR là việc che chắn có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, vì các tia trong vũ trụ có năng lượng mạnh đến mức tạo ra bức xạ thứ cấp cũng có thể gây hại cho các phi hành gia.

Nguồn: