Phôi thai 72 đến 66 triệu năm tuổi bên trong một quả trứng khủng long hóa thạch được tìm thấy ở Ganzhou, miền nam Trung Quốc, giúp làm sáng tỏ mối liên hệ giữa khủng long và các loài chim hiện đại.
Phôi thai được đặt tên là Baby Yingliang và được xác định là loài khủng long chân thú oviraptorosaur dựa trên hộp sọ sâu và không có răng. Oviraptorosaurs có quan hệ họ hàng gần với các loài chim ngày nay, sống trong kỷ Phấn trắng ở châu Á và Bắc Mỹ. Hình dạng mỏ và kích thước cơ thể của loài này rất khác nhau giữa các khu vực, và tùy theo kích thước cơ thể oviraptorosaurcó thể có nhiều chế độ ăn khác nhau -ăn cỏ, ăn thịt hoặc ăn tạp.
Đây gần như là phôi thai khủng long hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy. Phôi vẫn nằm ở vị trí gần giống như khi sống và không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình biến thành hóa thạch. Ước tính Baby Yingliang dài 27 cm từ đầu đến đuôi, nằm bên trong một quả trứng dài 17 cm. Mẫu vật được đặt trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đá Yingliang, Hạ Môn, Trung Quốc.
Ảnh phôi thai oviraptorosaur ‘Baby Yingliang’, một trong những phôi khủng long được bảo quản tốt nhất từng được phát hiện đến nay.
Tư thế của Baby Yingliang cũng là độc nhất trong số các phôi khủng long được tìm thấy cho đến nay - đầu gục thấp, hai chân gấp lại và xếp dọc hai bên mình, lưng cong theo đầu tù hơn của quả trứng. Tư thế này chưa từng được thấy ở phôi thai khủng long, và tương tự tư thế của phôi chim hiện đại.
Phôi thai của các loài chim hiện đại có một loạt các tư thế rúc: chúng uốn cong cơ thể và đưa đầu xuống dưới cánh trong giai đoạn trước khi nở. Phôi không đạt được các tư thế như vậy có khả năng chết cao hơn do quá trình ấp nở không thành công. Đây là hành vi do hệ thống thần kinh trung ương kiểm soát và đóng vai trò quan trọng trong quá trình nở trứng. Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng hành vi rúc, vốn được coi là độc nhất ở loài chim, thực ra bắt nguồn từ khủng long chân thú cách đây hàng chục hoặc hàng trăm triệu năm.
"Phôi Baby Yingliang là bằng chứng cho thấy nhiều đặc điểm đặc trưng của loài chim ngày nay vốn tiến hóa từ tổ tiên khủng long," Steve Brusatte từ Đại học Edinburgh, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết. Tuy nhiên vẫn cần tìm ra các phôi khác nữa để kiểm tra giả thuyết này.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Birmingham và Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (Bắc Kinh), công bố phát hiện của họ trên iScience.
Tái tạo lại hình ảnh phôi khủng long oviraptoros gần nở, dựa trên mẫu vật mới 'Baby Yingliang'.
"Phôi khủng long là một trong những loại hóa thạch hiếm nhất và hầu hết chúng đều chưa phát triển hết với các xương bị lệch," Fion Waisum Ma, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Birmingham, cho biết. Do đó, một phôi thai được bảo quản trong điều kiện tốt như Baby Yingliang đã giúp trả lời rất nhiều câu hỏi về sự lớn lên và sinh sản của khủng long.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp