Cuộc chiến pháp lý trường kỳ
Là biểu tượng của môn bóng rổ thế giới, Michael Jordan đã ký hợp đồng với hãng sản xuất đồ thể thao Nike, cho phép hãng sử dụng tên tuổi mình để quảng bá sản phẩm. Theo báo cáo tài chính năm 2014, lợi nhuận ròng của Nike tăng 12% do “sự gia tăng nhu cầu về giày thể thao, bao gồm các sản phẩm thi đấu mang thương hiệu Nike và giày mang thương hiệu Jordan”.
Hãng tin ESPN cho biết, mỗi năm Michael kiếm 100 triệu USD từ tiền bản quyền thương hiệu Jordan. Doanh số bán giày thương hiệu này đạt 2,2 tỷ USD/năm và Nike hy vọng sẽ đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2020.
Ở trị trường Trung Quốc, độ phủ các sản phẩm giày Jordan rất lớn. Doanh số bán sản phẩm Nike - bao gồm giày Jordan - tăng 30% tại đây. Một bài viết trên tờ Fortune tháng 10/2015 miêu tả: “Người dân Trung Quốc mang giày thương hiệu Jordan ở khắp nơi. Tại các thành phố lớn, đây là món đồ thời trang được thanh niên vô cùng yêu thích”.
Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận khổng lồ đó, công ty Trung Quốc Qiaodan Sport đã đăng ký sở hữu trí tuệ với tên Qiaodan - tên Jordan phiên âm sang tiếng Trung - và sử dụng logo gần giống logo hình ảnh Jordan trên các dòng sản phẩm của Nike.
Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan. Ảnh: Trending top list
Theo tờ quảng cáo năm 2011, công ty đã lấy nhãn hiệu Qiaodan, chuyên sản xuất đồ dùng thể thao, có trụ sở ở tỉnh Phúc Kiến, với chuỗi 6.000 cửa hàng trên toàn Trung Quốc. Năm 2010, vào mùa bóng rổ thường niên của Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ, công ty chạy biển quảng cáo với tên Qiaodan và logo riêng.
Nike và Jordan đã phản ứng quyết liệt với việc này. Họ kiện Qiaodan Sport tội vi phạm quyền hợp pháp với tên của Jordan, sử dụng trái phép số áo thi đấu của anh (số 23) và dán logo “nhái” lên giày và áo len. Jordan cho rằng việc làm của Qiaodan Sports khiến người tiêu dùng Trung Quốc lầm tưởng anh đứng đằng sau nhãn hiệu này và yêu cầu xóa bỏ nhãn hiệu của công ty.
Yêu cầu này bị tòa án cấp thấp Trung Quốc từ chối với lý do: “Qiaodan không phải là tên duy nhất để chỉ Jordan và Jordan là cái tên bình thường của người Mỹ chứ không phải tên họ đầy đủ. Do đó, các bằng chứng đưa ra không đủ để chứng minh rằng Qiaodan ám chỉ Michael Jordan”. Thừa thắng xông lên, Qiaodan thậm chí đã kiện ngược Jordan ngăn cản họ lên sàn chứng khoán vào năm 2013.
Không chấp nhận phán quyết này, Jordan đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Trung Quốc. Tòa yêu cầu phía Jordan chứng minh 3 điều: Thứ nhất, Michael Jordan là cái tên nổi tiếng ở Trung Quốc, được nhiều người biết đến (nhắc đến Jordan liên quan đến bóng rổ là mọi người nghĩ ngay tới Michael Jordan). Thứ hai, người ta sử dụng tên này để chỉ chủ sở hữu các quyền cá nhân (Michael Jordan). Thứ ba, cái tên đó có mối liên hệ ổn định với chủ sở hữu các quyền cá nhân.
Thực tế, từ “Qiaodan” đã được truyền thông Trung Quốc dùng để chỉ Michael Jordan từ những năm 1980, sớm hơn một thập kỷ so với ngày thành lập Qiaodan Sports. Jordan cũng đã chứng minh được việc sử dụng tên thương hiệu Qiaodan đã giúp Qiaodan Sports tăng lợi nhuận ròng từ 45,6 triệu USD năm 2007 lên tới 456,3 triệu USD năm 2010.
Chiến thắng lịch sử
Với những bằng chứng và lý lẽ thuyết phục đó, Toà án Tối cao Trung Quốc phán quyết rằng Michael Jordan có quyền hợp pháp đối với tên gọi phiên âm sang tiếng Trung Quốc của mình và Qiaodan Sports tuy vẫn được giữ tên công ty nhưng phải ngừng sử dụng thương hiệu Qiaodan trên sản phẩm. “Tôi rất mừng vì Tòa án Tối cao Trung Quốc đã nhận thức ra vấn đề và bảo vệ tên tuổi tôi thông qua phán quyết cuối cùng của họ. Người tiêu dùng Trung Quốc có quyền biết Công ty Qiaodan Sports và sản phẩm của nó không liên quan tới tôi” - Jordan tuyên bố.
Chiếc giày của Công ty Qiaodan Sports. Ảnh: Trending top list
Các tập đoàn, công ty lớn hoan nghênh chiến thắng của Jordan, coi đây là sự tiếp sức cho hàng loạt công ty như Apple, Starbucks… hay những người nổi tiếng như Donald Trump... theo đuổi cuộc chiến pháp lý trường kỳ đòi quyền hợp pháp cho việc sử dụng tên tuổi họ trong tiếng Trung Quốc. Trước đây, trong các vụ kiện tương tự trên đất Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này thường thắng. Apple Inc. đã phải chi 60 triệu USD năm 2012 để dàn xếp ổn thỏa vụ kiện một công ty Trung Quốc sử dụng tên thương hiệu iPad.
“Vụ Jordan là bước tiến lớn để chủ các nhãn hiệu Mỹ tìm kiếm sự bảo hộ thương hiệu ở Trung Quốc. Việc thực thi luật sở hữu trí tuệ tại đây đã buộc rất nhiều chủ sở hữu thương hiệu Mỹ phải chọn hoặc đóng cửa tại thị trường này hoặc chuộc lại thương hiệu của mình, hay phải nhờ cậy vào luật pháp Trung Quốc - một việc làm khó khăn, tốn kém và chỉ dùng cho các thực thể Trung Quốc. Vụ kiện của Jordan có thể khiến các quan chức trong hệ thống luật pháp Trung Quốc thay đổi nhận thức về vấn đề thương hiệu” - Jed Ferdinand - sáng lập viên, quản lý cao cấp của Ferdinand IP, công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ - cho hay.
“Đây sẽ là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại những “kẻ cướp” thương hiệu nếu các chế tài được thêm vào trong luật” - luật sư Xiang Wang - thuộc Văn phòng luật sư Orrick, Herrington và Sutcliffe (Trung Quốc) - nói.