Các nhà khảo cổ phát hiện một mẫu hóa thạch mới - các đoạn cơ thể của một loài cuốn chiếu tên là Arthropleura - cho thấy loài này từng dài 2,7 mét và nặng 50 kg.

Cuốn chiếu - hay millipede - là các động vật chân khớp thuộc lớp Chân kép, phân ngành Nhiều chân. Arthropleura là một loài cuốn chiếu sinh sống quanh vùng xích đạo trong khoảng 45 triệu năm trong Kỷ than đá, và tuyệt chủng trong Kỷ Permi. Vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của Arthropleura, nhưng có thể do nóng lên toàn cầu khiến khí hậu quá khô, hoặc chúng bị cạnh tranh thức ăn do xuất hiện ngày càng nhiều các loài bò sát.

Các nhà khoa học phát hiện mẫu Arthropleura hóa thạch mới trên một bãi biển ở Northumberland, Anh, cách Newcastle khoảng 40 dặm về phía bắc. Hóa thạch có hình dạng rất giống với các loài cuốn chiếu hiện đại, nhưng lớn hơn nhiều lần, gồm nhiều đoạn của bộ xương ngoài - các loài cuốn chiếu đều là động vật không xương sống và có bộ xương bao bọc bên ngoài cơ thể.

Đây mới là hóa thạch thứ ba của loài Arthropleura từng được tìm thấy, và đặc biệt là Arthropleura lâu đời nhất và lớn nhất - hai mẫu hóa thạch trước đều đến từ Đức. Hóa thạch cho thấy con Arthropleura này tồn tại 326 triệu năm trước, mỗi đoạn trên cơ thể nó dài khoảng 75 cm, do đó toàn bộ sinh vật ước tính dài khoảng 2,7 mét và nặng khoảng 50 kg. Các kết quả mô tả được công bố trên Journal of the Geological Society, cho thấy Arthropleura là động vật không xương sống lớn nhất mọi thời đại, lớn hơn cả bọ cạp biển cổ đại từng giữ kỷ lục trước đó.

Phần hóa thạch của loài Arthropleura khổng lồ được tìm thấy trong một tảng sa thạch ở phía bắc nước Anh.

Không giống như thời tiết mát mẻ và ẩm ướt ngày nay, trong Kỷ than đá, Northumberland có khí hậu nhiệt đới vì Vương quốc Anh khi đó nằm gần Xích đạo. Động vật không xương sống và động vật lưỡng cư thời kỳ đầu sống nhờ vào thảm thực vật rải rác xung quanh một loạt các con lạch và sông. Các nhà nghiên cứu tìm thấy mẫu Arthropleura trong một kênh sông đã hóa thạch, có thể đây là một đoạn vỏ sinh vật bỏ lại sau khi lột xác và được cát bảo tồn trong hàng trăm triệu năm.

Sau khi được phát hiện vào tháng 5/2018, nhóm khai quật đưa hóa thạch đến ĐH Cambridge để kiểm tra chi tiết. Mất vài năm để so sánh với tất cả các hóa thạch trước đó và tiết lộ các thông tin mới về môi trường sống và quá trình tiến hóa của Arthropleura. Cụ thể, loài động vật này chỉ tồn tại ở những nơi từng nằm ở Xích đạo, chẳng hạn như Vương quốc Anh trong Kỷ than đá. Các lần tái tạo dựa trên các mẫu trước đây cho rằng loài vật này sống trong đầm lầy than, nhưng mẫu hóa thạch mới cho thấy Arthropleura ưa thích các môi trường sống trong rừng ven biển.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng Arthropleura có kích thước lớn do lượng oxy trong khí quyển đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ cuối Kỷ than đá và Kỷ Permi. Nhưng hóa thạch mới đến từ những tảng đá hình thành trước các thời điểm này, cho thấy rằng oxy không thể là nguyên nhân duy nhất.

Nhóm Davies cho rằng để có được kích thước to lớn như vậy, Arthropleura phải có một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng. "Mặc dù chúng ta không biết chắc chắn chúng đã ăn gì, nhưng có rất nhiều loại hạt và các loại dinh dưỡng trong lớp lá vào thời điểm đó, và chúng thậm chí có thể là động vật ăn thịt các động vật không xương sống khác và thậm chí cả động vật có xương sống nhỏ như động vật lưỡng cư," Davies nói.

Tái tạo lại loài Arthropleura khổng lồ, sống trong Kỷ than đá 326 triệu năm trước.

Do đến nay mới chỉ thu thập được rất ít mẫu Arthropleura hóa thạch, "vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về những sinh vật này," Neil Davies từ Khoa Khoa học Trái đất ở ĐH Cambridge, tác giả chính của bài báo mô tả mẫu mới, cho biết. “Rất hiếm khi tìm thấy những hóa thạch khổng lồ này vì sau khi chết, cơ thể của cuốn chiếu có xu hướng phân hủy. Có khả năng hóa thạch này là một lớp mai để lại khi lột xác." Đến nay vẫn chưa tìm thấy chiếc đầu nào của Arthropleura, do đó còn nhiều thông tin bỏ ngỏ, Davies lưu ý.

Hóa thạch mới sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Sedgwick của Cambridge vào năm sau.

Nguồn: