Vùng đất đã từng hứng chịu thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử loài người giờ đây lại trở thành một thiên đường cho các loài động vật hoang dã.
Động vật hồi sinh tại Chernobyl
Chernobyl là cái tên mà có lẽ loài người sẽ không bao giờ quên. Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân năm 1986 đã khiến 220.000 người phải di chuyển ra khỏi khu vực thảm họa, để lại vùng đất không dân cư rộng 4.200km2 thuộc địa phận Ukraina và Belarus.
Trong vòng 30 năm qua, sinh vật tại vùng đất nhiễm xạ đã có cơ hội tồn tại tự do mà không sợ sự can thiệp của con người. Mới đây, nhà khoa học Jim Smith thuộc Đại học Portsmouth - Anh và cộng sự đã công bố một nghiên cứu lớn nhất về các đối tượng sinh vật hoang dã tại khu vực kể từ khi xảy ra thảm họa.
Nghiên cứu này dựa trên các dữ liệu hiện trường được lấy từ khu dự trữ sinh thái phóng xạ bang Polessye và một số khu vực của Belarus.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều tra chuyên sâu về hoẵng, nai sừng tấm, hươu châu Âu, lợn hoang dã và chó sói trong giai đoạn 2008-2010. Họ kiểm tra và đếm các dấu vết trên tuyết thuộc 35 tuyến đường mùa đông trên phạm vi tổng cộng 315km - gấp 20 lần chiều dài sinh cảnh so với điều tra của nghiên cứu dài nhất trước đó.
Các hoạt động điều tra được lặp lại ít nhất hai năm liên tiếp, đôi khi kéo dài đến ba năm. Các nghiên cứu trước chỉ tiến hành trong vòng một năm.
Sau đó, các nhà khoa học so sánh mức độ phong phú của sinh vật với số liệu đo được trên bốn khu dự trữ tự nhiên không nhiễm xạ với kích cỡ và điều kiện sinh cảnh tương tự. Các số liệu này được thu thập với cùng một phương pháp trong giai đoạn 2005-2010.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích lại các số liệu lịch sử ghi lại mật độ của sinh vật trong giai đoạn 10 năm sau khi xảy ra thảm họa, giai đoạn 1987-1996. Kết hợp với số liệu đo mức độ phóng xạ bằng caesium 137, tính toán cho thấy phóng xạ tồn dư hiện không tác động nhiều đến sự tồn tại của động vật.
Kết quả cho thấy, sự phong phú của các động vật cỡ lớn xung quanh Chernobyl như hươu, nai sừng tấm, lợn rừng tương đương với các khu dự trữ sinh quyển khác. Chó sói cũng có số lượng lớn gấp bảy lần bình thường.
Bình luận về kết quả, ông Smith nói: “Thông điệp trong trường hợp này là rất rõ ràng, các hoạt động thường ngày mà chúng ta thực hiện như khai khẩn, trồng - khai thác rừng, săn bắn và canh tác nông nghiệp mới là nguồn chính gây hại cho môi trường. Không thể phủ nhận rằng vẫn còn các tác động của tia phóng xạ, nhưng ở cấp độ quần thể, chúng tôi không phát hiện ra các tác động đó”.
Chuyên gia Bill Laurance thuộc Đại học James Cook-Cairns (Australia) nhận định: “Kết quả đáng kinh ngạc phát hiện được tại Chernobyl cho thấy, chỉ cần con người rời đi là tự nhiên có thể tự lấy lại được sự trù phú. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc lập ra những vùng bảo tồn không có bóng dáng của con người trên Trái đất”.
Lee Hannah - chuyên gia thuộc Cơ quan Bảo tồn quốc tế - khẳng định, Chernobyl là bằng chứng cho thấy sức sống mãnh liệt của tự nhiên. “Các vùng đất hoang dã có thể quay trở lại nếu được chúng ta trao cơ hội, nhưng chắc chắn không ai muốn đạt được điều đó nhờ các thảm họa hạt nhân” - ông Lee Hannah nói.
Tác động của phóng xạ ra sao sau 30 năm?
Ông Jim Smith khẳng định, động vật sẽ chịu những tác động tồi tệ nhất từ phóng xạ trong năm đầu tiên sau khi xảy ra thảm họa, chủ yếu là do các đồng vị có chu kỳ bán rã ngắn nhưng tác động mạnh như iodine-131 hay technetium-99.
Chẳng hạn, trâu bò sẽ chết sau khi ăn phải cỏ nhiễm xạ iodine và nghiên cứu ban đầu cũng chứng tỏ tỷ lệ sẩy thai ở chuột là lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Jim Smith, “đến thời điểm năm 1987, mức phóng xạ đã xuống đủ thấp để tránh được các tác động cấp tính nghiêm trọng”.
Ước tính, lượng phóng xạ mà hiện các loài động vật phải hấp thụ trong vùng bị tác động mạnh nhất đã ổn định ở mức khoảng 1 milligray mỗi ngày, tức là khoảng 1/10 liều lượng mà một bệnh nhân phải nhận khi chụp cắt lớp vùng bụng.
Để biết được liều lượng hằng ngày đó có đủ lớn để gây ra các đột biến gây hại, ông Smith đang tiến hành so sánh tốc độ đột biến ở cá vùng Chernobyl với các khu vực đối chứng không nhiễm xạ.
Mike Wood thuộc Đại học Salford Anh - người đã quay phim động vật hoang dã tại Chernobyl - ghi nhận sự quay trở lại của gấu nâu và bò bizon châu Âu tại khu vực.
Ông Wood cho hay động vật hoang dã đang quay trở lại tại khu vực; tuy nhiên, vẫn còn là quá sớm để các động vật lớn có thể có các cơ chế đề kháng phóng xạ.
Nguyên nhân là do chu kỳ sinh sản của các động vật này quá chậm để kịp tiến hóa.
Dù thế nào - theo ông Mike Wood “Kết quả nghiên cứu đã củng cố giả thiết mà các nhà khoa học đặt ra từ lâu rằng tác động của phóng xạ lên sinh vật hoang dã trong vùng là thấp hơn nhiều so với tác động của con người”.