Các hiện vật được phục chế và trưng bày tại Bảo tàng Các tác phẩm nghệ thuật được Giải cứu, Rome, trước khi giới chức Ý trả chúng về các bảo tàng ở nơi chúng bị đánh cắp.

f
Hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Các tác phẩm nghệ thuật được giải cứu, sau đó sẽ được chuyển về bảo tàng địa phương. Ảnh: The New York Times

Tháng trước, Ý vừa khánh thành một bảo tàng mới ở Rome với tên gọi đầy thú vị: Museo dell'Arte Salvata - Bảo tàng Các tác phẩm nghệ thuật được Giải cứu.

“Giải cứu" ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa. Cụ thể, bảo tàng sẽ giới thiệu vô số cách các tác phẩm nghệ thuật đã được giải cứu khỏi những tên trộm, đống đổ nát của vụ động đất lẫn các thảm hoạ khác, những vụ đắm tàu cổ dưới lòng Địa Trung Hải hay từ sự tàn phá của thời gian.

Cuộc triển lãm đầu tiên của Bảo tàng - kéo dài đến hết ngày 15/10 - tập trung vào các tác phẩm được phục chế sau khi bị đánh cắp. Đây là cách Bộ Văn hoá Ý tôn vinh Lực lượng Bảo vệ di sản văn hoá thuộc Đội cảnh binh quốc gia Carabinieri. Đơn vị này đã thu hồi cho nước Ý hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật, ngăn chặn “thị trường chợ đen trao đổi đồ tạo tác khảo cổ", theo thông tin được giới thiệu tại phòng trưng bày.

Bảo tàng trưng bày khoảng 1.000 hiện vật gồm bình hoa và các tác phẩm điêu khắc thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, thậm chí cả tiền xu có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 3 trước Công nguyên. Chúng được đặt trong một đại sảnh kiểu hang động, từng là một phần của Nhà tắm Diocletian (nhà tắm thời La Mã cổ đại), nay được sáp nhập vào Bảo tàng La Mã Quốc gia.

Tuy nhiên, triển lãm chỉ là chốn dừng chân tạm thời của những hiện vật này.

Trả hiện vật về nơi cố hương

Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hoá Ý chủ trương trả lại các hiện vật đã được phục chế cho các bảo tàng ở gần nhất với địa điểm hiện vật bị đánh cắp. Chẳng hạn, vào năm 2006, khi Bảo tàng Mỹ thuật Boston nhượng lại cho Ý bức tượng bằng đá cẩm thạch (có niên đại từ thế kỷ 2) khắc hoạ Vibia Sabia - vợ Hoàng đế La Mã Hadrian, Bộ Văn hoá Ý đã trao trả bức tượng cho Biệt thự Hardian ở Tivoli. Các chuyên gia và nhà khảo cổ học sẽ phụ trách nhiệm vụ xác định nơi trao trả các hiện vật được giải cứu.

Ông Stéphane Verger, Giám đốc Bảo tàng La Mã Quốc gia, nói các tác phẩm được trưng bày ở Bảo tàng đang bị 'thương tổn' bởi bị tước mất bối cảnh nơi chúng được khám phá và thuộc về.

Người Ý chú trọng công việc khôi phục tác phẩm nghệ thuật và trung thành với quan điểm đưa chúng trở lại nơi khởi nguồn, bất kể nơi ấy xa xôi đến đâu. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với suy nghĩ này. Một số người cho rằng trong một thế giới toàn cầu hoá, nơi mọi người nỗ lực loại bỏ các rào cản kinh tế và xã hội để truyền bá văn hoá xuyên biên giới, việc đưa các cổ vật hồi hương lại chẳng khác nào nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc dân tộc. Nhiều người khác thì cho rằng cổ vật sẽ được thưởng lãm nhiều hơn nếu đặt chúng ở các khu vực thu hút hàng triệu du khách, thay vì ở các bảo tàng địa phương tại những thị trấn hẻo lánh.

Đáp lại những chỉ trích này, Ý đã tổ chức triển lãm "Nostoi: Những kiệt tác được Phục hồi" vào năm 2007. Từ "Nostoi" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự trở về. Được tổ chức tại dinh tổng thống ở Rome, triển lãm ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc thuyết phục một số bảo tàng Mỹ - trong đó có Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York và Viện Bảo tàng J. Paul Getty ở California - trả lại hàng chục hiện vật cho Ý.

Trong số đó, hiện vật quý giá nhất của Ý trong cuộc chiến tìm lại cổ vật là Euphronius Krater (một chiếc bình lớn ở Hy Lạp cổ đại, được sử dụng để pha loãng rượu với nước, do nghệ sĩ Euphronius vẽ hoạ tiết). Chiếc bình Krater có niên đại từ thế kỷ 6 trước Công nguyên, bị trộm khỏi một ngôi mộ ở Cerveteri vào năm 1971 và được bán cho Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan một năm sau với giá 1 triệu USD - khoản tiền cực lớn vào thời điểm đó. Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan trao trả cho Ý vào năm 2006. Sau một thời gian trưng bày tại Biệt thự Giulia ở Rome, hiện nó được đặt tại bảo tàng khảo cổ học của Cerveteri, cùng với một chiếc cốc kylix (loại cốc được dùng vào những dịp trang trọng), cũng do Euphronius trang trí, được Bảo tàng Getty trả lại cho Ý vào năm 1999.

g
Đồ tạo tác bằng đất nung có niên đại từ năm 400 đến 300 trước Công nguyên được trưng bày tại triển lãm. Ảnh:Gianni Cipriano / The New York Times

Ông Franceschini, Bộ trưởng Văn hóa Ý, cho biết, ý tưởng về một bảo tàng mới trưng bày những cổ vật được phục chế - trước khi đưa chúng hồi hương - đến với ông khi bảo tàng khảo cổ học của Cerveteri mượn bảo vật kylix và Euphronius Krater vào năm 2014. Thay vì trả lại cho Biệt thự Giulia, các cơ quan chức năng quyết định rằng nên trưng bày chúng ở Cerveteri, gần nơi chúng đã được khai quật bất hợp pháp.

Giờ đây, chiếc bình krater của Euphronius là “biểu tượng của thành phố”, Franceschini nói. "Chúng tôi chắc chắn về tầm quan trọng của việc trả lại các tác phẩm về nơi chúng thuộc về."

Theo Vincenzo Bellelli, giám đốc mới của công viên khảo cổ Cerveteri, đây là một “quyết định can đảm” và nó “đã mang đến cho các bảo tàng địa phương những cơ hội mới” để tăng sức hấp dẫn của mình.

Tương tự, sau khi triển lãm lần này tại Bảo tàng các Tác phẩm nghệ thuật được giải cứu kết thúc, dự kiến 20 tác phẩm ​​sẽ được trả về Cerveteri, bao gồm chiếc bình gốm Hy Lạp cổ màu đỏ, có nắp đậy, được trang trí bằng hình ảnh người khổng lồ Polyphemus, con trai của Poseidon và Thoosa trong thần thoại Hy Lạp, bị chọc mù mắt. Chiếc bình là một đồ tạo tác của người Etruscan từ thế kỷ 7 trước Công nguyên, được Bảo tàng Getty phục hồi gần đây.

g
Tại mỗi khu vực trưng bày, các chuyên gia đặt một bảng chú thích tóm tắt câu chuyện điều tra của Lực lượng Bảo vệ di sản văn hoá và các công tố viên Manhattan. Ảnh: The New York Times.

Trong suốt thời gian dài nỗ lực 'giải cứu' những bảo vật văn hoá - thường mất hàng thập kỷ và kéo theo các vụ tố tụng hình sự, không thể không kể đến vai trò của văn phòng luật sư quận Manhattan. Họ thu giữ những hiện vật từ các bảo tàng, nhà đấu giá và nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ - dựa trên bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp của chúng do Lực lượng Bảo vệ di sản văn hoá thuộc Đội cảnh binh quốc gia Carabinier cung cấp.

Tháng 12 năm ngoái, Ý đã thu nhận 200 tác phẩm. Cuộc bàn giao từ Mỹ về Ý được mô tả là đợt ‘hồi hương’ hiện vật độc nhất vô nhị. Hiện các chuyên gia đang lên kế hoạch cho những cuộc triển lãm tiếp theo, bởi số hiện vật mà họ nhận được rất phong phú.

“Hiện vật đã được trả về, đã trở lại", ông Verger hào hứng. Cuộc triển lãm là một “bước ngoặt trong vòng đời của chúng", ông nói thêm. “Một giai đoạn trôi nổi trong những thương vụ bất hợp pháp đã qua, và bây giờ một cuộc sống mới đang bắt đầu.”

Nguồn: