Vào thời điểm Kỷ băng hà cuối cùng sắp diễn ra trên trái đất, con người nhận diện được nguy cơ đại nạn và thực hiện các cuộc di cư trên khắp châu Âu. Một nghiên cứu mới đặt ra giả thuyết rằng các cuộc di cư quy mô lớn diễn ra trong giai đoạn này có thể đã khiến thảm thực vật của châu Âu thay đổi hoàn toàn.
Hình minh họa. Nguồn: (David Clapp/Stone/Getty Images)
Đối chiếu thời điểm diễn ra các cuộc di cư lớn và sự thay đổi cảnh quan thảm thực vật, các nhà nghiên cứu trên khắp nước Anh và châu Âu đã phát hiện những cộng đồng nông nghiệp xuất hiện sớm nhất lại có ảnh hưởng không mấy đáng kể tới hệ sinh thái. Điều ngược lại diễn ra với làn sóng người di cư thứ hai trong thời kỳ đồ đồng. Cộng đồng người di cư từ các vùng thảo nguyên nước Nga đến tây Âu được cho là nguyên nhân khiến số rừng lá kim giảm mạnh và số đồng cỏ tăng lên.
Lần theo các dấu vết di truyền của châu Âu hiện đại, dễ thấy rằng các đầu mối đều xuất phát từ châu Á. Một trong những dấu tích lâu đời nhất đến từ Bán đảo Anatolia, hiện thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 11 nghìn năm trước, trước khi di cư tới vùng đông bắc, cư dân tại đây đã chuyển đổi từ việc săn bắt, hái lượm sang trồng trọt nhờ kinh nghiệm học được từ những người láng giềng, đánh dấu thời kỳ đồ đá mới. Ngày nay, các đặc điểm di truyền của nhóm dân cư trên đảo Anatilian vẫn còn tồn tại ở người châu Âu hiện đại.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp các nghiên cứu di truyền về người cổ đại và người hiện đại để dựng lên một bản đồ thể hiện ba nhóm dân cư với đặc điểm di truyền khác nhau phân bố trên khắp châu Âu qua các thời kì. Trong đó, nhóm thứ nhất là những người săn bắt, hái lượm sống sót qua Kỷ băng hà và nhóm thứ hai là nhóm cư dân trên đảo Anatolia.
Nhóm thứ ba được gọi là nhóm văn hóa Yamnaya, trong tiếng Nga có nghĩa là “cái hố”, được đặt theo hình thức dựng mộ đặc trưng của người ở thời kỳ này. Người Yamnaya đặt chân tới châu Âu 5000 năm trước, trong giai đoạn cuối thời đồ đồng đá, đầu thời kỳ đồ đồng. Xuất phát từ vùng đất phía bắc Biển Đen, nhóm người này có sự phát triển tương đối nhanh với kỹ thuật cưỡi ngựa, đánh xe. So sánh sự phân tán các nhóm gen đã cho thấy sự khác biệt đáng kể về tốc độ phát triển của con người giữa hai cuộc di cư.
Và tất nhiên, công cuộc định cư của người Yamnaya tốn ít thời gian hơn hẳn người Anatolian. Ngoài lợi thế từ khả năng cưỡi ngựa, có giả thuyết cho rằng thế hệ người di cư cổ đại thứ ba đã tác động đến địa hình để khiến đường di chuyển của mình dễ dàng hơn. Trong thời kỳ này, người ta phát hiện diện tích rừng suy giảm mạnh và các đồng cỏ mọc lên thế chỗ. “Hiện tượng này diễn ra dọc theo lộ trình di chuyển của người Yamnaya, và cuối cùng đã thay đổi cảnh quan của toàn bộ châu lục.”, nhà nghiên cứu Fernando Racimo (Đại học Copenhagen) cho biết.
Cần lưu ý rằng việc chứng thực những phỏng đoán trên là rất khó. Bởi lẽ, ngoài yếu tố con người, biến đổi khí hậu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt hệ sinh thái. Dù vậy, mô hình của các nhà khoa học đã cung cấp những gợi ý quan trọng về vai trò của các cuộc di cư trong thời kỳ đồ Đồng tới sự biến đổi thảm thực vật châu Âu.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/new-research-shows-which-ancient-human-migrations-impacted-europe-s-landscape
Công Nhất theo sciencealert