Các nhà khoa học đã tính toán rằng khủng hoảng khí hậu khiến đợt hạn hán kỷ lục trên khắp bán cầu bắc vào mùa hè này có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 20 lần so với không có khủng hoảng khí hậu.

Hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng và nguồn cung cấp điện, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo, hạn hán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn nữa, nếu không cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải.

Hạn hán năm nay ở Bắc bán cầu, được phân tích dựa trên dữ liệu về độ ẩm của đất, là do các đợt nắng gắt trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các nhà khoa học cho biết một mùa hè nóng như năm 2022 "gần như không thể xảy ra" nếu không có nóng lên toàn cầu. Chỉ riêng ở châu Âu đã có 24.000 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng.

Hình minh họa. Nguồn: EAP

Nghiên cứu mới đã kiểm tra các điều kiện trên khắp Bắc bán cầu, ngoại trừ các vùng nhiệt đới, và ở Tây và Trung Âu, nơi hạn hán đặc biệt nghiêm trọng và làm giảm đáng kể năng suất cây trồng. Mùa hè ở châu Âu là mùa hè khô nhất kể từ năm 1950, trong khi hạn hán ở Bắc bán cầu là mùa khô thứ hai từng được ghi nhận, chỉ đứng sau năm 2012.

Điều kiện khô hạn gây ra tình trạng thiếu nước và cháy rừng trên diện rộng, với số lượng đám cháy kỷ lục ở châu Âu. Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra cảnh báo hạn hán quốc gia và Mỹ ban bố tình trạng hạn hán trên hơn một nửa đất nước. Ở Anh, nhiệt độ lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 40 độ C.

Giáo sư Sonia Seneviratne, tại Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ, và một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mùa hè năm 2022 đã cho thấy sự thay đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng nguy cơ hạn hán ở các khu vực đông dân cư và canh tác như thế nào. Chúng ta cần phải loại bỏ dần việc đốt nhiên liệu hóa thạch nếu không muốn hạn hán thường xuyên hơn và khốc liệt hơn".

Tiến sĩ Friederike Otto, tại Đại học Hoàng gia London, Vương quốc Anh, và cũng là một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Ở châu Âu, điều kiện hạn hán dẫn đến thu hoạch giảm. Một đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu ở Ấn Độ và Pakistan cũng phá hủy mùa màng và xảy ra vào thời điểm giá lương thực toàn cầu đã rất cao".

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nguy cơ xảy ra đợt nắng nóng chết người ở Nam Á tăng gấp 30 lần do biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc nhóm World Weather Attribution. Họ đã phân tích độ ẩm của đất vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2022 ở độ sâu 1 mét từ mặt đất, nơi cây hút nước. Nhóm cũng sử dụng dữ liệu thời tiết, đất đai và các mô hình máy tính để so sánh khả năng xảy ra hạn hán trong thế giới hiện tại và thế giới không có nóng lên toàn cầu.

Các nhà khoa học nhận thấy hạn hán kỷ lục ở Bắc bán cầu vào năm 2022 sẽ diễn ra 20 năm một lần trong khí hậu ngày nay nhưng chỉ 400 năm một lần nếu không có biến đổi khí hậu. Hạn hán ở Tây và Trung Âu có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 3 đến 4 lần.

Các nhà nghiên cứu cho biết các ước tính trong nghiên cứu là thận trọng, và ảnh hưởng thực sự của các biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể còn cao hơn.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/oct/05/climate-crisis-made-summer-drought-20-times-more-likely-scientists-find