Các mảnh vỡ tiền xu và khuôn đất sét được phát hiện ở thành phố cổ Quan Trang, Trung Quốc là bằng chứng về xưởng đúc tiền lâu đời nhất thế giới, có niên đại cách đây khoảng 2.600 năm.

Nguồn gốc của tiền đúc kim loại và quá trình lưu hành tiền tệ trong các nền kinh tế cổ đại từ lâu đã trở thành trọng tâm nghiên cứu của các nhà khảo cổ và chuyên gia về lịch sử kinh tế. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Antiquity vào tháng 8/2021, nhà khảo cổ Hao Zhao tại Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) và các cộng sự đã tìm ra bằng chứng cho thấy những đồng tiền đúc bằng kim loại không xuất hiện đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hy Lạp như quan niệm trước đây mà là ở Trung Quốc.

Toàn cảnh xưởng đúc tại Quan Trang. Ảnh:Hao Zhao.

Nhóm nghiên cứu đã khai quật những tàn tích còn sót lại tại thành phố cổ Quan Trang ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), cách sông Hoàng Hà khoảng 12km về phía Nam. Họ phát hiện xưởng đúc tiền kim loại lâu đời nhất, nơi những đồng xu nhỏ hình cái thuổng được sản xuất hàng loạt cách đây khoảng 2.600 năm.

Thành phố Quan Trang với những bức tường và hào sâu bao quanh được xây dựng vào năm 800 trước Công nguyên, theo Hao Zhao. Kể từ năm 770 trước Công nguyên, người dân địa phương đã sử dụng xưởng đúc đồng tại Quan Trang để tạo ra các bình dùng cho mục đích nghi lễ, phụ kiện trang trí xe ngựa, nhạc cụ, vũ khí và những công cụ khác. Nhưng phải 150 năm nữa, họ mới bắt đầu đúc tiền xu bên ngoài cổng phía Nam của khu vực nội thành.

Đồng xu hình thuổng được khai quật tại thành phố cổ Quan Trang, Trung Quốc. Ảnh: Hao Zhao.

Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, nhóm nghiên cứu kết luận xưởng đúc tiền đồng bắt đầu hoạt động vào khoảng giữa năm 640 trước Công nguyên và năm 550 trước Công nguyên – lâu đời hơn so với tiền xu của Đế chế Lydian ở khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Xưởng đúc tiền ở Quan Trang hiện là địa điểm đúc tiền có niên đại lâu đời nhất được biết đến trên thế giới”, Hao Zhao nhận định.

Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai đồng tiền hình thuổng – trông giống như phiên bản thu nhỏ của công cụ làm vườn – và hàng chục khuôn đất sét dùng để đúc chúng. Một đồng xu bằng đồng ở trong tình trạng gần như hoàn hảo, có chiều dài 14,3cm, rộng 6,3cm và nặng khoảng 27 gram.

Kết quả phân tích thành phần hóa học của hai đồng xu cho thấy hàm lượng đồng (Cu) của chúng chiếm tỷ lệ lần lượt là 62,5% và 76,46%. Các nguyên tố cấu tạo còn lại bao gồm chì (Pb), thiếc (Sn) và một số nguyên tố khác.

Tại khu vực xưởng đúc, các nhà khảo cổ cũng phát hiện hơn 2.000 hố dùng để đổ chất thải trong quá trình sản xuất tiền xu. Hầu hết các hố có đường kính từ 1,5 – 3m, với độ sâu từ 1 – 2,5m. Những hố này là một “mỏ vàng” đối với giới khoa học, vì chúng chứa vô số mảnh gốm sứ và tàn tích của quá trình đúc đồng.

Các nồi nấu kim loại, đồ tạo tác bằng đồng chưa hoàn thành hoặc bị hỏng, khuôn đất sét, than củi, mảnh lò nung và mảnh vụn kim loại bị bỏ đi là những bằng chứng cụ thể, giúp chúng ta hiểu rõ lịch sử sản xuất tiền xu tại Quan Trang.

“Các đồng xu cổ ở những nơi khác thường được tìm thấy đi kèm với nhau và thiếu bối cảnh ban đầu của quá trình sản xuất hoặc sử dụng chúng”, Bill Maurer, giáo sư nhân chủng học tại Đại học California, Irvine (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết. “Nhưng trong trường hợp này, chúng ta tìm thấy xưởng đúc hoàn toàn nguyên vẹn và các khuôn đúc đã qua sử dụng. Do đó, chúng ta có thể xác định chính xác niên đại của những đồng tiền cổ”.

Các đồng xu hình thuổng phát hiện tại Quan Trang không giống những gì chúng ta thường thấy ở tiền kim loại [thường có hình tròn]. Trong khi loại tiền đầu tiên mà người Trung Quốc cổ đại sử dụng là những chiếc vỏ ốc, họ đã chuyển đổi dần sang sử dụng tiền kim loại với các hình dạng khác nhau bao gồm: dao, thuổng, thậm chí là cây cầu vào thời kỳ Xuân Thu (khoảng năm 771 – 476 TCN).

“Những đồng tiền này là sản phẩm mô phỏng theo hình dạng của các dụng cụ nông nghiệp mà người dân Trung Quốc cổ đại đã trao đổi với nhau”, theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ.

Theo thời gian, những đồng tiền kim loại ngày càng được cách điệu và có kích thước nhỏ hơn, cho đến khi chúng giống với những gì chúng ta biết về tiền xu ngày nay. Một số phiên bản của đồng xu hình thuổng được lưu hành trên khắp vùng đồng bằng trung tâm của Trung Quốc cho đến khi bị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần bãi bỏ vào năm 221 trước Công nguyên.

“Sự tiêu chuẩn hóa ở mức độ cao của các đồng xu hình thuổng tại Quan Trang [về hình dạng và kích thước] được phản ánh thông qua sự đồng nhất về đặc điểm hình thái của các khuôn đất sét”, Hao Zhao cho biết. “Các nghệ nhân đã tạo ra khuôn đất sét với sự hỗ trợ của một công cụ đo lường để điều chỉnh kích thước và giảm thiểu sự khác biệt của chúng”.

Hao Zhao và cộng sự suy đoán vị trí của xưởng đúc tiền gần với trụ sở của chính quyền thành phố cổ Quan Trang là dấu hiệu cho thấy “các hoạt động đúc tiền ít nhất đã được chính quyền địa phương công nhận”. Tuy nhiên, sự tham gia của hệ thống chính trị vào việc sản xuất tiền xu vẫn là một vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Có hai lý thuyết phổ biến về nguồn gốc của những đồng tiền xu này. Chúng được tạo ra để các thương nhân và khách hàng có thể trao đổi, hoặc để bộ máy cai trị thu thuế và nợ.

Tiền xu không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại mà còn cung cấp cho xã hội loài người những cách thức mới để đánh giá sự giàu có, uy tín và quyền lực.

“Xưởng đúc tiền xu tại Quan Trang không phải là một thử nghiệm lẻ tẻ, quy mô nhỏ, mà là một cơ sở sản xuất được lên kế hoạch và tổ chức chặt chẽ ở khu vực đồng bằng trung tâm của Trung Quốc. Khám phá mới mang ý nghĩa quan trọng, giúp mở mang hiểu biết của chúng ta về lịch sử phát triển của tiền tệ”, nhóm nghiên cứu cho biết.