Ngày 18/5/1991, phi hành gia Sergei Krikalev rời Trái đất đến Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir) của Liên Xô. Ông là công dân của một quốc gia mà khi quay trở về nó không còn tồn tại. Điều này khiến ông được mệnh danh là “công dân Liên Xô cuối cùng”.
Krikalev sinh ra tại Leningrad, hiện nay là Saint Petersburg (Nga), vào ngày 27/8/1958. Sau khi tốt nghiệp ở Viện Cơ khí Leningrad, ông trở thành kỹ sư tên lửa tại NPO Energia – tập đoàn công nghiệp của Liên Xô chịu trách nhiệm về các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Khi trạm vũ trụ Salyut 7 gặp sự cố vào năm 1985, ông tham gia đội cứu hộ, tiến hành khôi phục các hệ thống bị lỗi của trạm.
Ngay sau đó, Krikalev được chọn làm phi hành gia và trải qua nhiều năm đào tạo. Ông đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ sửa chữa trạm vũ trụ cho đến thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian.
Đáng tiếc là trong quá trình học tập và rèn luyện để trở thành nhà du hành vũ trụ, không ai dạy Krikalev cách xử lý tình huống khi bị mắc kẹt trong không gian mà không có sự chỉ đạo của cơ quan vũ trụ quốc gia dưới mặt đất. Đó là sự cố ông từng trải qua khi thực hiện nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir) vào năm 1991.
Chuyến bay khởi hành của Krikalev diễn ra không suôn sẻ. Khi tàu vũ trụ chở ông và hai phi hành gia khác tiếp cận Trạm vũ trụ Hòa Bình [bao gồm phi hành gia người Anh đầu tiên Helen Sharman], hệ thống nhắm mục tiêu tự động của tàu bị lỗi. Điều này nghĩa là ông phải cập bến thủ công, và bất kỳ hành động sai lầm nào đều có thể trả giá bằng tính mạng. Do nhóm phi hành gia đều là những người có kinh nghiệm và luôn giữ được một cái đầu lạnh nên họ đã cập bến thành công.
Krikalev rất thích sống trên Trạm vũ trụ Hòa Bình và cho rằng đó là điều vô cùng may mắn. “Tôi thích ngắm nhìn Trái đất từ trạm vũ trụ. Tôi cũng yêu cảm giác tự do, bay lơ lửng trong tình trạng không trọng lượng. Tôi cảm thấy mình giống như một con chim có thể bay”, Krikalev trả lời phỏng vấn tờ The Guardian vào năm 2015.
Krikalev và các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ như kế hoạch ban đầu, trong khi ở dưới mặt đất Liên Xô bắt đầu chia rẽ và rạn nứt. Krikalev nhận được một số tin tức về vấn đề này nhưng chúng rất thưa thớt.
“Đó là một quá trình kéo dài và chúng tôi cũng nhận được tin tức, nhưng không phải tất cả cùng một lúc. Ví dụ, chúng tôi đã nghe về cuộc trưng cầu dân ý”, Krikalev giải thích. “Trong lúc thực hiện công việc của mình, chúng tôi cảm thấy lo lắng hơn về gia đình và bạn bè của chúng tôi”.
Không lâu sau, ngay cả Trạm vũ trụ Hòa Bình cũng chịu tác động của các sự kiện chính trị diễn ra dưới mặt đất, cách nó 358 km. Cùng với việc Kazakhstan [trong số những nước khác] kiên quyết giành độc lập, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố rằng một phi hành gia người Kazakhstan sẽ thay thế Krikalev sau khi nhiệm vụ của ông kết thúc nhằm xoa dịu Chính phủ Kazakhstan. Một phần là do sân bay vũ trụ Baikonur, nơi Liên Xô thực hiện các sứ mệnh phóng tên lửa, tàu không gian và vệ tinh, nằm ở lãnh thổ quốc gia Kazakhstan mới tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, vì không ai ở Kazakhstan được đào tạo thành phi hành gia nên Krikalev phải ở trong không gian thêm một thời gian nữa.
Mặc dù không rõ tác động của việc kéo dài thời gian ở trong vũ trụ, Krikalev nhận thức được một số rủi ro khi ở trên Trạm vũ trụ Hòa Bình quá lâu.
“Tôi có đủ sức không? Liệu tôi có thể thích nghi với thời gian lưu trú lâu hơn để hoàn thành chương trình không? Tất nhiên tại một số thời điểm, tôi đã nghĩ rằng mình không thể làm được”, Krikalev chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông HistoryNet. “Bệnh teo cơ, nhiễm phóng xạ, nguy cơ ung thư, hệ thống miễn dịch trở nên yếu hơn sau mỗi ngày trôi qua, đây chỉ là một số hậu quả có thể xảy ra của một sứ mệnh không gian kéo dài”.
Đến tháng 10/1991, một số phi hành gia quay về Trái đất khi họ kết thúc nhiệm vụ kéo dài 4 tháng. Bởi vì những người khác không đủ kinh nghiệm điều khiển Trạm vũ trụ Hòa Bình và Liên Xô không thể cử một nhà du hành vũ trụ khác đến thay thế, Krikalev đã tình nguyện ở lại để giữ cho trạm vũ trụ tiếp tục hoạt động.
Trạm vũ trụ Hòa Bình bay ở độ cao lớn, có kích thước khá nhỏ và chật hẹp nên nó không phải là nơi lý tưởng để sống lâu dài. Nhiều người mô tả trạm vũ trụ như một “cái bẫy chết chóc” với thành phần chủ yếu gồm máy móc, dây điện, băng keo và liều lượng an toàn của chất làm sạch bề mặt WD-40.
Liên Xô chính thức tan rã vào ngày 25/12/1991. Với sự sụp đổ của Liên Xô, số tiền dành cho nhiệm vụ giải cứu Krikalev càng trở nên ít hơn. Nếu nhiệm vụ giải cứu thất bại, ông vẫn có thể sử dụng khoang chứa Soyuz để quay trở lại Trái đất, mặc dù điều này đồng nghĩa với việc hy sinh trạm vũ trụ do không còn ai vận hành và sửa chữa nó.
“Họ nói rằng, việc ở lại không gian quá lâu so với thời gian dự kiến của sứ mệnh sẽ tác động lớn đến sức khỏe của tôi. Nhưng lúc ấy, đất nước đang gặp khó khăn và việc tiết kiệm tiền phải được ưu tiên hàng đầu”, Discover Magazine trích dẫn lời của Krikalev.
Cuối cùng, các thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nga đã góp phần làm tăng nguồn tài trợ cần thiết để gửi thêm nhiều phi hành gia vào quỹ đạo. Ba tháng sau [vào ngày 25 tháng 3/1992], Krikalev đã trở về Trái đất an toàn sau khi trải qua kỷ lục 311 ngày liên tục trong không gian.
Khi Krikalev rời mặt đất đến Trạm vũ trụ Hòa Bình, ông là một công dân của một quốc gia mà khi quay trở về nó không còn tồn tại. Điều này khiến ông được mệnh danh là “công dân Liên Xô cuối cùng”.
Ngay khi quay về Trái đất, Krikalev vẫn tiếp tục tập luyện để thực hiện nhiều chuyến bay khác trong tương lai. Ông đã trải qua tổng cộng 803 ngày trong không gian, phá vỡ các kỷ lục trước đó về thời gian bay trên quỹ đạo quanh Trái đất. Theo Universe Today, dựa vào thuyết tương đối và tác động của sự giãn nở thời gian, Krikalev đã du hành vào tương lai 0,2 giây.
Trong suốt sự nghiệp, phi hành gia Krikalev đã được vinh danh rất nhiều lần, trong đó có danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Liên bang Nga, huân chương Lenin, cùng một số huân chương của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Pháp.