Các nhà khoa học đã phát hiện một loài cá sống ở độ sâu lên đến 8 km tại rãnh Mariana - sâu nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii (Mỹ), Đại học Newcastle (Anh) và Đại học Washington (Mỹ) đã phát hiện ra một loài cá sống ở độ sâu khoảng 8 km so với mặt biển sau khi khảo sát rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương. Loài cá mới này có tên khoa học là Pseudoliparis swirei.

Cá Pseudoliparis swirei sống ở độ sâu 8 km tại rãnh Mariana. Ảnh: Graffio Tech.
Cá Pseudoliparis swirei sống ở độ sâu 8 km tại rãnh Mariana. Ảnh: Graffio Tech.

"Đây là loài cá sống ở khu vực sâu nhất của đại dương, và chúng tôi rất vui mừng khi nó có một cái tên chính thức" - Mackenzie Gerringer, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Vùng nước sâu dưới đáy đại dương là nơi có điều kiện sinh sống rất khó khăn do thiếu ánh sáng, nhiệt độ lạnh và áp suất lớn tới mức gần như có thể nghiền nát mọi thứ. Loài cá Pseudoliparis swirei, trông khá yếu đuối để có thể sống trong một môi trường khắc nhiệt như vậy, tuy nhiên chúng đã làm được kỳ tích.

Pseudoliparis swirei có vẻ ngoài không có gì đặc biệt ấn tượng, như cá quỷ anglerfish hay những loài động vật sống dưới đáy biển sâu khác. Trông nó giống như một con nòng nọc với đầy chất nhờn bao quanh, cơ thể gần như trong suốt và không có vảy.

Thoạt nhìn có vẻ yếu ớt nhưng thực tế cá Pseudoliparis swirei lại là loài động vật ăn thịt chiếm ưu thế dưới đại dương sâu thẳm. Thức ăn của chúng thường là những động vật có vỏ và một số loài không xương sống khác.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng các chuyến thám hiểm trong tương lai sẽ khám phá ra nhiều sinh vật kỳ lạ hơn tại những khu vực sâu nhất của đại dương. "Chúng ta thường nghĩ đó là nơi có môi trường sống cực kỳ khắc nghiệt, tuy nhiên vẫn có một nhóm các loài sinh vật đang sống rất hạnh phúc ở đó" - Gerringer nói.