Năm 1872, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển khi quốc gia trẻ này công nghiệp hóa và mở rộng về phía Tây. Đến mùa thu, một cú sốc bất ngờ làm tê liệt đời sống kinh tế và xã hội.

Đó là một cuộc khủng hoảng “năng lượng”, nhưng không phải là tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch, mà nguyên nhân là do một loại virus lây lan giữa ngựa và la từ Canada đến Trung Mỹ.

Henry Bergh (đội mũ chóp) đang ngăn một đoàn xe ngựa quá đông đúc, tranh từ tờ Harper’s Weekly vào ngày 21/9/1872. Ảnh: Library of Congress.
Henry Bergh (đội mũ chóp) đang ngăn một đoàn xe ngựa quá đông đúc, tranh từ tờ Harper’s Weekly vào ngày 21/9/1872. Ảnh: Library of Congress.

Một thế giới đột nhiên thiếu ngựa

Bệnh cúm ngựa xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng chín ở những con ngựa được chăn nuôi bên ngoài Toronto. Trong vòng vài ngày, hầu hết các động vật trong các chuồng đông đúc của thành phố đều nhiễm virus. Chính phủ Hoa Kỳ đã cố gắng cấm ngựa Canada, nhưng đã quá muộn. Trong vòng một tháng, các thị trấn biên giới bị nhiễm bệnh và “bệnh ngựa Canada” đã trở thành một dịch bệnh ở Bắc Mỹ. Đến tháng 12, virus đã đến Bờ Vịnh Hoa Kỳ, và vào đầu năm 1873, các đợt bùng phát đã xảy ra ở các thành phố Bờ Tây.

Các triệu chứng của bệnh cúm rất đặc trưng. Ngựa phát ra tiếng ho khan và sốt; tai cụp xuống, chúng đi loạng choạng và đôi khi sụp xuống vì kiệt sức. Theo một ước tính, virus đã giết chết 2% trong số ước tính 8 triệu con ngựa ở Bắc Mỹ, số còn lại mắc các triệu chứng kéo dài nhiều tuần.

Vào thời điểm này, lý thuyết về vi trùng vẫn còn gây tranh cãi, và các nhà khoa học còn 20 năm nữa mới xác định được virus. Chủ sở hữu ngựa chỉ có thể thực hiện một số biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm. Họ khử trùng chuồng trại, cải thiện thức ăn cho vật nuôi và đắp lớp che phủ mới. Tờ Chicago Tribune mỉa mai rằng, nhiều con ngựa bị lạm dụng và đã quen làm việc quá sức của quốc gia này chắc sẽ bị sốc vì đột nhiên được đối xử tốt lạ thường.

Trong suốt thế kỷ 19, các thành phố đông đúc của Mỹ thường xuyên hứng chịu những đợt dịch bệnh chết người như tả, kiết lỵ và sốt vàng da. Nhiều người lo sợ rằng bệnh cúm ngựa sẽ lây sang người. Trong khi điều đó chưa bao giờ xảy ra, nỗi sợ đó dẫn đến việc loại bỏ hàng triệu con ngựa khỏi nền kinh tế và gây ra một mối đe dọa khác: cắt đứt nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu quan trọng ngay khi mùa đông đang đến gần.

Ngựa quá ốm yếu để mang than ra khỏi mỏ, kéo cây trồng ra chợ hoặc chở nguyên liệu thô đến các trung tâm công nghiệp. Lo ngại về một “nạn đói than đá” khiến giá nhiên liệu tăng chóng mặt. Nhiều sản phẩm thối rữa tại các bến tàu. Nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái mạnh.


Trong nhiều thế kỷ, ngựa đã cung cấp nguồn “năng lượng” thiết yếu trong lĩnh vực vận tải, góp phần xây dựng và vận hành các thành phố. Khi những con ngựa bị nhiễm bệnh, tất cả mọi thứ cũng ngừng hoạt động theo. Đại dịch cúm ngựa đã gây ra tình trạng tê liệt xã hội và kinh tế, giống như những gì sẽ xảy ra ngày nay nếu các cây xăng đều cạn hoặc lưới điện gặp sự cố.

Mọi khía cạnh của cuộc sống đều bị gián đoạn. Các cửa hàng cạn kiệt, và những người đưa thư phải dùng “xe cút kít” để chở thư. Do người dân phải đi bộ nên ít người đi dự đám cưới và đám tang hơn. Các công ty thậm chí tuyệt vọng đến mức phải thuê người để kéo hàng ra chợ.

Một nhóm bị ảnh hưởng rất nặng nề là lính cứu hỏa, họ không còn ngựa để kéo các toa máy bơm rất nặng. Vào ngày 9/11/1872, một vụ hỏa hoạn thảm khốc đã thiêu rụi phần lớn trung tâm thành phố Boston trong khi các nhân viên cứu hỏa chậm chạp đi bộ đến hiện trường. Nhiều người nhận định rằng ngựa không chỉ là tài sản riêng mà còn là “bánh xe trong cỗ máy xã hội, và mất ngựa sẽ gây thương tích lan rộng trong mọi tầng lớp”.

Ngăn chặn hành vi ngược đãi động vật

Tất nhiên, dịch cúm làm ngựa bị tổn thương nhiều nhất – đặc biệt là khi những người chủ tuyệt vọng hoặc nhẫn tâm buộc chúng phải làm việc bất chấp căn bệnh. Khi ho, những con ngựa bị sốt chạy loạng choạng trên các đường phố. Tờ The Nation khi đó gọi cách đối xử của người với ngựa là “một sự ô nhục đối với nền văn minh, xứng đáng với thời đại đen tối”.

Henry Bergh đã đưa ra lập luận trên kể từ năm 1866, khi ông thành lập Hiệp hội Phòng chống Sự tàn ác đối với Động vật Hoa Kỳ (SCPA) - tổ chức đầu tiên của quốc gia cống hiến cho sự nghiệp này. Bergh đã dành phần lớn cuộc đời theo đuổi sự nghiệp viết kịch nhưng thất bại. Tuy nhiên, ông được thừa kế một khoản tiền lớn. Xuất phát từ tình yêu thương động vật, ông đã sử dụng sự giàu có, các mối quan hệ và tài năng văn học của mình để vận động Cơ quan lập pháp của New York thông qua đạo luật chống hành vi tàn ác đầu tiên của quốc gia. Được luật này ban cho quyền hạn như cảnh sát, Bergh và các đặc vụ đeo huy hiệu của ông đi lang thang trên các đường phố của thành phố New York để bảo vệ động vật không bị tra tấn tàn bạo.

Bergh và các đồng minh của ông khẳng định rằng mọi sinh vật đều có quyền không bị lạm dụng. Hàng nghìn phụ nữ và nam giới trên khắp đất nước đã đi theo sự dẫn dắt của Bergh, thành lập các chi nhánh của SPCA. Cuộc vận động này đã gây ra tranh luận rộng rãi về những gì con người mắc nợ với loài ngựa.

Khi bệnh cúm ngựa hoành hành, Bergh tuần tra khắp các ngã tư lớn ở thành phố New York. Ông dừng xe ngựa và xe kéo để kiểm tra những con vật đang kéo xem chúng có dấu hiệu của bệnh hay không. Khẳng định rằng bắt ngựa ốm làm việc là rất nguy hiểm và độc ác, ông đã ra lệnh cho nhiều chiếc xe ngựa quay về, và đôi khi kiện những người lái xe ngựa ra tòa.

Giao thông tắc nghẽn khi những hành khách bị buộc phải bỏ ngựa đi bộ. Các công ty vận tải dọa kiện Bergh. Các nhà phê bình chế giễu ông là một người yêu động vật điên cuồng, quan tâm đến ngựa hơn con người, nhưng cũng nhiều người tán thưởng công việc của ông. Và giữa sự tàn phá của dịch cúm ngựa, những phương châm của Bergh tỏ ra phù hợp.

Quyền của ngựa

Vào thời điểm đen tối nhất, dịch cúm ngựa khiến nhiều người Mỹ tự hỏi liệu mối quan hệ cổ xưa giữa loài ngựa và con người có vĩnh viễn bị hủy hoại bởi một căn bệnh bí ẩn hay không. Nhưng rồi dịch bệnh thuyên giảm và các thành phố dần dần hồi phục. Thị trường mở cửa trở lại, kho vận chuyển hàng hóa xử lý hết các công việc giao hàng còn tồn đọng. Ngựa đã trở lại làm việc.

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh gây sốc này vẫn kéo dài, buộc nhiều người Mỹ phải xem xét những lập luận mới triệt để về vấn đề đối xử tàn bạo với động vật. Cuối cùng thì việc phát minh ra xe đẩy điện và động cơ đốt trong đã giải quyết được những thách thức về đạo đức của các thành phố chạy bằng ngựa.

Trong khi đó, phong trào của Bergh nhắc nhở người Mỹ rằng ngựa không phải là cỗ máy vô cảm mà là đối tác trong việc xây dựng và vận hành thành phố hiện đại - những sinh vật dễ bị tổn thương, có khả năng chịu đựng nhất định và đáng được luật pháp bảo vệ.