Ngôi nhà của gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã có thể chỉ còn là biển nước trong những tháng mùa hè, kể từ năm 2035, do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, cho thấy ngày Bắc Cực không còn băng có thể xảy ra sớm hơn 10 năm so với những dự đoán trước đây. Các nhà khoa học cho biết điều này sẽ biến đổi môi trường sống của gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã, từ “Bắc Cực trắng” thành “Bắc Cực xanh” trong những tháng mùa hè.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Các tác giả cho biết dự kiến từ năm 2035 đến năm 2067, mùa hè ở Bắc Cực sẽ không có băng. Tình trạng không băng ở Bắc Cực kéo dài bao nhiêu tháng trong năm phụ thuộc vào tốc độ thế giới giảm lượng nhiên liệu hóa thạch ngày nay.
Đến cuối thế kỷ 21, nếu phát thải vẫn ở mức cao thì tình trạng không băng sẽ diễn ra từ tháng 5 năm trước đến tháng 1 năm sau. Nếu phát thải hạn chế, sẽ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm.
Alexandra Jahn - nhà khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Colorado Boulder và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Điều này sẽ biến Bắc Cực thành một môi trường hoàn toàn khác, từ Bắc Cực mùa hè trắng xóa đến Bắc Cực xanh lam. Vì vậy, ngay cả khi điều kiện không có băng là không thể tránh khỏi, chúng ta vẫn cần giữ lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể để tránh tình trạng không có băng kéo dài”.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng khắc phục vấn đề này, cô nói: “Không giống như dải băng ở Greenland phải mất hàng nghìn năm mới hình thành, ngay cả khi chúng ta làm tan chảy toàn bộ băng ở biển Bắc Cực, nếu sau đó chúng ta có thể tìm ra cách đưa CO2 ra khỏi khí quyển trong tương lai để đảo ngược tình trạng nóng lên, băng biển sẽ quay trở lại trong vòng một thập kỷ”.
Không chỉ động vật hoang dã ở Bắc Cực sẽ phải chịu thiệt hại khi môi trường sống của chúng bị tan biến; người dân sống ven biển cũng sẽ gặp khó khăn. Băng biển làm giảm tác động của sóng biển lên bờ biển, nghĩa là nếu băng mất đi, sóng sẽ mạnh hơn, lớn hơn và gây xói mòn nhiều hơn.
Nguồn:
Ngọc Đỗ theo theguardian