Ấn hành thành sách năm 1908, Tiểu luận về dân Bắc Kỳ của Gustave Dumoutier không chỉ rơi vào đúng thời điểm quá trình cộng sinh văn hóa Pháp-Việt bắt đầu trở nên thực chất, mà hơn thế nữa, đúng lúc hoạt động ghi chép, mô tả dân tộc chí về An Nam đã trở thành nếp sinh hoạt học thuật phổ biến, được coi trọng và trên đà phát triển.
Như nhiều học giả Pháp bấy giờ, G. Dumoutier lựa chọn dân tộc học và riêng với Bắc Kỳ, nơi chốn ông gắn bó nhiều năm, thì trước hết là thâu nhận những mảnh ghép phong tục tập quán vốn tầng tầng lớp lớp không dễ gì hiểu thấu.
Thời điểm bước ngoặt
Đến Bắc Kỳ năm 1886, G. Dumoutier nối dài và đồng thời làm dày thêm những dấu chân lữ khách Pháp say mê khám phá vùng đất An Nam thuộc địa xoay quanh giai đoạn chuyển giao thế kỉ đầy biến động. Có thể nhắc đến loạt nghiên cứu của E. Luro (Le pays d’Annam, 1878), J. Silvestre (L’empire d’Annam et le peuple annamite, 1889), Ch. Hocquard (Une campagne au Tonkin, 1892), P. Ory (La commune Annamite au Tonkin, 1894), H. Souvignet (Variétés Tonkinoises, 1903), P. Giran (Psychologie du peuple annamite, 1904), Ch. Gosselin (L’empire d’Annam, 1904), E. Diguet (Les Annamites: Société, Coutumes, Religions, 1906), J. Przyluski (Notes sur le culte des arbres au Tonkin, 1909), P. Philastre (Le code annamite, 1909) và nhất là của L. Cadière với hàng chục tiểu luận đăng trên Tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH)...
Hai từ khóa “Bắc kỳ” và “người dân An Nam” xuất hiện khá dày đặc trong các khảo cứu này, tuy ở nhiều phương diện và mức độ khác nhau, đã cho thấy các học giả Pháp có mối bận tâm lớn, thường xuyên và không ngừng được mở rộng phạm vi liên đới, từ cảnh quan địa lý, chính trị, lịch sử xã hội, cho đến phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, tính cách con người... Đi từ quan sát sinh hoạt xã hội sang tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, rõ ràng, là những bước tiến đầy say mê và đòi hỏi các thao tác khoa học hiện đại mới đạt tới độ chính xác vừa chi tiết, vừa tổng thể. Nhìn chung, giữa các nghiên cứu thường có sự bổ sung lẫn nhau và người đến sau lại có lợi thế vươn đến tầm phổ quát.
Chính G. Dumoutier cũng thừa nhận đã chịu kế thừa L. Cadière, E. Luro nên ở cuốn sách này, ông chỉ tập trung quan tâm tới phong tục (coutume) tức là “luật lệ bất thành văn”, còn những gì thuộc phạm vi “luật thành văn” thì đã có ở công trình căn bản của E. Luro.
Cần nói thêm rằng, tìm hiểu về phong tục tập quán An Nam đã đem lại cho người Pháp những chân trời cảm xúc và kiến thức mới mà bản thân họ, do bị chi phối bởi tư duy “Châu Âu trung tâm”, “da trắng văn minh”, đã không thể lường trước đầy đủ. Tính chất phong phú và riêng khác của văn hóa, tập quán thuộc địa khiến các nhà “thực dân chủ nghĩa” không chỉ phải thay đổi cái nhìn miệt thị mà dần trở nên thiện cảm, thậm chí là yêu mến với quốc gia bị coi là lạc hậu, thấp kém hơn họ về mọi mặt.
Bản thân G. Dumoutier không những không giữ khoảng cách với các Nho sĩ bản địa uyên bác mà ngược lại, ông còn là bạn thân của họ, có thể cùng đàm đạo văn chương. Mối quan hệ được thiết lập dựa trên tinh thần cộng sinh văn hóa như thế, quả thật, cho phép G. Dumoutier trở thành người phát ngôn đáng tin cậy để độc giả Pháp bấy giờ cũng như về sau, có điều kiện xích lại gần hơn về phía Đông Dương nhiệt đới xa lạ.
G. Dumoutier qua đời vào năm 1904, thời điểm bắt đầu chứng kiến vai trò học thuật của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO, 1900). Khi đó các nghiên cứu về An Nam sẽ dần bước qua phương pháp ghi chép, mô tả dân tộc chí giản đơn để có những chuyên khảo mang tinh thần nhân học, xã hội nhân văn chuyên sâu hơn. Một thế hệ các học giả Pháp lại tiếp nối và nâng cao thành tựu “hiểu Việt Nam” mà những công trình của Charles Maybon (1872-1926), George Cœdès (1886 - 1969), Charles Robequain (1897-1963), Paul Mus (1902 - 1969), Louis Bezacier (1906-1966), Pierre Gourou (1900-1999),... là nổi bật.
Nhìn theo chiều thời gian như vậy thì có thể coi G. Dumoutier đóng vai “thế hệ gạch nối” trong bước đường các lữ khách, học giả phương Tây tiếp cận, nhận thức và diễn giải An Nam.
Vấn đề “dân Bắc Kỳ”
Lựa chọn sinh hoạt xã hội và người dân Bắc Kỳ (Tonkinois) làm đối tượng khảo sát là lựa chọn đích đáng của G. Dumoutier khi ông có nhiều năm tháng gắn bó và thực địa nơi đây. Hơn nữa, Bắc Kỳ, cho đến thời điểm đó, vẫn được coi như là trung tâm, hạt nhân của Việt Nam, soi chiếu Bắc Kỳ là soi chiếu và nhận dạng toàn bộ đặc trưng xã hội, văn hóa, tính cách Việt Nam. Cho nên trong nhiều nội dung của cuốn sách, G. Dumoutier thường không tách biệt khái niệm, phạm vi “người dân Bắc Kỳ” và An Nam.
Đối diện với mạng lưới phong tục tập quán dày đặc, G. Dumoutier cần đến thao tác phân loại, sắp xếp và cấu trúc hóa. So với Vùng đất An Nam của E. Luro trước đó hay Bắc kỳ tạp lục của H. Souvignet cùng thời, G. Dumoutier duy trì thao tác này một cách triệt để hơn và nhờ thế, các nội dung được hiện lên chi tiết, cụ thể hơn.
Một cách chủ ý, G. Dumoutier đi từ các phong tục, tập quán của “Xã hội” mà trọng tâm là làng xã rồi đến “Gia đình”, nơi các tập tục về chu kì vòng đời (sinh nở, trưởng thành, hôn nhân, tang ma) rất nhiêu khê phức tạp đã được kê cứu cụ thể.
Tiếp đó, G. Dumoutier dành nhiều dung lượng để giới thiệu “Trò chơi, thói quen, nghề nghiệp” và “Thực phẩm” (đúng hơn là văn hóa ăn uống). Một nội dung cũng khá chi tiết là các sinh hoạt “Mê tín” trải hầu khắp mọi mặt của đời sống. Như vậy, nhờ thao tác sắp xếp, cấu trúc mà các mảnh ghép phong tục, tín ngưỡng không bị hỗn loạn, ngược lại, như các mắt lưới đan xen gối tiếp, chúng hiện lên rất dễ nắm bắt.
Tuy nhiên, điểm đặc sắc của công trình này còn là những phát hiện tuy nhỏ song sáng giá cùng một lối bình luận dí dỏm mà sâu sắc, những điểm nhấn được dừng lại lâu hơn để phân biệt, so sánh hoặc cung cấp thông tin kĩ càng. Chẳng hạn, về tục “gọi rể”, G. Dumoutier cho biết: nếu gia đình nhà gái không có con trai nối dõi thì sẽ cho chàng rể tới và trong trường hợp đó, chàng rể được gọi bằng cái tên đẹp đẽ là “cục thịt thừa”. Về nghi thức đưa tang, ông cũng có những cận cảnh: con trai cả phải bước giật lùi phía trước linh dư, lưng cúi gập, tay tì vào một cái gậy tre “đầu trên cao ngang ngực, phải tròn như trời, trong khi đầu dưới phải vuông như đất”, chiếc gậy của người con gái lớn dẫn đường đám tang bà mẹ hình dáng cũng như vậy nhưng làm bằng “gỗ vông”. Về cách vượt qua “đẻ khó”: khi sinh đẻ khó khăn, ông chồng phải trút hết quần áo, chỉ đóng một cái khố, trèo lên mái ngói và tụt xuống phía bên kia.
Cũng có những tập tục xã hội mà G. Dumoutier không giấu được ngạc nhiên, sửng sốt khi hồi tưởng như tục rước cáng/võng quan: những đoàn rước nối đuôi nhau, sặc sỡ, chuyển bước chậm chạp, trên bờ ruộng hẹp hoặc dưới rặng tre cao trong làng... Cùng với mô tả, G. Dumoutier còn có minh họa khiến cho các tập tục được nhắc đến hiện lên sinh động.
Trên thực tế, khá nhiều tập tục truyền thống của người dân Bắc Kỳ ngày nay không còn hoặc đã được lược giản, biến đổi (tục ăn trầu, tục ăn đất, tục đa thê, hay sự phân cấp, phân hạng trong làng xã). Nhưng vẫn còn đấy một số tập quán đã hằn sâu vào văn hóa, trở thành giá trị lâu dài như thói quen làm các món ăn thiên về thảo mộc, tín ngưỡng thờ thần độc cước, thờ vật tổ,... Cũng có những tập tục “quái dị” mà tính chất mê tín đã kịp len vào khiến chúng tồn tại qua nhiều thế hệ. Một xã hội thuần nông được bao chặt bởi các niềm tin phù thủy, tín ngưỡng đa thần, như cách diễn đạt của G. Dumoutier, mà không phải bao giờ người dân cũng hiểu rõ, càng làm họ thêm nhọc nhằn, rối bời và thường xuyên lâm vào túng thiếu. Theo nghĩa đó, độc giả hôm nay có lẽ sẽ thở phào nhẹ nhõm vì những hủ tục đã nhường chỗ cho văn minh, khoa học.
Hà Nội từng có phố mang tên G. Dumoutier Gustave Dumoutier (1850-1904), nguyên quán Courpalay (Pháp), đến Bắc Kỳ vào năm 1886, thời điểm mà Paul Bert, bạn học cũ của ông, đang giữ chức Tổng Trú sứ Trung và Bắc Kỳ. Lúc đầu, G. Dumoutier đảm nhận việc tổ chức và thanh tra các trường Pháp - Việt ở Bắc Kỳ, sau đó, được thăng làm Giám đốc Nha học chính Bắc Kỳ (nên về sau, nhiều người gọi ông theo lối thân mật là “Đốc học”).
Ngoài những đóng góp trong hoạt động giáo dục, G. Dumoutier còn nổi bật và được hậu thế nhắc đến nhiều hơn trong vai trò một học giả có thành tựu tìm hiểu, khảo cứu văn hóa, xã hội, phong tục tập quán An Nam với hàng chục tiểu luận và trước tác đặc sắc. Trong đó, có thể kể: Chùa ở Hà Nội qua nghiên cứu khảo cổ và văn khắc Nôm (Les pagodes de Hanoi: Etude d’archéologique et d’épigraphique annamites, 1887), Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam (Les chants et les traditions populaires des Annamites, 1890), Những biểu tượng, biểu trưng và đồ thờ của người An Nam (Les symboles, les emblèmes et les accessoires de culte chez les Annamites, 1891), Nghi thức tang ma của người An Nam (Le rituel funéraire des Annamites, 1902), Tiểu luận về dân Bắc Kỳ (Essais sur les Tonkinois, 1908)... Những đóng góp học thuật của G. Dumoutier không những được học giả, độc giả Pháp ghi nhận mà còn được nhiều trí thức Việt Nam đề cập đến.
Sau khi Paul Pert chết (1886), những kế hoạch và mục tiêu phát triển giáo dục bản xứ của G. Dumoutier không được chính quyền Paul Doumer quan tâm đúng mực. Tháng 4/1904, G. Dumoutier bị ép nghỉ hưu. Đầu tháng 8 cùng năm, G. Dumoutier qua đời trong tình cảnh cô đơn tại Đồ Sơn (Hải Phòng), mộ phần được xây cất ở nghĩa trang gần hồ Trúc Bạch, Hà Nội.
Trước 1945, ở Hà Nội có một phố mang tên G. Dumoutier, nay là phố Chùa Vua, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. |