Dơi là vật chủ của nhiều loại virus nguy hiểm, bao gồm virus corona. Tuy nhiên, chúng vẫn sống khỏe mạnh do sở hữu hệ thống tự sửa chữa các tổn thương phân tử bên trong tế bào, cũng như liên tục tạo ra những protein mạnh mẽ hướng dẫn tế bào ngăn chặn các mảnh vật liệu di truyền của virus trong suốt vòng đời của virus.
Dơi là động vật có liên quan đến sự xuất hiện của một số bệnh do virus gây ra trong những thập kỷ vừa qua như SARS, MERS và gần đây nhất là COVID-19. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện dơi có khả năng sống sót khi mang trên mình những virus chết người, bao gồm Ebola, Hendra, Marburg, Nipah và corona. Dù nhiễm virus nhưng chúng hiếm khi bị ốm, hoặc không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng.
Khả năng trên của dơi đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học mong muốn làm sáng tỏ bí mật về sự tiến hóa của dơi để chống lại bệnh tật – một mối liên hệ có thể giúp con người phát triển những liệu pháp mới trong tương lai để làm tăng khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus.
Những con dơi đầu tiên trên thế giới xuất hiện vào thời điểm cách đây vài chục triệu năm, khi một nhánh trên cây phả hệ của động vật có vú đã tiến hóa chi trước thành cánh. Trong nhiều thiên niên kỷ sau đó, dơi đã tách ra thành hơn 1.200 loài, chiếm khoảng 1/5 số loài động vật có vú hiện đại được biết đến trên Trái đất. Chúng sống trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực.
“Đối với sự đa dạng đáng kinh ngạc này, điều quan trọng là phải tránh gán ghép các đặc điểm của một loài dơi đối với các loài còn lại. Nguyên nhân là do một số loài đã không có chung tổ tiên trong hơn 50 triệu năm”, Kristen Lear, nhà bảo tồn dơi tại Đại học Georgia (Mỹ), cho biết.
Tuy nhiên, đa số các loài dơi đều sở hữu những khả năng đặc biệt mà nhiều sinh vật khác không có. Dơi là động vật có vú duy nhất biết bay. Chúng có tuổi thọ tương đối cao, trong một số trường hợp sống lâu hơn vài thập kỷ so với các động vật có vú có kích thước tương tự, ví dụ như chuột. Một số loài dơi có khả năng chống lại vô số bệnh tật, từ ung thư cho đến sốt truyền nhiễm – những căn bệnh có sức tàn phá khủng khiếp đối với các loài khác, bao gồm cả con người.
Raina Plowright, nhà sinh thái học về dịch bệnh tại Đại học Bang Montana (Mỹ), cho rằng khả năng kỳ lạ này của dơi có thể là hệ quả từ việc dơi bay lượn trên bầu trời. Các chuyến bay rất vất vả, đòi hỏi sự trao đổi chất của dơi cao hơn khoảng 15 lần so với trạng thái nghỉ của nó, nhất là những chuyến bay dài vào ban đêm. Việc gắng sức như vậy gây ra những tổn thương ở cấp độ phân tử, kích hoạt quá trình sản sinh các chất độc hại có thể làm hỏng DNA mà tế bào cần để hoạt động và tồn tại. Để đối phó, dơi dường như đã phát triển những cách tinh vi để kiềm chế những chất phá hủy này và ghép các mảnh vật chất di truyền bị phá vỡ lại với nhau.
Hệ thống tự sửa chữa của dơi đảm nhiệm nhiều chức năng, trong đó bao gồm việc bảo vệ dơi thoát khỏi một số triệu chứng của bệnh truyền nhiễm, Michelle Baker, nhà nghiên cứu về dơi tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Australia, nhận định. Khi hầu hết các loài động vật có vú khác phát hiện kẻ xâm lược là virus, chúng sẽ chiến đấu với virus bằng tình trạng viêm, một loại vũ khí giúp loại bỏ mầm bệnh ra khỏi cơ thể nhưng cũng có thể tàn phá các mô của chính vật chủ. Tuy nhiên, dơi có thể giảm thiểu tác động của những phản ứng rủi ro này, giống như cách chúng đã giảm thiểu thiệt hại của các chuyến bay. Tế bào của dơi dường như cũng mất một số cỗ máy phân tử cần thiết để kích hoạt hệ thống viêm nhiễm.
“Thay vào đó, các thí nghiệm cho thấy cơ thể dơi liên tục tạo ra những protein mạnh mẽ hướng dẫn tế bào ngăn chặn các mảnh vật liệu di truyền của virus trong suốt vòng đời của virus, giúp dơi có bước khởi đầu chống lại sự lây nhiễm”, Baker nói. “Với các chiến thuật kể trên, dơi tạo ra phản ứng ngăn chặn những kẻ xâm lược, bao gồm virus corona, mà không gây ra các tổn hại không cần thiết đến cơ thể của chúng”.
Để giữ cho khả năng lây nhiễm ngày càng tốt hơn, các loại virus nhắm mục tiêu vào dơi đã sử dụng nhiều cách để chống lại khả năng thích nghi độc đáo của dơi, bao gồm việc phát triển các công cụ phân tử mạnh mẽ cho phép chúng lây lan nhanh chóng từ tế bào này sang tế bào khác, Cara Brook, nhà sinh thái học tại Đại học UC Berkeley, cho biết. Do đã quen với việc tiến hành những cuộc chiến với hệ thống phòng thủ vững chắc của dơi, những mầm bệnh này sau đó có thể lây lan sang các loài động vật khác có hệ thống miễn dịch kém, không có khả năng chống lại virus – giống như một kiếm sĩ dày dạn kinh nghiệm đánh nhau với một người mới vào nghề, chưa qua đào tạo.
Dơi là sinh vật rất khó để nghiên cứu trong những điều kiện hoàn hảo. Nguyên nhân là do các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát chúng trong môi trường hoang dã, và chúng cũng không thích hợp với cuộc sống trong phòng thí nghiệm. Vikram Misra, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan, cho biết một số kết luận liên quan đến các đặc điểm sinh học về dơi chỉ áp dụng cho những loài mà các nhà khoa học có thể đánh bẫy được.
Cho đến nay chưa có bằng chứng để khẳng định rằng loại virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra bệnh COVID-19 truyền trực tiếp từ dơi sang người. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy có ít nhất một “vật chủ trung gian” đã đóng vai trò truyền mầm bệnh sang người. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các đàn dơi trở thành mục tiêu bị tấn công và tiêu diệt. Một số người dân địa phương thậm chí còn dùng lửa để thiêu đốt chúng. Họ không để ý rằng dơi là một nhóm động vật quan trọng đối với hệ sinh thái trên khắp thế giới. Chúng thụ phấn cho cây trồng, phát tán hạt giống và ăn thịt các loài côn trùng gây hại – bao gồm những con muỗi có khả năng phát tán những virus gây bệnh nguy hiểm.
“Theo nhiều cách, dơi đang giúp đỡ chúng ta, mặc dù chúng ta thường không giúp chúng”, Kate Langwig, nhà sinh thái học và bảo tồn dơi tại Virginia Tech, cho biết.
Phần lớn các mầm bệnh tồn tại trong cơ thể động vật hoang dã, bao gồm dơi, không gây nguy hiểm cho con người. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, các hoạt động của con người đã xâm lấn môi trường sống hoang dã ở mức độ chưa từng thấy khi các khu vực đô thị ngày càng mở rộng, nạn chặt phá rừng và buôn bán động vật hoang dã không ngừng gia tăng. Những áp lực như mất môi trường sống và bị săn bắt quá mức đã đẩy các loài động vật vào môi trường mới và khiến chúng căng thẳng quá mức. Điều này làm cản trở hệ thống phòng thủ miễn dịch của chúng, và tăng khả năng chúng lây lan mầm bệnh cho những sinh vật khác.