Năm 1879, nhà nghiên cứu người Đức Wilhelm Wundt đã thành lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên trên thế giới tại Đại học Leipzig. Kể từ đó, tâm lý học trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập.

Vào đầu thế kỷ XIX, tương lai của ngành tâm lý học vẫn còn khá mịt mờ. Cho đến thời điểm đó, người ta coi tâm lý học là một nhánh của triết học, và nhánh đó gần như đi vào ngõ cụt khi triết gia người Đức Immanuel Kant tuyên bố rằng tâm lý học không có khả năng tồn tại như một ngành khoa học độc lập, bởi vì ý thức không thể nghiên cứu một cách khách quan.
Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Wilhelm Wundt xây dựng phương pháp luận và tiến hành các thí nghiệm tâm lý đầu tiên, đặt nền móng để tâm lý học trở thành một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Do đó, ông được mệnh danh là cha đẻ của tâm lý học thực nghiệm.

Wilhelm Wundt (1832-1920). Ảnh: Scihi

Wundt sinh ra tại Neckarau, Baden (Đức) vào ngày 16/8/1832. Cha của Wundt là một mục sư Tin Lành, nhưng ông không tiếp nối sự nghiệp của cha mình mà quyết định theo học chuyên ngành y khoa ở Đại học Heidelberg và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 1856. Cũng tại ngôi trường này, ông tham gia công tác giảng dạy bộ môn sinh lý học, sau đó trở thành trợ lý cho nhà vật lý và sinh lý học nổi tiếng Hermann von Helmholtz vào năm 1858.

Trong khoảng thời gian làm việc ở Đại học Heidelberg, ông đã viết tác phẩm “Beiträge zur Theorie der Sinneswahrnehmung” (Những đóng góp cho lý thuyết về nhận thức giác quan). Ông cũng xây dựng khóa học đầu tiên về tâm lý học theo khía cạnh khoa học, đề cập đến mối quan hệ giữa sinh lý của bộ não và tâm trí con người. Ông đã tổng hợp các bài giảng của mình và xuất bản cuốn sách với tựa đề “Vorlesungen über die Menschen und Thierseele” (Những bài giảng về tâm trí của con người và động vật) vào năm 1863.

Năm 1875, Wundt nhận được một công việc mới không chỉ thay đổi cuộc đời ông mà còn có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ lĩnh vực tâm lý học trong tương lai. Công việc này là một vị trí giảng dạy ở Đại học Leipzig (Đức). Tại đó, Wundt bước vào giai đoạn làm việc hiệu quả nhất trong sự nghiệp của mình. Ông đã thực hiện một điều chưa ai từng làm trước đây – xây dựng phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên trên thế giới vào năm 1879.

Phòng thí nghiệm trở thành điểm đến cho những người quan tâm đến tâm lý học, đầu tiên là các nhà triết học và tâm lý học người Đức, sau đó đến các sinh viên Mỹ và Anh. Hai năm sau, Wundt thành lập tạp chí tâm lý học đầu tiên mang tên “Philosophische Studien”, đánh dấu sự khởi đầu của tâm lý học hiện đại.

Wundt tin rằng ý thức của con người có thể nghiên cứu thông qua các thí nghiệm thực tế. Ngày nay, chúng ta có phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thần kinh khác cho phép chúng ta quan sát các phản ứng sinh lý trong não. Tất nhiên, Wundt không biết đến những công nghệ này trong thời đại của mình. Do đó, ông phải tiến hành các thí nghiệm dựa vào việc kiểm soát kích thích từ bên ngoài và báo cáo về những thay đổi tâm lý, cảm xúc và hành vi của các tình nguyện viên. Ông đặt tên cho phương pháp này là “xem xét nội tâm”.

Wundt đã tách rời tâm lý học ra khỏi triết học bằng cách phân tích hoạt động của tâm trí thông qua đo lường và kiểm soát một cách khách quan, từ đó giảm thiểu vai trò của phân tích dựa trên lý trí.

Wundt nhận định rằng, các phương pháp thực nghiệm khoa học có thể giúp chúng ta phân tích những hiện tượng nhất thời và thay đổi, chứ không chỉ đơn thuần là quan sát các đối tượng tương đối ổn định. Nói cách khác, phương pháp thực nghiệm (vào thời điểm đó chỉ được sử dụng trong khoa học vật lý) trở nên đặc biệt hữu ích khi nghiên cứu những thứ thay đổi, bao gồm suy nghĩ và cảm xúc của con người. Thật dễ hiểu khi Wundt muốn áp dụng khoa học vào nghiên cứu tâm lý học, nhưng đây là việc làm mang tính cách mạng vào thời điểm đó.
Trong tác phẩm “Grundzüge der physiologischen Psychologie” (Những nguyên lý của Tâm sinh lý học), Wundt đã thiết lập các quy trình thực nghiệm trong nghiên cứu tâm lý. Đây là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành tâm lý học.

Wundt đã nghiên cứu ba phạm trù chính của hoạt động trí óc bao gồm: cảm xúc, hình ảnh và suy nghĩ. Ba phạm trù này là cơ sở của các quá trình tri giác được đề cập trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức ngày nay.

Vấn đề Wundt cũng đặc biệt quan tâm là yếu tố sinh lý học liên quan đến ý thức. Ông đã triển khai các thí nghiệm để tìm hiểu thời gian phản ứng của con người đối với các tác nhân bên ngoài (ví dụ như ánh sáng hoặc âm thanh của máy đếm nhịp), nhận thức cảm giác thu được từ các giác quan và sự chú ý. Mục đích của ông là phân tích những yếu tố cấu thành nên những suy nghĩ và cảm giác của con người, giống như cách một nhà hóa học phân tích các hợp chất để tìm ra cấu trúc cơ bản của chúng.

Wundt và một học viên tại phòng thí nghiệm tâm lý của ông tên là Edward B. Titchener đã phát triển học thuyết cấu trúc (structuralism), theo đó mọi trải nghiệm của tâm trí đều có thể được chia nhỏ thành các yếu tố nhỏ hơn cấu thành nên nó. Và những yếu tố cấu thành này có thể kết hợp lại với nhau để tạo ra trải nghiệm có ý thức. Ví dụ, cảm giác cầm một cục nước đá trên tay có thể chia nhỏ thành các yếu tố nhỏ hơn như “lạnh”, “cạnh sắc nhọn”, “ướt”, “vuông hoặc tròn”, “nặng”.

Học thuyết cấu trúc vẫn có nhiều tính ứng dụng cho đến ngày nay, trong đó bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật chụp hình ảnh thần kinh như MRI và chụp cắt lớp CT. Cụ thể, khi các nhà khoa học chụp ảnh não hoặc xem xét những thay đổi về máu và hóa chất trong não, họ thường phân chia các bộ phận và chức năng riêng biệt của não để xem chúng phản ứng như thế nào với kích thích từ bên ngoài.

Trong giai đoạn gần cuối sự nghiệp, Wundt đã phát triển lý thuyết “ba khía cạnh của cảm giác” vào năm 1896. Lý thuyết này đề xuất rằng mọi người trải nghiệm cảm giác theo ba thông số: dễ chịu, căng thẳng và phấn khích.

Wundt và cộng sự cũng kiểm tra những hành vi bất thường ở con người, từ đó xác định và phân loại các triệu chứng rối loạn tâm thần, tìm kiếm phương pháp cải thiện mức độ tập trung cho các bệnh nhân.

Với những đóng góp to lớn của mình, Wundt được công nhận là một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại cùng với William James và Sigmund Freud.

Theo Famous Scientists, Study