Cuốn sách đem đến một tài liệu quý, giúp hoàn nguyên những nét còn thiếu trong chân dung nhà yêu nước, nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940), dù có không ít đáng tiếc trong vấn đề xử lý bản thảo.

Cuốn sách “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925 – Hồ sơ Thẩm vấn” (Đào Hùng và Đặng Công Toại dịch, Đông Tây/NXB Thanh Niên, 2018).
Cuốn sách “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925 – Hồ sơ Thẩm vấn” (Đào Hùng và Đặng Công Toại dịch, Đông Tây/NXB Thanh Niên, 2018).

Phan Bội Châu là một nhân vật hàng đầu trong phong trào đấu tranh chống Pháp của người Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chủ trương bạo lực ngay từ đầu, Phan thành lập các tổ chức cách mạng, tổ chức xuất dương (phong trào Đông Du), cầu viện nước ngoài (Nhật, Trung Quốc và có thể cả Liên Xô nữa)… để đánh đuổi Pháp, giành độc lập. Phan chống Pháp không chỉ bằng tổ chức phong trào, mà còn bằng ngòi bút; ông đã viết hàng chục tác phẩm để sách động nhân dân tham gia đấu tranh rất có hiệu quả.

Vì vậy, đương nhiên Phan trở thành mục tiêu hàng đầu mà thực dân Pháp cần khuất phục. Pháp đã mấy lần cử người (như Sở Cuồng Lê Dư) sang Trung Quốc – nơi Phan sống lưu vong và tổ chức chỉ đạo các hoạt động chống Pháp trong nước – thuyết phục Phan cộng tác, nhưng nói chung đều thất bại (ví dụ, Phan Bá Ngọc đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho vụ “Pháp – Việt đề huề”). Sự thất bại này dẫn tới việc mật thám Pháp bắt cóc Phan ngày 30/6/1925 tại Thượng Hải mang về Hà Nội để xử án. Như ta đã biết, dù bị xử án tù chung thân, nhưng trước phong trào phản đối mạnh mẽ của nhân dân cả nước đòi thả ông, và sự can thiệp của Toàn quyền Alexandre Varenne, Phan chỉ bị an trí tại Huế (Bến Ngự) cho tới chết (năm 1940).

Nhờ có vụ án này, chúng ta có trong tay một tài liệu quý đã được dịch và in thành một cuốn sách hơn 600 trang khổ 16 x 24 cm, nhan đề “Vụ án Phan Bội Châu năm 1925 – Hồ sơ Thẩm vấn” (Đào Hùng và Đặng Công Toại dịch, Đông Tây/NXB Thanh Niên, 2018).

Như tên của cuốn sách, đây là Hồ sơ Thẩm vấn Phan Bội Châu do Hội đồng Đề hình Đông Dương thuộc Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Phủ Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp) thực hiện từ ngày 29/8 - 9/11/1925. Hồ sơ gồm 440 trang đánh máy tiếng Pháp lưu tại CAOM (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại, Pháp – Aix-en-Provence), ký hiệu CAOM-SPCE/352.

Với gần 80 năm cai trị Việt Nam (1867-1945), hệ thống tư pháp của Đế quốc Pháp đã để lại một khối lượng rất lớn hồ sơ thẩm vấn của các vụ án chính trị. Hiện tại, đa số chân dung các nhân vật lịch sử đều thiếu nét. Nhiều chân dung đã bị xóa đi hoặc làm mờ đi do các hoàn cảnh lịch sử… Chính vì vậy, hồ sơ thẩm vấn sẽ giúp hoàn nguyên các chân dung của họ.

Tuy nhiên, khi mà các hồ sơ này lưu trữ ở Pháp (phần lớn, đã giải mật) và các nhà nghiên cứu Việt Nam mới tiếp xúc một phần rất nhỏ, thì việc lần đầu tiên, có một bộ hồ sơ thẩm vấn được dịch và công bố, là một việc rất có ý nghĩa.

“Hồ sơ Thẩm vấn” ghi chép các cuộc thẩm trong khoảng 2 tháng 10 ngày, trong đó Phan bị hỏi cung 29 ngày đầy đủ và 8 nửa ngày. Theo như nội dung thẩm vấn và cáo trạng đưa ra vào ngày 9/11/1925 (trang 606) thì chính quyền Đông Pháp chỉ hỏi cung và buộc tội Phan về các hành động chống Pháp từ lúc Phan xuất dương (1905) cho tới năm 1915 (?), buộc tội tập trung vào các vụ ám sát Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (1913) và hai sĩ quan Pháp tại Khách sạn Hà Nội cùng năm cùng các âm mưu nỏi loạn lật đổ chính phủ thuộc địa tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Phan không hề bị buộc tội trận tấn công đồn Tà Lùng, Cao Bằng đêm 12/3/1915 mà sử Việt ghi là: tổ chức bởi Việt Nam Quang phục Hội dưới sự chỉ đạo của Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Hải Thần và Phan Bội Châu.

Ngoài những chi tiết có thể bổ sung vào tiểu sử hoạt động của Phan Bội Châu, “Hồ sơ Thẩm vấn” còn cung cấp nhiều thông tin của hàng trăm nhân vật liên quan đến lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đó.

Có thể khẳng định đây là một tài liệu quý nhưng đáng tiếc lại chưa được biên tập kỹ lưỡng, chú thích đầy đủ, và làm chỉ mục để trở thành một cuốn sách tốt.

Một tập tư liệu hơn 600 trang với hàng ngàn tên riêng, địa danh mà sách không có index thì những người dùng sách sẽ rất vất vả. Có thể minh chứng bằng một ví dụ: tên riêng Cường Để xuất hiện hàng trăm lần, lần đầu (có thể) ở trang 32, lần cuối ở trang 606; tên riêng Nguyễn Hải Thần cũng xuất hiện nhiều tương tự trong các trang từ 52 đến 592. Ai có thể tra cứu hết mà không sót?

Không chỉ thiếu Index mà cuốn sách cũng không có luôn cả mục lục. Nên khen người điểm sách đã ngồi dò để dựng nên được số ngày đi cung của Phan Bội Châu.

Người đọc cũng có thể nghi ngờ, liệu cuốn sách có được biên tập không khi họ phải tự hiểu quá nhiều chữ viết tắt tiếng Việt và tiếng Pháp, và cách viết tắt lại còn không nhất quán. Thực tế, phần chú thích của người hiệu đính rất ít ỏi, không tương xứng với khối lượng thông tin đồ sộ cách đây cả trăm năm.

Thiết nghĩ, tập tư liệu này cần được làm lại thành một cuốn sách khảo cứu đúng nghĩa.