Là tác phẩm thiếu nhi song bộ sách “Tớ đã từng sợ hãi” và “Bố đã từng xa con” của Chandra Ghosh Ippen làm cả người lớn cũng phải ngẫm nghĩ. Bởi chúng không kể những câu chuyện cổ tích đầy mơ mộng mà mở ra hai chủ đề không phải ai cũng dám đối mặt: nỗi sợ và sự chia lìa.

Ngay từ tên và bìa sách, ta đã có thể đoán “Tớ đã từng sợ hãi” và “Bố đã từng xa con” không “nhẹ nhàng”. Sáng tác bởi một tiến sĩ tâm lý chuyên nghiên cứu về sang chấn trẻ em và trị liệu bố mẹ - con cái, hai cuốn sách có cách thể hiện gần gũi với độc giả nhỏ tuổi nhờ sử dụng tranh vẽ và kể chuyện qua lời các con vật. Trong “Tớ đã từng sợ hãi”, bầy thú chia sẻ về nỗi sợ và phản ứng trước nỗi sợ của chúng. “Bố đã từng xa con” thì lấy bối cảnh là cuộc gặp của hai bố con nhà Thỏ sau thời gian xa cách.

Hai cuốn sách có thể khiến không ít bố mẹ thấy ngạc nhiên, thậm chí e dè bởi ở Việt Nam, chia sẻ cảm xúc tiêu cực dường như vẫn là chủ đề cấm kỵ trong gia đình. Khi thấy trẻ sợ hãi, ta có xu hướng trấn an ngay bằng một số câu nói như “có gì đâu”, “ai mà chẳng thế” mà không hỏi thêm lý do trẻ sợ hãi hay trẻ cần ta làm gì cho bớt sợ hãi. Hoặc nếu bố mẹ quyết định ly dị, trẻ ít khi được nghe lời giải thích rõ ràng về nguyên nhân rạn nứt hay cảm xúc của bố mẹ mà chỉ biết rằng bố mẹ không còn ở với nhau nữa.

Nguồn: LTh.

Các cách phản ứng trên không hẳn sai. Ta vội vàng trấn an để trẻ mau hết sợ và mạnh mẽ hơn. Ta không kể cụ thể chuyện ly dị vì nghĩ rằng trẻ càng biết thì càng buồn, hoặc trẻ còn quá nhỏ để hiểu. Vấn đề ở chỗ, né tránh nói về cảm xúc tiêu cực có thể là khởi đầu cho nhiều vấn đề nghiêm trọng sau này.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra sợ hãi là điều bình thường ở trẻ nhỏ. Theo cuốn sách Rối loạn lo âu ở trẻ em và thiếu niên (Anxiety Disorders in Children and Adolescents) của Wendy K. Silverman và Andy P. Field, “trẻ em dường như đặc biệt dễ gặp phải lo âu” mà sợ hãi là một biểu hiện. Trong nghiên cứu Sự phát triển của nỗi sợ hãi bình thường: Một thế kỷ nghiên cứu công bố trên tạp chí Clinical Psychology Review số 20, năm 2000, tác giả Eleonora Gullone - Khoa Tâm lý học, Đại học Monash (Úc) - cho biết, mỗi đứa trẻ có trung bình 2 – 5 nỗi sợ. Đó có thể là nỗi sợ thiên tai như bạn Sóc, sợ tổn thương về mặt thể chất (bị đánh) như bạn Chó, sợ bị bỏ rơi như bạn Khỉ trong “Tớ đã từng sợ hãi”.

Sợ hãi hay xảy ra ở trẻ em không có nghĩa là nó không quan trọng để nói tới. Với bộ não và bộ kỹ năng chưa hoàn thiện, trẻ không thể hiểu tại sao mình lại sợ đến thế và liệu mình nên giải quyết nỗi sợ đó như thế nào. Nếu không được người lớn hướng dẫn cách ứng phó lành mạnh với nỗi sợ, trẻ dễ xảy ra những giải pháp không phù hợp, ví dụ bạn Chồn xịt khói hôi hay bạn Chó gầm thét, dẫn đến kết quả là các bạn khác sợ hãi, bỏ chạy và chính bạn Chồn, bạn Chó càng căng thẳng hơn.

Khi không được người lớn cho cơ hội nói về nỗi sợ, trẻ có thể nghĩ rằng sợ hãi là xấu và cố gắng giấu cảm xúc này đi, để rồi gặp phải những hệ quả không mong muốn. Như Carl Rogers, cha đẻ trường phái Tâm lý học nhân văn và liệu pháp thân chủ trọng tâm, thừa nhận trong cuốn sách Con đường tồn tại (A way of Being): “Tôi hối hận khi kìm nén cảm xúc của mình quá lâu đến mức chúng bùng phát theo những cách sai lạc, hung hăng hoặc gây tổn thương”. Sợ hãi là một biểu hiện của lo âu nên nếu bị dồn nén quá mức, sau này trẻ sẽ tăng nguy cơ gặp rối loạn lo âu và xuất hiện các hành vi nguy cơ như lạm dụng chất kích thích, gây rối.

Tương tự như sợ hãi, không nói về cảm giác chia lìa cũng dễ để lại những vết thương tâm lý cho trẻ. Trong “Bố đã từng xa con”, Thỏ con buồn vì không hiểu tại sao khi ấy bố không còn ở lại với mình, sợ bố sẽ lại rời xa mình và cảm thấy nghi ngờ bố. Nếu không nói ra và được nghe giải thích rõ ràng, những cảm xúc buồn, sợ, nghi ngờ rất hay gặp đó sẽ theo trẻ đến tuổi trưởng thành, khiến trẻ khó tạo dựng được các mối quan hệ lành mạnh. Mang trong mình túi cảm xúc chưa được giải quyết, trẻ có thể trở nên quá khép kín, quá phụ thuộc hoặc cả hai.

Tệ hơn, trẻ có thể nghĩ rằng: “Mình tệ nên bố mẹ mới bỏ mình đi”. Nguyên nhân do khi còn nhỏ, con người nhìn thế giới theo chiều hướng vị kỷ, tức là mọi thứ xoay quanh mình và vì mình. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu như một chuyện gì đó không hay xảy ra, ví dụ như bố hoặc mẹ không về nhà, trẻ sẽ đổ lỗi cho bản thân, từ đó tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý nặng như trầm cảm.

Không ai tránh được nỗi sợ và sự chia lìa nên điều quan trọng là trẻ học cách ứng phó với những cảm xúc, trải nghiệm không mấy dễ chịu ấy. Người lớn có thể trở thành cô Nhím trong “Tớ đã từng sợ hãi”, một nhân vật biết lắng nghe, công nhận và phân tích cảm xúc của trẻ đồng thời hướng dẫn trẻ một số phương pháp giải tỏa lành mạnh. Người lớn cũng có thể trở thành Thỏ bố trong “Bố đã từng xa con”, một phụ huynh sẵn sàng đón nhận cảm xúc của con và dũng cảm nói với con lời xin lỗi. Như thế, trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh về tinh thần hơn và từng bước xây dựng cho mình khả năng phục hồi trước các biến cố.

Dù được quảng cáo là “lời khuyên từ chuyên gia tâm lý nổi tiếng”, hai cuốn sách không gây cảm giác khuyên răn mà gần gũi, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Bộ sách là một lựa chọn hay để bố mẹ và trẻ nhỏ cùng đọc với nhau. Và rất có thể, khi đọc xong, người lớn sẽ nhận ra rằng mình cũng có những vết thương cần được an ủi, rằng mình không chỉ có thể giúp con mà còn có thể giúp chính mình nữa.