Tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống và tập quán của nhiều loài động vật trên khắp hành tinh, trong đó có chim Cổ Đỏ Bắc Mỹ (American robin).

Loài chim này thường sống rải rác tại Mỹ và Mexico trong phần lớn thời gian của năm, nhưng sẽ tập hợp thành từng đàn khi mùa xuân đến và bay lên phương Bắc, khu vực Alaska và Canada, để lưu trú ngắn ngày (giống như đi nghỉ hè). Tại đây, chúng sẽ có cơ hội tìm kiếm bạn tình, cùng nhau xây tổ, đẻ con và nuôi con bằng côn trùng, quả mọng, giun, …

Hàng năm, chim Cổ Đỏ Mỹ đang bay về phương Bắc sớm hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Hàng năm, chim Cổ Đỏ Mỹ đang bay về phương Bắc sớm hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh:Brian Weeks.

Mùa ấm tại Bắc Cực đang đến sớm hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới thói quen di trí của chim Cổ Đỏ? Để trả lời cho câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu của ĐH Columbia (New York) đã khảo sát khu vực hồ Slave tại Canada, nơi thường được xem là một “trạm dừng chân” chính của loài chim trên hành trình bay về phương Bắc.

Công việc theo dõi này, trên thực tế đã được thực hiện suốt một phần tư thế kỷ. Các khảo sát trực quan và thống kê thuần túy cho thấy chim Cổ Đỏ đang bay về phương Bắc sớm hơn khoảng 5 ngày sau mỗi thập kỷ, kể từ năm 1994, và hiện đã là 12 ngày.

Để hiểu rõ thêm về hiện tượng trên, nhóm đã gắn thiết bị GPS lên 55 con chim, sau đó kết hợp dữ liệu di chuyển thu được với các thông số khác như nhiệt độ, gió, mưa, độ dày của tuyết, … và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thói quen di trú của chúng. Kết quả phân tích cho thấy, chim Cổ Đỏ có xu hướng bay về phương Bắc sớm hơn khi thời tiết trở nên ấm áp và khô ráo.

Gắn thiết bị định vị GPS để theo dõi hành trình di trú của chim Cổ Đỏ. Ảnh:

Gắn thiết bị định vị GPS để theo dõi hành trình di trú của chim Cổ Đỏ. Ảnh:Brian Weeks.

“Trạng thái của tuyết (độ dày, độ bao phủ, …) và thời điểm chúng tan hết có lẽ chính là nhân tố quan trọng nhất. Đó thực sự là điểm cần lưu ý,” tác giả Ruth Oliver, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nhận định. “Nhìn chung, những con chim sẽ phản ứng khi phát hiện thấy nguồn thức ăn – thời điểm tuyết tan và côn trùng bay tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có đủ dữ liệu để chứng minh điều này.”

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về tác động từ sự biến đổi môi trường tới đặc điểm di trú của chim Cổ Đỏ. Những dữ liệu thu được sẽ rất hữu ích cho việc phát triển các mô hình dự đoán xu hướng thích nghi của loài chim này trước diễn biến thời tiết bất thường.

“Thời điểm di trú có thể gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của từng cá thể, cho nên việc nắm rõ các mốc thời gian sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng,” đồng tác giả Natalie Boelman nhấn mạnh.

Sau đây, nhóm kỳ vọng sẽ vẽ được toàn bộ chặng đường di trú của chim Cổ Đỏ, thay vì chỉ một điểm dừng chân, và tìm ra nơi ở sớm của chúng tại phương Bắc.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters.

Nguồn: