Cuộc đời và thành tựu của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà thiên văn học. Những khám phá ấn tượng của bà đều được bà tiến hành vào thời điểm mà phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học còn gặp nhiều cản trở.


Tiến sĩ Burbidge nhận giải thưởng "Người phụ nữ của năm" vào năm 1976, lúc này bà đang giảng dạy tại tại UC San Diego. Ảnh: Wikipedia

“Vũ trụ ở ngay trong ta. Chúng ta là những bụi sao trời.” Câu nói nổi tiếng của Carl Sagan không đơn thuần là một câu lãng mạn vô thưởng vô phạt - khoa học đã chứng nhận rằng canxi trong xương, sắt trong máu và đồng trong tóc ta đều có nguồn gốc từ “lò phản ứng” bên trong các vì sao. Bằng chứng cho nhận định trên được nhà thiên văn học Margaret Burbidge công bố trong một bài báo dài 100 trang vào năm 1957. Cùng với Geoffrey Burbidge, William Fowler và Fred Hoyle, thành quả nghiên cứu của bà đã mãi mãi thay đổi cách con người suy tư về bản thân và vị thế của mình trong vũ trụ.

Bên cạnh công trình đột phá về nguồn gốc của các nguyên tố, Burbidge quan tâm đến các thiên hà, chuẩn tinh - những thiên thể cực xa và cực sáng chứa lỗ đen siêu khối lượng, và thuyết trạng thái ổn định - mô hình thay thế cho thuyết Big Bang.

Một thế kỷ nghiên cứu khoa học

Eleanor Margaret Peachey sinh ngày 12/8/1919 tại Davenport, Greater Manchester và lớn lên ở London. Trên chiếc thuyền đến Pháp cùng mẹ, cô bé bốn tuổi lần đầu tiên nhìn ngắm bầu trời sao. Niềm yêu thích khoa học tuôn chảy trong dòng máu của cả gia đình - cả cha và mẹ bà đều là những nhà hóa học, và cha bà có thiên hướng về sáng chế.

James Jeans, một nhà thiên văn học tài ba khác, là họ hàng xa của bà. Mặc dù cả hai chưa từng gặp mặt, bà đã nhận được món quà là những cuốn sách phổ biến khoa học của James vào Lễ Giáng sinh. Ở tuổi 12, bà nghiền ngẫm những cuốn sách với niềm thích thú vô bờ.

Trong Thế chiến thứ hai, bà theo học ngành thiên văn học tại University College London. Nơi đây, bà gặp gỡ người chồng tương lai của mình là Geoffrey Burbidge. Cả hai đã cùng nhau dấn thân vào một cuộc phiêu lưu khoa học kéo dài suốt một đời người.

Vào thời điểm đó, bà dạy một lớp thực hành với kính viễn vọng và có cuộc gặp gỡ tình cờ với Arthur C. Clarke, sau này là một tác gia khoa học viễn tưởng và nhà tương lai học nổi tiếng. Clarke thời trẻ là một sinh viên nhiệt tình với khao khát tìm hiểu “mọi thứ liên quan đến những hành tinh và du hành liên sao”. Ông say mê quan sát những vì sao đến nỗi suýt nữa đã đẩy ngã một sinh viên khác khỏi mái nhà một đêm nọ.

Chuẩn tinh đã mê hoặc Burbidge và bà đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu chúng, cùng với các vật thể xa xôi khác trong vũ trụ. Ảnh: LgorZh / Shutterstock

Ở Burbidge có một sự quyết tâm cứng rắn giúp bà vượt qua mọi trở ngại. Nhật ký quan sát của bà vào năm 1944 cho thấy bà đã chỉnh lại kính viễn vọng để thu các ngôi sao vào tầm quan sát mỗi khi thị kính bị rung lắc bởi ảnh hưởng của bom rơi.

Sức mạnh để vượt qua thử thách của bà xuất phát từ tình yêu dành cho thiên văn học. Bà nhớ lại sự phấn khích khi lần đầu quan sát được một thiên hà xoắn ốc trên tấm kính: "Tôi cảm thấy gần như tội lỗi vì đã trót yêu thiên văn học quá nhiều, khi nó giờ đây vừa là công việc vừa là sinh kế."

Cảm hứng cho phụ nữ làm khoa học

Tuy vậy, thế giới vốn khắc nghiệt với những nhà khoa học nữ tài năng. Lần đầu tiên Burbidge gặp phải sự phân biệt giới tính là khi bà nộp đơn xin học bổng nghiên cứu tại Đài quan sát Carnegie ở Mỹ. Bà nhận được một lá thư cộc lốc từ giám đốc Đài quan sát thông báo rằng những suất học bổng như vậy chỉ dành cho nam giới. Sau đó, bà bị tước quyền sử dụng kính viễn vọng tại Đài quan sát Mount Wilson ở California.

Không những không chùn bước, Burbidge còn “tìm ra cách giải quyết” mỗi khi “gặp phải trở ngại”. Bà lấy được quyền tiếp cận Đài quan sát Mount Wilson với tư cách trợ lý cho Geoff. Bà phải mặc áo khoác che kín người nhằm che giấu việc mang thai, cả khi leo núi vào những ngày nắng oi ả.

Burbidge thường sử dụng tầm ảnh hưởng chuyên môn của mình để lên tiếng thay cho những người phụ nữ khác trong khoa học. Bà đã từ chối nhận giải Annie Jump Cannon năm 1971 - giải thưởng tôn vinh thành tựu nghiên cứu của các nhà thiên văn học nữ - vì cho rằng những giải thưởng dựa trên giới tính khiến phụ nữ không được công nhận một cách công bằng. Hành động can đảm của bà đã thúc đẩy việc thành lập Ủy ban về Địa vị Phụ nữ trong Thiên văn học, nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia làm việc trong lĩnh vực này.

Margaret Burbidge đã chỉ ra cách các nguyên tố nặng hơn được tạo ra từ các nguyên tố nhẹ hơn trong các ngôi sao. Bà từnglà giám đốc của Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich từ năm 1972 đến năm 1973. Ảnh: Emilio Segre Visual Archives / American Institute of Physics / SPL

Ngày nay, các nhà khoa học phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ tháo dỡ những bất bình đẳng vẫn tồn tại trong giới nghiên cứu cho đến giải quyết các loại khủng hoảng nhân đạo. Margaret Burbidge là một ví dụ tuyệt vời về cách con người có thể vươn tới những vì sao bất chấp muôn vàn trở ngại. Năm 1983, khi suy ngẫm về những thách thức mà con người trên khắp thế giới phải đối diện, bà bộc bạch niềm hy vọng bất diệt vào tương lai: "Tôi tin rằng chúng ta có khả năng dự đoán và chặn trước tai họa. Các nhà khoa học của mọi quốc gia đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của toàn bộ loài người."

Nguồn: