Phong trào thúc đẩy học tập trong thiên nhiên phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một xu hướng riêng biệt trong thế kỷ 21, nhưng nhiều ý tưởng tương tự đã xuất hiện từ trước đó.
Vào thế kỷ 19 ở Mỹ, nhiều nhà tâm lý học, sinh học và nhà giáo dục đã lo lắng rằng sự phát triển của trẻ em đang bị cản trở bởi xã hội công nghiệp, chương trình học nặng về sách vở và phong cách giảng dạy đặt giáo viên làm trung tâm. Điều này dẫn tới phong vào học tập trong thiên nhiên diễn ra trong khoảng năm 1880 - 1920, với mục tiêu sửa chữa những vấn đề của hệ thống giáo dục bằng cách kết nối hoạt động học tập của trẻ với những đồ vật, sự kiện trong đời sống hằng ngày, trong môi trường xung quanh chúng.
Chất liệu cho tiếp cận học tự nhiên bao gồm cả các vật vô tri như đá, khoáng chất cho tới tất cả các sinh vật sống. Phong trào cải cách này xoay quanh lý thuyết định luật sinh học (recapitulation theory), cho rằng sự phát triển của trẻ em tương đồng với quá trình phát triển của loài người, đi theo các giai đoạn từ nguyên thủy tới văn minh. Lý thuyết định luật sinh học giờ đây đã bị bác bỏ vì nó chứa đựng các thông điệp phân biệt chủng tộc, nhưng những người theo lý thuyết này mô tả các cá nhân và cộng đồng bản địa là những người chỉ đang nằm ở giai đoạn sơ khai của phát triển tâm lý - xã hội, từ đó thiết kế các bài học cho trẻ dựa trên những quan niệm sai lầm về chủng tộc. Chẳng hạn, họ xây dựng chương trình học theo lối phản ảnh các giai đoạn phát triển của loài người, cho trẻ nhỏ thực hiện các hoạt động của người da đỏ bởi coi đó là hoạt động cấp bậc nguyên thủy, kém phát triển - tương đương với cấp độ phát triển của trẻ hiện tại.
Khi phong trào cải cách dựa trên lý thuyết định luật sinh học dần phai nhạt vào những năm 1920, trường học trong rừng nổi lên ở Vương quốc Anh và Bắc Mỹ như một phần của phong trào khởi nguồn từ Đức vào đầu thế kỷ 20. Thoạt đầu, những trường này vốn được xây dựng nhằm chữa trị và giúp những trẻ mắc bệnh lao phục hồi và bắt kịp chương trình học. Mô hình này không còn phổ biến sau năm 1945 khi đã có các phương thức chữa trị bệnh lao khác. Mô hình trường học trong rừng xuất hiện trở lại vào thế kỷ 20 với mong muốn khôi phục ý tưởng đặt thiên nhiên làm trọng tâm trong giáo dục trẻ. Giờ đây, thuật ngữ “trường học trong rừng” là tên gọi cho cả một triết lý giáo dục.
Mượn các tiếp cận từ Đức và Scandinavia, các chương trình tập trung vào thiên nhiên ở Anh và Mỹ hiện nay thường đi theo một trong những mô hình sau:
• Waldkindergärten (trường mẫu giáo trong rừng của Đức), trường học được đặt trong các môi trường tự nhiên và không có tòa nhà cố định. Mô hình này rất phổ biến ở Đức với khoảng1.500 trường như vậy tính tới cuối năm 2017. Các trường thường cho trẻ dành buổi sáng trong rừng và buổi chiều trong nhà. Khu vực trong nhà chỉ cung cấp các vật dụng cơ bản như nhà vệ sinh, lều và kho dụng cụ. Phần lớn các trường này còn không có các đồ dùng để sưởi vào mùa đông.
• Trường học ở thành thị nhưng cung cấp thường xuyên cơ hội tới thăm các khu vực ngoài trời. Điển hình cho mô hình này là sáng kiến PLUM Rx của Tổ chức Quốc gia về Giáo dục trẻ em (The National Association for the Education of Young Children - NAYEC) ở Mỹ. NAYEC cung cấp một bộ công cụ hoạt động ngoài trời cho các trường học trong khu vực thành thị (bộ công cụ được đăng tải trực tuyến ở link: pbskids.org/plumlanding/educators/toolkit.html). Cụ thể, nó cung cấp các tài liệu kỹ thuật số (phim hoạt hình, video, ứng dụng điện thoại), các hướng dẫn hoạt động và các tài liệu bổ trợ cho gia đình và trường học giúp trẻ học về thiên nhiên và tương tác gián tiếp với các yếu tố thiên nhiên. Ví dụ, có một hoạt động yêu cầu trẻ đếm và so sánh số lượng ô tô và cây xanh trong thành phố, rồi suy ngẫm xem đã có đủ cây để làm sạch lượng khí thải mà ô tô thải ra chưa. Hay các hoạt động sử dụng các vật liệu thiên nhiên có sẵn trong các hộ gia đình như: rót nước lên các bề mặt khác nhau như cỏ hay vỉa hè và xem xét sự khác nhau trong dòng chảy; cho lá cây vào túi ni-lông để quan sát quá trình thoát hơi nước của lá; thổi bong bóng và đi theo đường bay của bong bóng để xem xét cấu trúc thành phố ảnh hưởng tới hướng gió thế nào,…
• Các chương trình giáo dục đầu đời trong đó có thiên nhiên là thành tố chính trong các hoạt động ngoài trời. Gần giống với mô hình Waldkindergärten, các truờng mẫu giáo đi theo mô hình này cũng dành nhiều thời gian cho trẻ ở ngoài trời. Điểm khác là nó được tổ chức có cấu trúc hơn, và có các hoạt động được thiết kế với chủ ý sử dụng các đặc điểm tự nhiên để thúc đẩy các khía cạnh phát triển nhất định ở trẻ. Đây là mô hình mới xuất hiện ở Mỹ và các nước phương Tây và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện các thành phần của chương trình học.
Nhìn chung, các mô hình này nhằm giúp trẻ có trải nghiệm trực tiếp trong môi trường tự nhiên (chơi trong rừng); trải nghiệm gián tiếp với tự nhiên trong môi trường có cấu trúc (đi thăm vườn sinh học); hoặc trải nghiệm có tính biểu tượng với những tình huống đại diện với tự nhiên (đọc một cuốn sách về cây cối).
Lợi ích của thiên nhiên với sự phát triển của trẻ
Trong một công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology, nhóm tác giả đến từ Mỹ đã tổng hợp các bằng chứng nghiên cứu về hiệu quả của thiên nhiên đối với việc học tập của trẻ và chỉ ra những ảnh hưởng tích cực đã được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu diện rộng. Những lợi ích này bao gồm: tăng khả năng tập trung, xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy kỷ luật, tăng sự hứng thú của học sinh, phát triển thể chất. Bên cạnh đó, thành tích học tập của học sinh ở những trường có tích hợp các hoạt động gắn với thiên nhiên cũng tốt hơn hẳn so với trường học truyền thống. Thậm chí, thành tích này càng cao ở những trường có nhiều lớp học gắn với thiên nhiên hơn.
Học toán bằng trải nghiệm thực tế ngoài trời. Ảnh: ischool.vn
Đặc biệt, nhóm tác giả lưu ý rằng các chương trình học tích hợp các yếu tố thiên nhiên có hiệu quả với những nhóm học sinh gặp khó khăn trong lớp học truyền thống. Nó giúp thúc đẩy sự hứng thú ở những học sinh có mức độ hứng thú học tập thấp; cải thiện khả năng tập trung ở trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý; giảm tỉ lệ nghỉ học; cải thiện kết quả học tập và giảm các hành vi gây rối ở nhóm học sinh “có nguy cơ”; thậm chí còn có tiềm năng xóa bỏ các khoảng cách về bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc.
Nghiên cứu này cũng tổng hợp các nghiên cứu chỉ ra cơ chế mà qua đó thiên nhiên mang lại những lợi ích học tập. Đầu tiên, thiên nhiên mang lại những hiệu quả này do nó tạo ra được một bầu không khí yên bình, an toàn, tĩnh lặng phù hợp cho việc học tập. Nhiều nghiên cứu nhận thấy những học sinh gặp khó khăn trong môi trường học tập truyền thống có khả năng tự kiểm soát bản thân tốt hơn trong môi trường thiên nhiên. Các hành vi có vấn đề và các mâu thuẫn với bạn bè cũng xuất hiện ít hơn ở các môi trường bên ngoài so với trong lớp học.
Thứ hai, môi trường thiên nhiên giúp tạo ra các mối quan hệ hợp tác và ấm áp hơn. Nhiều nhà lý thuyết lý luận rằng bối cảnh tự nhiên tạo ra cảm giác không bị hạn chế như lớp học truyền thống, khiến trẻ thoải mái tự do tương tác với nhau và thiết lập các mối quan hệ. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc học trong thiên nhiên giúp hình ảnh giáo viên trở nên gần gũi hơn, do đó cải thiện mối quan hệ thầy trò. Bên cạnh đó, các nghiên cứu ở người trưởng thành còn chỉ ra ở trong môi trường thiên nhiên, các cá nhân trở nên ít quan tâm tới các khác biệt văn hóa - xã hội, tuy vậy chưa có các nghiên cứu về điều này ở trẻ em.
Thứ ba, các sự vật có sẵn trong môi trường thiên nhiên giúp tạo cơ hội cho các hoạt động chơi sáng tạo ở trẻ. Một số nghiên cứu sử dụng dữ liệu quan sát từ nhóm giáo viên và nhà quản lý giáo dục nhận thấy rằng trẻ đặc biệt tích cực và sáng tạo hơn trong môi trường có các đồ vật “không có cấu trúc” như vậy.
Tài liệu tham khảo
Finch, K., & Bailie, P. (2015). Nature preschools: Putting nature at the heart of early childhood education. Occasional Paper Series, 2015(33), 9.
Larry Prochner. (2021). Our Proud Heritage. Take It Outside: A History of Nature-Based Education. Young Children. https://www.naeyc.org/resources/pubs/yc/fall2021/take-it-outside
Kuo, M., Barnes, M., & Jordan, C. (2019). Do experiences with nature promote learning? Converging evidence of a cause-and-effect relationship. Frontiers in psychology, 305.