Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ngay cả khi bạn thả những con cá đi sau khi câu được chúng, câu cá vẫn là một hành động rất độc ác.
Có không ít người chỉ câu cá làm thú vui, sau khi câu xong đều phóng sinh, trả tự do cho chúng. Ít ra thì chúng vẫn còn sống, phải không? Nhưng điều đó không khiến thú vui câu cá bớt độc ác đi chút nào đâu.
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học California Riverside, Mỹ, họ đã phát hiện thấy những con cá bị thương do con người câu được trả về tự nhiên thường mất đi khả năng săn mồi vốn có. Theo Telegraph, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm theo dõi 20 con cá rô bắt được ngoài tự nhiên ở Canada. Một nửa trong số đó bị bắt bằng cần câu và một nửa bị bắt bằng lưới. Chúng sau đó được phóng sinh trở lại môi trường nước.
Họ tiếp tục sử dụng máy ảnh tốc độ cao để quan sát 20 con cá rô nhằm tìm ra sự khác biệt giữa cá bị đánh bắt bằng lưới và lưỡi câu. Kết quả họ phát hiện thấy, những con cá bị câu sau khi được thả ra khó bắt mồi hơn.
Chưa rõ nguyên nhân thực tế đằng sau phát hiện này là gì nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng, chính vết thương và lỗ hổng gây ra bởi móc câu có thể đã làm gián đoạn hệ thống hút nước của cá. Hệ thống này hoạt động tương tự như cách con người hút chất lỏng qua ống hút.
Theo Wikipedia, cá thường trao đổi khí qua mang. Mang cá có cấu trúc như những sợi chỉ gọi là các thớ mảnh. Mỗi thớ mảnh chứa một hệ thống mao mạch giúp cho việc trao đổi O2 và CO2 qua máu dễ dàng hơn. Cá thường trao đổi khí bằng cách hút nước giàu O2 qua miệng và đẩy chúng qua các thớ mảnh của mang. Còn dòng nước nghèo O2 sẽ được đẩy ra ngoài thông qua các lỗ hổng của hầu.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Tim Higham chia sẻ: "Như chúng tôi đã từng dự đoán, vết thương trên miệng cá có thể làm giảm tốc độ kéo con mồi vào miệng. Mặc dù chúng tôi chưa biết làm sao mà vết thương có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu thụ thức ăn và sự sống của cá trong tự nhiên, nhưng chúng tôi có thể khẳng định rằng, vết thương khi câu cá có thể tác động tới khả năng kiếm ăn của chúng trong lúc vết thương trên mồm chưa kịp lành".
Cá cũng có dây thần kinh giống như con người, do đó chúng có thể cảm nhận được cảm giác đau khi bị lưỡi câu ngoắc vào mồm. Đó là chưa kể chúng cũng phải trải qua cảm giác nghẹt thở khi bị đưa lên trên mặt nước. Mang cá sẽ bị xẹp xuống và bong bóng cá có thể bị vỡ do sự thay đổi đột ngột về áp suất.
Trong nhiều trường hợp nếu lưỡi câu bị trôi xuống tới cổ họng và ruột cá, tình hình sẽ trầm trọng hơn rất nhiều. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra, nhiều loài cá bị câu và thả lại xuống nước phải chịu các chấn thương dẫn tới chết. Câu cá không chỉ tác động riêng tới loài cá mà còn ảnh hưởng đến các loài chim và rùa nếu chúng vô tình nuốt phải móc câu hoặc vướng phải dây câu.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc câu cá và thả cá không đơn giản chỉ là việc tháo móc và thả chúng đi. Đó là cả một vấn đề phức tạp và liên quan đến đạo đức nên sẽ cần nghiên cứu thêm. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch đánh giá xem liệu việc câu và thả cá như vậy có ảnh hưởng đến quần thế cá hay không.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Journal of Experimental Biology mới đây.