Ngọc trai là một trong những loại đá quý đẹp nhất thế giới được tạo ra từ sinh vật sống. Ngoài vẻ đẹp lung linh huyền ảo, chúng còn có một lịch sử hấp dẫn ở nhiều khu vực khác nhau và mang những ý nghĩa văn hóa nhất định.

Mặc dù rất khó xác định thời điểm con người bắt đầu sử dụng ngọc trai, nhưng chúng ta có thể giả định người tiền sử đã phát hiện ra chúng trong lúc tìm kiếm các loài động vật trên bờ biển để làm thức ăn. Theo thời gian, tin tức về những viên ngọc lung linh này đã truyền đi rất xa, nhanh chóng trở thành biểu tượng cho địa vị và quyền lực ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Một số chuyên gia đá quý, chẳng hạn như Frederick Kunz, cho rằng con người tìm thấy những viên ngọc trai đầu tiên tại một địa điểm nào đó xung quanh Vịnh Ba Tư, hoặc có thể trên Vịnh Mannar giữa Ấn Độ và Sri Lanka.

Ảnh: Adobe Stock.

Những ghi chép sớm nhất về việc sử dụng ngọc trai trong các nền văn hóa có niên đại vào khoảng năm 2300 trước Công nguyên (TCN). Khi đó, ngọc trai thường được dùng như một món quà đặc biệt dành cho các thành viên hoàng tộc ở Trung Quốc cổ đại để tỏ lòng tôn kính. Ngọc trai cũng thể hiện sự thanh khiết và trong trắng của người đeo. Chúng rất hiếm và viên ngọc càng tròn thì càng có giá trị.

Năm 1901, các nhà khảo cổ học phát hiện vòng cổ ngọc trai lâu đời nhất thế giới trong quan tài bằng đồng của một công chúa Ba Tư tại thành phố cổ Susa ở Iran. Chiếc vòng cổ có niên đại năm 420 TCN. Nó bao gồm 216 viên ngọc trai được xâu chuỗi trên những đoạn dây đồng. Hiện tại, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vòng cổ này ở Bảo tàng Louvre.

Từ La Mã đến Ai Cập

Trong thời kỳ Đế chế La Mã không ngừng được mở rộng, người La Mã cổ đại rất yêu thích ngọc trai và thường sử dụng chúng để phân biệt trực quan những người có địa vị cao hơn trong xã hội. Ngọc trai là dấu hiệu cho thấy người đeo xuất thân từ một gia đình danh giá, thuộc tầng lớp quý tộc, khiến họ trở nên khác biệt với dân chúng.

Ngọc trai có giá trị cao hơn hầu hết các loại đá quý khác. Nhà sử học Suetonius ghi chép là tướng La Mã Vitellius từng tài trợ kinh phí cho toàn bộ quân đội của mình sau khi bán một chiếc hoa tai của mẹ làm từ ngọc trai.

Phụ nữ La Mã giàu có thường đính ngọc trai lên các đồ nội thất đắt tiền và những chiếc váy mà họ yêu thích. Chiếc váy càng có nhiều ngọc trai thì càng thể hiện mức độ sang trọng của một người phụ nữ.

Người Ai Cập cổ đại cũng yêu thích vẻ đẹp tự nhiên của ngọc trai. Nếu có đủ điều kiện, họ sẽ chôn ngọc trai cùng với người thân đã khuất để thể hiện sự kính trọng. Những ngôi mộ có nhiều ngọc trai đều thuộc về những cá nhân giàu có hoặc nổi tiếng.

Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất về ngọc trai trong lịch sử liên quan đến bữa tiệc của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra và người tình Mark Antony. Cleopatra muốn chứng minh rằng Ai Cập giàu có tương đương với La Mã, vì vậy nữ hoàng đã mời Antony đến “bữa tối đắt tiền nhất trong lịch sử”. Cleopatra ngồi xuống bàn ăn bên cạnh một cốc rượu có tính axit nhẹ. Sau đó, nữ hoàng tháo một trong những bông tai bằng ngọc trai của mình, hòa tan nó vào rượu và uống toàn bộ. Antony từ chối khẩu phần ăn của mình trong bữa tối, đó là chiếc bông tai còn lại. Các chuyên gia đá quý ước tính rằng đôi bông tai của Cleopatra trị giá khoảng 10 triệu USD tính theo giá thị trường ngày nay.

Ngọc trai cũng xuất hiện trong văn hóa Ả Rập. Kinh Koran mô tả ngọc trai với sự tôn kính đặc biệt. Cụ thể, chốn Thiên đường [hoặc Thiên đàng] chứa vô số các loại đá quý bao gồm ngọc trai. Quả của cây mọc trên Thiên đường là ngọc trai và ngọc lục bảo. Tất cả những người may mắn đến nơi đây sau khi chết đều sẽ nhận được một chiếc lều và vương miện làm bằng ngọc trai.

Vùng đất ngọc trai

Ngọc trai không chỉ dành riêng cho những người ở châu Âu và châu Á. Bắc Mỹ cũng có lịch sử ngọc trai của riêng mình, đặc biệt là sau khi Columbus đến châu Mỹ vào cuối thế kỷ XV. Người Tây Ban Nha đã tận dụng triệt để vùng đất mới khám phá này, buộc các nô lệ phải lặn xuống những vùng nước sâu để lấy ngọc trai. Những viên ngọc trai nước ngọt lớn nhất, tròn nhất được bán cho các thành viên hoàng gia và những người giàu có nhất châu Âu.

Thực dân Anh cũng phát hiện thổ dân châu Mỹ đeo ngọc trai – thứ mà họ tìm thấy ở lưu vực sông Ohio, Mississippi và Tennessee ngày nay. Người Anh tìm đủ mọi cách thu thập những viên ngọc và đưa chúng trở về châu Âu. Theo thời gian, khu vực này dần trở nên nổi tiếng với biệt danh “Vùng đất ngọc trai”.

Ngọc trai nước ngọt không phải là loại ngọc trai duy nhất ở châu Mỹ. Ở Vịnh California, người ta phát hiện loại ngọc trai nước mặn có màu đen. Đây là mặt hàng quý giá, chủ yếu được xuất khẩu sang Tây Ban Nha thời bấy giờ.

Bên ngoài khu vực Bắc Mỹ, các quốc gia khác bắt đầu tìm nguồn cung cấp ngọc trai của riêng mình để thâm nhập thị trường Tây Ban Nha. Họ đã cố gắng cạnh tranh với ngọc trai nước ngọt ở Bắc Mỹ bằng cách tuyển chọn những viên ngọc tròn nhất, mịn nhất và lấp lánh nhất. Với lượng ngọc trai dư thừa, Tây Ban Nha nhanh chóng phải tìm đối tác mua lượng hàng dự trữ lớn của họ. May mắn thay, các cộng đồng trên khắp châu Âu và châu Á luôn sẵn sàng mua những viên ngọc trai này, bất kể chúng có giá thành khá cao.

Không lâu sau, các loài nhuyễn thể [động vật thân mềm, không xương, có vỏ đá vôi] bị thu hẹp đáng kể do tình trạng đánh bắt quá mức ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ. Việc tìm kiếm ngọc trai trở nên khó khăn hơn nhiều. Thêm vào đó, quá trình công nghiệp hóa tạo ra mức độ ô nhiễm lớn hơn cho châu Mỹ, ngăn cản một số loài nhuyễn thể có thể phát triển và sinh sản.

Ngọc trai trở nên phổ biến

Một giải pháp đã xuất hiện ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, khi Kokichi Mikimoto tìm ra quy trình nuôi cấy ngọc trai, hoặc sản xuất “ngọc trai nuôi”. Chúng được tạo ra bằng cách đưa một hạt nhân (lõi ngọc trai) vào một con trai, hàu hoặc một số động vật nhuyễn thể khác. Sau đó, sinh vật sẽ tự tạo ra ngọc trai xung quanh phần lõi này. Mikimoto và các nhà sinh vật học Nhật Bản đã thử một số hạt nhân khác nhau bao gồm bạc, vàng, chì và gỗ, nhưng Mikimoto nhận thấy những mảnh nhỏ của vỏ trai Mỹ mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhờ ý tưởng của Mikimoto, hoạt động nuôi cấy ngọc trai trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc – quốc gia sản xuất ngọc trai nước ngọt lớn nhất thế giới. Việc tìm kiếm đồ trang sức bằng ngọc trai giờ đây rất dễ dàng. Tại hầu hết các tiệm kim hoàn ở địa phương, bạn có thể mua đồ trang sức ngọc trai với giá cả hợp lý. Đa số ngọc trai trong ngành buôn bán đồ trang sức ngày nay là ngọc trai nuôi cấy. Ngọc trai tự nhiên hiếm hơn rất nhiều nên có giá thành cao hơn đáng kể.

Theo Ancient Origins