Nằm án ngữ sông Dương Tử [1] tại địa cấp thị [2] Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, đập Tam Hiệp (三峡大壩) là công trình thủy điện lớn nhất thế giới và là một kỳ quan về kỹ thuật xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, công trình cũng lại gây rất nhiều tranh cãi do tiềm ẩn vô số hiểm họa khôn lường.
Đập Tam Hiệp. Ảnh: Asia Nikkei Review
Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ Tôn Dật Tiên (1866 – 1925) cho đến Mao Trạch Đông (1893 – 1976) đều từng ấp ủ tham vọng về một con đập phát điện trên sông Dương Tử. Nhưng phải đến tận năm 1994, dự án mới bắt đầu được khởi công, mất 12 năm và cần khoảng 40.000 nhân công cùng 28 – 88 tỷ USD để hoàn thành [3]. Công trình ngốn một lượng vật liệu xây dựng khổng lồ: 27,2 triệu m3 bê tông và 463.000 tấn thép (đủ để xây 63 tháp Eiffel), chưa tính 102,6 triệu m3 đất bị đào xới. Toàn bộ con đập dài 2.355m, phần đỉnh cao 185 m (so với mực nước biển) và thành cao 181 m (so với nền đá). Nhà máy được trang bị 32 tua-bin chính (công suất 700 MW) cùng hai máy phát dự phòng công suất nhỏ (50 MW) – đạt tổng công suất phát điện 22.500 MW, đủ để cung cấp cho hơn 60 triệu người dân.
Sau khi được hoàn tất và đi vào vận hành, đập Tam Hiệp đã trở thành niềm tự hào của cả lãnh đạo lẫn dân chúng Trung Quốc, thậm chí còn là một hiện tượng văn hóa đại chúng[4]. Nó được ngợi ca như một kiệt tác kỹ thuật kiêm “ngọn hải đăng” của ngành năng lượng tái tạo – giúp Trung Quốc cắt giảm 30 triệu tấn than đốt mỗi năm để phát điện. Tuy nhiên, thành tựu này đã được đánh đổi bằng cái giá không hề nhỏ: hơn 100 nhân công thiệt mạng trong quá trình xây dựng, gần 1,3 triệu người bị buộc di dời khỏi nơi cư trú, nhiều di tích văn hóa lịch sử bị nhấn chìm,... bên cạnh một số nguy cơ hiện hữu khác:
- Tình trạng tích tụ trầm tích ở khu vực lòng sông và hồ chứa thượng lưu. Hoạt động xây đập chặn dòng khiến mực nước tại thượng nguồn sông Dương Tử ngày càng tăng cao, trong khi dòng chảy của các nhánh sông chậm lại – không đủ mạnh để cuốn trôi hết cát, đất đá và dần chất lại thành đống. Trong khi lượng phù sa sụt giảm mạnh ở hạ lưu lại làm tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, nhất là trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, nhiều vùng đất cửa sông Dương Tử cũng đang có xu hướng co hẹp và bị nước biển xâm nhập. Chẳng hạn, Thượng Hải trong quá khứ từng mỗi năm lấn ra biển trung bình khoảng 40 m, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.
- Quá trình đào bới, xây dựng đập Tam Hiệp đã làm biến đổi kết cấu địa chất tại khu vực xung quanh, khiến động đất, sạt lở,... diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, nhất là gần khu vực hồ chứa.
Lưu vực sông Dương Tử và vị trí đập Tam Hiệp. Đồ họa: SCMP
Đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Xinhua - Đe dọa cuộc sống của nhiều loài thủy sinh. Sự xuất hiện của đập Tam Hiệp khiến các loài cá không thể di cư tự do như trước, phải điều chỉnh cả tập quán lẫn đặc tính di truyền, chưa kể còn bị mất nơi đẻ trứng ưa thích (bị phá hủy để xây hồ chứa). Vì thế, một số loài bản địa quý hiếm như cá trích sông Dương Tử hay cá tầm Trung Quốc (đặc biệt nhạy cảm trước sự thay đổi mực nước, nhiệt độ,...) đang nguy cấp.
- Theo ghi nhận của giới khoa học, Dương Tử – con sông hằng năm khiến hàng triệu người Trung Quốc lo ngại về những trận lũ kinh hoàng – đang dần khô cạn. Trong vài chục năm trở lại đây, hơn 1.000 hồ nước dọc sông Dương Tử đã biến mất. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, sự biến thiên nhiệt độ thất thường tại một số khu vực thuộc Thái Bình Dương khiến lượng mưa cấp nước cho sông Dương Tử bị sụt giảm. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cũng làm nước bốc hơi nhiều hơn, trong khi hoạt động đô thị hóa cũng làm gia tăng lượng nước thất thoát vào bầu khí quyển.
- Hồ chứa Tam Hiệp đã nhấn chìm toàn bộ các di tích lịch sử có từ Đại Cổ sinh (khoảng 542 – 251 triệu năm trước), hơn 80 di tích từ Thời đại Đồ đá mới (trước năm 4500 TCN), hơn 470 di tích từ thời nhà Hán (202 TCN – 220 SCN), nhà Minh (1368 – 1644) và nhà Thanh (1644 – 1911). Đó cũng chính là sự mất mát lớn nhất mà những thành tựu kỹ thuật không thể khỏa lấp.
Chú thích:
1. Sông Dương Tử (扬子江) hay còn được gọi là Trường Giang (長江), con sông dài nhất châu Á và thứ ba thế giới (6.385 km) – chỉ sau sông Nile ở châu Phi (6.650 km) và Amazon ở Nam Mỹ (6400 km). Bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải ở phía Tây, sông đổ ra biển Hoa Đông, cùng với sông Hoài (淮河), Dương Tử thường được xem là cột mốc phân chia ranh giới tự nhiên giữa hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc. Cùng với Hoàng Hà (黃河), hệ thống sông Dương Tử đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế và chính trị trong lịch sử Trung Quốc.
2. Địa cấp thị (地级市) là một đơn vị hành chính cấp địa khu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới tỉnh nhưng trên huyện. Tại Việt Nam hiện không có đơn vị hành chính tương đương.
3. Quá trình xây dựng đập Tam Hiệp đã chứng kiến rất nhiều sai phạm, bê bối và tham nhũng. Nhiều nguồn tin cho biết hầu hết các nhà thầu quốc nội đều đã thực hiện hành vi hối lộ để thắng thầu, sau đó bớt xén thiết bị và nguyên vật liệu. Chủ tịch tập đoàn phát triển kinh tế Tam Hiệp thậm chí còn công khai rao bán chức tước, biển thủ tiền từ các khoản vay rồi bỏ trốn vào tháng 5/2000. Rất nhiều quan chức tại Ủy ban tái định cư Tam Hiệp đã bị bắt vì tội tham ô nguồn quỹ của chương trình vào tháng 1/2000. Nhiều hạng mục của dự án đạt chất lượng tệ hại đến mức Thủ tướng Chu Dung Cơ (1928 - ) phải ra lệnh đập bỏ (năm 1999) sau một số tai nạn thảm khốc. Chu Dung Cơ, người từng chỉ trích gay gắt dự án đã phát biểu rằng các quan chức tham gia xây dựng đập Tam Hiệp phải gánh cả “một núi trách nhiệm”.
4. Đập có tên đầy đủ là Tam Hiệp Đại Bá (三峡大壩).