Được nhiều triều đại phong kiến xây dựng trong suốt hai thiên niên kỷ, Vạn Lý Trường Thành (VLTT) thực sự là một kỳ công của đất nước Trung Hoa.
Ngay từ thế kỷ V trước Công nguyên, các thế lực quân sự ở Trung Nguyên1 đã có ý tưởng xây dựng những bức tường chắn tại phương Bắc để đề phòng người Hung Nô, Mông Cổ, Đột Quyết và các bộ tộc du mục khác tấn công. Nhưng chỉ đến khi Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN) tiêu diệt sáu lộ chư hầu và chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc kéo dài hơn hai thế kỷ, nhất thống thiên hạ, dự án Trường Thành mới bắt đầu được thực hiện một cách nghiêm túc. Ông vua nổi tiếng tàn bạo này đã chỉ đạo việc huy động sức dân cùng vô số nguồn lực để dựng lên những đoạn tường thành kết nối các công sự phòng thủ trước đó – nhằm bảo vệ đế chế đang không ngừng bành trướng của mình. Tiếp nối Tần Thủy Hoàng, những vị hoàng đế khác về sau còn cho xây dựng thêm nhiều tháp canh dùng làm nơi truyền tin về sự xuất hiện của quân địch bằng ám hiệu khói, lửa,... Sang thế kỷ VIX, dưới thời nhà Minh (1368 – 1644), công trình được hoàn thiện và có diện mạo như ngày hôm nay.
Vạn Lý Trường Thành được bầu chọn là 1 trong 7 bảy kỳ quan của thế giới.
Ảnh: Wikimedia.
Toàn bộ VLTT, bao gồm phần tường gạch, hào nước và các lá chắn tự nhiên (sông, đồi núi, …) có chiều dài tổng cộng lên tới 21.196 km – lớn hơn cả nửa chu vi Trái đất (20.028 km), và cao trung bình 7,8 m. Nhờ vào kết cấu độc đáo mà công trình đã có thể đứng vững trước sự thách thức của thời gian: bên dưới những đoạn tường gạch là phần đất nện nhiều lớp vô cùng chắc chắn, với thảm sậy mỏng được chèn giữa các lớp giúp tăng cường sự ổn định và khả năng thoát nước.
Trong cuốn The Great Wall of China From History to Myth (Vạn Lý Trường Thành: từ lịch sử đến huyền thoại) do Nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành năm 1990, giáo sư Arthur Waldron – chuyên ngành quan hệ quốc tế tại khoa lịch sử ĐH Pennsylvania – nhận xét: VLTT đã hỗ trợ những triều đại phong kiến Trung Quốc chuẩn bị ứng phó hiệu quả trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc. Trong một số trường hợp, nó cũng được khai thác cho mục đích chiến thuật như dẫn dụ quân địch vào bẫy. Chẳng hạn, năm 1428, một viên đại tướng nhà Minh đã dồn ép tàn quân Mông Cổ về phía tường thành và tiêu diệt họ,… Bên cạnh giá trị về mặt quân sự, nó còn giúp Trung Quốc phô trương sự giàu có, trình độ kiến trúc, kỹ thuật xây dựng của mình; và trong nhiều thế kỷ đóng vai trò như một công cụ để các chính quyền áp thuế lên các mặt hàng được vận chuyển theo Con đường Tơ lụa (Silk Road) lẫn kiểm soát dòng người ra vào.
Mặc dù vậy, VLTT không hề “bất khả xâm phạm”. Theo phân tích của một số chuyên gia quân sự, bức tường chỉ có tác dụng phân chia ranh giới địa lý hơn là cung cấp sự che chắn hữu hiệu. GS. Julia Lovell, chuyên gia lịch sử và văn học Trung Quốc tại ĐH Birkbeck (Anh Quốc), nhận định: “VLTT đã không thể bảo vệ nhà Minh – triều đại đóng góp lớn nhất vào sự vĩ đại của nó2 – trước tộc Nữ Chân từ Mãn Châu”. Bà dẫn chứng sự kiện tổng binh Ngô Tam Quế (1612 – 1678), phẫn uất vì bị Sấm vương Lý Tự Thành (1606 – 1645) chiếm đoạt người ái thiếp Trần Viên Viên (1624 – 1681), nên đã thỏa hiệp với thân vương Đa Nhĩ Cổn (1610 – 1650) để mở cổng Sơn Hải Quan cho người Mãn tiến vào chiếm Trung Nguyên và lập ra triều đại Mãn Thanh kéo dài gần 300 năm (1644 – 1912). Chính bởi thất bại này mà nhiều người sau đó đã coi VLTT chỉ là một công trình phòng thủ tốn kém nhưng vô dụng. Nếu những nguồn lực khổng lồ mà nhà Minh đã chi để duy trì hoạt động tại bức tường được sử dụng cho việc cải thiện sức mạnh quân đội, chẳng hạn mua sắm đại pháo hay súng trường kiểu phương Tây, thì họ có lẽ đã không sụp đổ.
Sau khi người Mãn chinh phục Trung Quốc, VLTT không còn giữ được vị thế chiến lược quân sự của nó nữa bởi nhà Thanh đã không ngừng mở rộng lãnh thổ cùng tầm ảnh hưởng về phương Bắc, vượt xa các triều đại trước3. Tuy nhiên, họ vẫn tận dụng bức tường trong nỗ lực ngăn chặn dòng người [Hán] di cư ồ ạt tới vùng đất tổ Mãn Châu để giữ cho nơi này không bị Hán hóa song bất thành4.
Cuối cùng, như GS. Louise Edwards chuyên về lịch sử Trung Quốc tại ĐH New South Wales (Úc) kết luận: “Rất nhiều dân thường đã hy sinh xương máu để xây dựng VLTT, biến nó trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho uy quyền của các vương triều phong kiến. Đến năm 1912 (Tân Hợi), khi cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh5 và lập ra nền cộng hòa, các lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc lại tìm kiếm một biểu tượng mới đủ bản sắc để có thể thống nhất một đất nước đông dân, rộng lớn với rất nhiều sắc tộc và nền văn hóa. VLTT, một trong những công trình đồ sộ nhất thế giới được xây dựng bởi người Trung Quốc chăm chỉ, thực sự là ví dụ hoàn hảo về thành tựu của sự đoàn kết. Và điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền sau cuộc Nội chiến Quốc – Cộng (1945 – 1949). Giá trị biểu tượng, vì thế mới chính là công dụng lớn nhất của bức tường”.
Chú thích:
1. Trung Nguyên (中原) là khái niệm được dùng để chỉ vùng đất thuộc trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, từ Lạc Dương đến Khai Phong, với trung tâm là tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Các học giả thường xem đây là nơi khởi phát của nền văn minh Trung Hoa và được dân tộc Hoa Hạ (tổ tiên của người Hán) tự nhận là trung tâm của Thiên Hạ (天下). Chữ Thiên Hạ mang nghĩa: “tất cả những thứ dưới Trời”. Trong thế giới quan chính trị của người Trung Quốc cổ đại, vua (thiên tử) được trao thiên mệnh để cai trị thiên hạ. Dù trên thực tế có nhiều vùng đất chẳng hề thuộc quyền cai quản của vua, nhưng các triều đại phong kiến Trung Hoa lại đề ra thuyết: lãnh đạo chính trị ở những khu vực này được ban quyền lực (皇權 hay hoàng quyền) bởi thiên tử và cần thực hiện triều cống.
2. Vạn Lý Trường Thành (萬里長城) nổi tiếng thu hút du khách tới Trung Quốc hiện nay được xây dựng phần lớn dưới thời nhà Minh (1368 – 1644), với tổng chiều dài khoảng 8.850 km. Phần được xây dựng từ thời Tần Thủy Hoàng và các triều đại trước thực ra chỉ còn sót lại vài di tích.
3. Vào giai đoạn cực thịnh cuối thế kỷ XVIII, nhà Thanh từng kiểm soát lãnh thổ rộng tới 13 triệu km2, lớn nhất trong lịch sử (Trung Quốc hiện nay rộng khoảng 9,6 triệu km2).
4. Một số học giả cho rằng nền văn minh Trung Hoa, tức của dân tộc Hoa Hạ có sức hút và khả năng đồng hóa rất mạnh. Điều này khiến các thế lực ngoại tộc như Mông Cổ (nhà Nguyên) và Mãn Châu (nhà Thanh), mặc dù chiếm được Trung Nguyên nhưng lại chuyển sang ăn vận, sử dụng tiếng nói, chữ viết và thực hành văn hóa của người Hán, cuối cùng bị đồng hóa ngược.
5. Ái Tân Giác La Phổ Nghi (1906 – 1967) là vị vua thứ 12 và cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng lẫn thời kỳ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung.
Theo Live Science