Tọa lạc tại nơi hợp lưu của hai con sông Sai và Nagara ở thành phố Ōgaki thuộc tỉnh Gifu là lâu đài Sunomata hay Ichiya (Nhất Dạ Thành). Tương truyền, nó đã được dựng lên chỉ sau một đêm.

Lâu đài Sunomata ở Ōgaki. Ảnh: mTaira/Shutterstock.com.
Lâu đài Sunomata ở Ōgaki. Ảnh: mTaira/Shutterstock.com.

Đây là công trình do Toyotomi Hideyoshi1 (1537 – 1598) – một vị tướng tài ba nhất trong lịch sử Nhật Bản – cho xây dựng vào giữa thế kỷ 16 (năm 1567) để chuẩn bị vây hãm lâu đài Inabayama. Chủ của Hideyoshi, lãnh chúa (damiyo) Oda Nobunaga (1534 – 1582) của vùng Owari có mối thâm thù sâu sắc với gia tộc Saitō ở phiên Mino lân cận, mặc dù đã lấy con gái của thủ lĩnh Saitō Dōsan (1494 – 1556). Trên thực tế, đó chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị do cha ông sắp đặt nhằm chấm dứt xung đột giữa hai nhà. Ban đầu, Saitō Dōsan định để con trai trưởng Saitō Yoshitatsu (1527 – 1561) thừa kế như truyền thống, nhưng sau khi chứng kiến tài năng cai trị của Oda Nobunaga, ông nghĩ con rể có lẽ sẽ xứng đáng hơn. Biết mình sắp bị phế, Yoshitatsu đã thực hiện cuộc đảo chính năm 1556, giết chết cha và các em trai để đoạt quyền.

Năm 1561, Yoshitatsu chết sau một thời gian lâm bệnh nặng. Con trai ông, Saitō Tatsuoki (1548 – 1573) lên thay. Tuy nhiên, do còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo nên Tatsuoki thường bị các thuộc hạ và thậm chí cả thần dân của mình coi thường. Lợi dụng điều đó, Nobunaga đã thuyết phục nhiều gia thần của nhà Saitō bỏ sang liên minh đang ngày càng lớn mạnh do nhà Oda dẫn dắt, với những lời hứa hẹn ban thưởng xứng đáng.

Toyotomi Hideyoshi.
Toyotomi Hideyoshi.

Năm 1567, để chuẩn bị chiến dịch, Nobunaga đã giao thuộc hạ tâm phúc Toyotomi Hideyoshi dựng một lâu đài tại ngã ba Sunomata – nơi sông Sai và Nagara giao nhau – để làm điểm tập kết lực lượng và phát động cuộc tấn công vào lâu đài Inabayama. Nhưng do nằm trong lãnh địa do đối phương quản lý nên mọi nhất cử nhất động chắc chắn sẽ khó tránh khỏi tai mắt. Vì vậy, Hideyoshi đã lên một kế hoạch hết sức sáng tạo. Ông cho đốn cây bên bờ sông Nagara để đục, đẽo thành các kết cấu (tường vách, cột, ván sàn, …), sau đó thả bè trôi sông và lắp ráp tại Sunomata ngay trong đêm. Sáng hôm sau, đứng từ Inabayama nhìn xuống “pháo đài” kiên cố mới xây, Saitō Tatsuoki không khỏi cảm thấy lạnh người. Nhưng thực ra công trình mới chỉ được hoàn thiện phần cốt và mặt tiền, nhằm thực hiện đòn “tâm lý chiến” khiến đối phương bất ngờ và suy sụp nhuệ khí, ngoài ra cũng là để thực hiện chức năng của một công sự.

Nhờ tài năng và sự phò tá tận tụy của Hideyoshi, Nobunaga cuối cùng đã có thể mở cuộc tấn công “kết liễu” vào lâu đài Inabayama. Đội quân gồm khoảng năm ngàn người của ông đã vượt sông Kiso, tiến thẳng đến thành Inoguchi (nay là Gifu) và thu phục được rất nhiều thuộc hạ của Saitō trên đường đi. Quân bảo vệ thành gần như mất hết tinh thần khi nhìn thấy cờ phướn của đồng đội trong hàng ngũ địch, nhưng do nằm trên núi cao, lâu đài vẫn “bất khả xâm phạm”, khiến cuộc vây hãm phải kéo dài đến hai tuần. Bước ngoặt của trận chiến diễn ra khi Hideyoshi dẫn theo một cánh quân nhỏ men theo vách núi đá Kinka cheo leo, đột kích từ cửa hậu thiếu phòng bị rồi mở cổng trước cho quân chủ lực tiến vào lâu đài. Sau khi đánh bại Tatsuoki và chiếm được Inabayama, Nobunaga đổi tên nó thành lâu đài Gifu.

Tranh vẽ tưởng tượng cảnh Hideyoshi leo trên vách núi Inaba (ngày nay là Kinka), dẫn theo quân đột kích lâu đài Inabayama. Bản khắc: Yoshitoshi (1885)
Tranh vẽ tưởng tượng cảnh Hideyoshi leo trên vách núi Inaba (ngày nay là Kinka), dẫn theo quân đột kích lâu đài Inabayama. Bản khắc: Yoshitoshi (1885)

Năm 1991, sau một thời gian dài xuống cấp, công trình được xây dựng lại hoàn toàn trên nền cũ, phỏng theo kiến trúc của lâu đài Ogaki gần đó. Mang phong cách đặc trưng của kiến trúc Nhật Bản, nó là một tòa nhà nhiều tầng bằng gỗ có mái đầu hồi và phần hiên được trang trí hết sức tinh tế. Hiện tại, Sunomata được xem là một di tích lịch sử quan trọng, giống như một bảo tàng trưng bày những bộ giáp, gươm (kanata), vũ khí của samurai thời đó và mở cửa đón du khách thăm quan. Ngoài ra, đây còn là một địa điểm lý tưởng để ngắm hoa đào nở vào mùa xuân.

Theo ước tính, Nhật Bản hiện có khoảng 5000 lâu đài cổ, chủ yếu được xây dựng trong thời Sengoku. Sang giai đoạn Edo (1603 – 1868), số lượng lâu đài bị suy giảm đáng kể do hư hại và thiếu coi sóc. Từ cuối thế kỷ XIX, người Nhật bắt đầu thực hiện chương trình tu tạo các lâu đài được xem là biểu tượng truyền thống. Sang Thế chiến II, những công trình lại phải hứng chịu một đợt phá hủy lớn nữa khi bị trưng dụng cho mục đích quân sự, và trở thành mục tiêu ném bom của Không lực Mỹ. Mặc dù vậy, cả chính quyền lẫn người dân Nhật Bản đều đã rất nỗ lực phục dụng, bảo tồn những nét nguyên cơ của các lâu đài cổ, biến chúng thành những di sản vô giá và địa điểm thăm quan nổi tiếng.

Chú thích:

1. Toyotomi Hideyoshi (Hán Việt: Phong Thần Tú Cát) là một daimyo của thời Sengoku (Chiến Quốc, giai đoạn 1467 – 1615, xã hội Nhật Bản có nhiều biến động với các âm mưu chính trị và xung đột quân sự liên miên). Là một gia thần trung thành và chiến lược gia tài giỏi, ông đã kế thừa tước vị từ chủ cũ của mình – lãnh chúa Oda Nobunaga, chấm dứt thời kỳ Sengoku và thống nhất Nhật Bản (người thứ hai trong lịch sử làm được điều này). Trong giai đoạn nắm quyền của mình, ông nổi tiếng vì đã để lại nhiều di sản văn hóa và thiết lập nền tảng cho sự thống trị cùng đặc quyền của giai cấp samurai.