Cuốn tiểu sử “Van Gogh: The Life” (2011) của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith với cách tiếp cận đa chiều cùng khối tư liệu đồ sộ và các tranh ảnh liên quan, đã đem đến nhiều ý nghĩa hơn một tiểu sử nghệ sĩ xuất sắc thuần túy, trở thành một biên niên sử về số phận và sự đau khổ của con người.
Vincent Willem van Gogh, sinh tháng 3/1853 ở Groot-Zundert, Hà Lan, mất tại Auvers-sur-Oise, Pháp vào tháng 7/1890 nhờ một viên đạn, vĩnh viễn tuổi 37.
Một số phận bị nguyền rủa, một kẻ điên, một họa sĩ vẽ tranh với mục đích đầu tiên là vì tiền, và cho đến gần cuối đời khi danh tiếng bắt đầu đến, vẫn nhất khoát chối từ và hững hờ với mọi lời tán dương, tâng bốc. Danh tiếng đối với Vincent chỉ là một phương tiện thay cho lời xin lỗi, mỗi bài báo ngợi khen với anh chỉ như một món quà anh dành tặng gia đình với hi vọng làm vui lòng những người thân yêu của anh, để rồi họ sẽ tha thứ và lại chấp nhận anh. Bởi điều anh mong cầu, trên tất thảy, là tình yêu, gia đình, là được có người đồng hành, lắng nghe chia sẻ.
Hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith từng khiến độc giả say mê với cuốn tiểu sử Jackson Pollock giành giải Pulitzer năm 1991 của họ. Ảnh: INT
Sinh ra trong một gia đình có lịch sử khổ đau và gánh chịu hệ quả của chiến tranh là mầm điên di truyền trải dài nhiều thế hệ, Vincent không thể lựa chọn và không thể làm khác với bản chất cực đoan đến cuồng dại trong mình. Anh chạm đến mọi cực điểm của con người, từ yếu đuối sụp đổ đến kiên cường ngoan cố, đưa cảm xúc của bản thân dành cho người khác từ mến yêu gần gũi sang thù hằn hoang tưởng, luôn khiến cho những người xung quanh đối với anh từ thương mến, cảm thông thành kinh hãi, chối bỏ, xa lánh. Tất cả đều bởi anh khát khao đến tuyệt vọng tình yêu thương, xuất phát từ sự thiếu thốn ôm ấp vỗ về khi anh còn là một đứa trẻ.
Suốt cuộc đời, Vincent luôn hằng mơ về một thứ gì đó chỉ thuộc về riêng mình, một gia đình, một nơi chốn, một người bạn đồng hành… và đối tượng anh hướng tới luôn luôn cụ thể, nếu không phải là người mà anh cần thì không là ai khác. Thế nhưng, Vincent van Gogh với nhu cầu yêu, được yêu và được sẻ chia chan chứa một cách dị thường, lại phải lớn lên trong sự kiềm hãm, trong thứ tình yêu chỉ bằng lời mà thiếu đi hơi ấm. Sự tồn tại của anh như một xung đột đối nghịch với những con người ở thời điểm anh sống: khi anh yêu, đòi được yêu – gia đình đáp lại anh bằng đòi hỏi về danh dự và bổn phận; khi anh muốn được rong chơi trên bãi hoang quê nhà, được ở bên cha mẹ và các em – anh bị gửi đến trường nội trú; người ta yêu cầu từ anh sự chậm rãi, kỹ thuật và vẽ bằng “cái đầu” – anh thực hành hội họa ào ạt bằng cảm xúc, bằng “trái tim”; khi mọi người chăm chăm vào các hình ảnh tôn giáo hay sự phù du của đời sống hiện đại – anh hướng đến thiên nhiên và sự thế tục của đời sống nhân sinh… Từ không được thỏa mãn cảm xúc dẫn đến ái kỷ, ngã mạn, cố chấp, những điều càng ngày càng sâu sắc hơn trong anh sau mỗi lần cố gắng vùng vẫy thoát khỏi vực sâu bất hạnh chẳng thành, Vincent van Gogh lại càng phát tiết ra một xung lực mạnh mẽ đẩy lùi những người mà anh khát khao được gần gũi đi thật xa khỏi anh. Cô đơn đến hết đời, chỉ bán được một bức tranh, anh phát điên, chìm hẳn vào bóng tối, để rồi cậy nhờ sự giải thoát từ một viên đạn.
“Scène de rue à Montmartre” (Cảnh đường phố ở Montmartre) - tác phẩm do Van Gogh vẽ năm 1887, lần đầu ra mắt công chúng vào tháng 3 năm nay, sau 101 năm về tay một nhà sưu tập người Pháp. Ảnh: The Guardian
Giờ đây, mỉa mai và trớ trêu thay, danh tiếng bậc nhất cùng lòng ngưỡng mộ và những tôn vinh về tình yêu của anh và dành cho anh lại thành hiện khi anh đã không còn tại thế. Nhưng liệu rằng, nếu như có một Vincent van Gogh bằng xương thịt hiển hiện nơi đây, có thực chúng ta sẽ không lánh xa anh (hay bị chính anh đẩy xa) bất chấp những tính cách cực đoan, độc tôn, ngạo ngược, vị kỷ không thể lay chuyển của anh?
Nếu như mọi con đường Vincent đi, từ học việc bán tranh, truyền giáo, hay trở thành họa sĩ, tất thảy đều là bởi nơi anh đau đáu hướng về: thời thơ ấu ở nhà xứ Zundert; và hội họa, sau cùng, có lẽ chỉ là một cái cớ, một đối tượng, một phương tiện thích hợp để có thể giúp anh trút bớt ẩn ức và giải phóng bản thân - vậy thì hội họa sao có thể bù đắp được khoảng trống tình yêu mà anh hằng mong mỏi. Nó chỉ có thể thay mặt cho tất cả những con người đã chối bỏ anh, trở thành một đối tượng cho Vincent trút lên những khát khao đến tuyệt vọng, bộc lộ một cách thô ráp và bộc trực nhất, cực đoan và tuyệt vọng nhất như chính trong nghệ thuật của anh – một thứ nghệ thuật “cuồng điên,” cương mãnh và hiển lộ. Và chính vì thế, có lẽ điều cuối cùng mà Vincent van Gogh muốn vẫn luôn luôn và mãi mãi là tình yêu, chứ chẳng hề là sự tôn vinh nghệ thuật. Bởi vậy mà, như anh tuyên bố “tác phẩm của tôi là gì, thì tôi là như vậy,” mọi điều anh thấy-cảm, suy tư và tin tưởng, mọi buồn-vui, tuyệt vọng hay đớn đau đều tìm được đường lên tranh. Một Vincent sống bạo liệt ra sao, thì nghệ thuật của anh cũng cuồng điên như vậy: những bức vẽ phong cảnh chi tiết ở mức cực điểm, rồi các nét vẽ xộc xệch, xiêu vẹo không thể kiểm soát, cho tới lối hội họa cày đi cày lại trên mặt tranh, sang đắp nổi, điêu khắc sơn dầu, cũng như bút pháp cuộn-xoáy đặc trưng sau này; màu sắc, cũng thế, Vincent dùng những tổ hợp màu bổ sung rực rỡ nhất, hay những tông đơn sắc tùy vào những rung động (thường là cực điểm) trong cảm xúc của anh – một biểu hiện vừa bộc lộ toàn bộ, không giấu giếm, vừa bí ẩn và sâu sắc tới tận cùng. Hội họa của anh, qua ngòi bút cả hai tác giả, hiện lên một cách sống động, không chỉ về kỹ thuật sử dụng màu, bút pháp hay sự đặc tả cảnh hay hình, mà đó còn là những gì thúc đẩy anh “từ trong nội tâm” – giúp độc giả có thể quan sát được quá trình chuyển biến đặc biệt trong tâm thức sáng tạo của anh, dõi theo hành trình hình thành và phát triển của một cá tính nghệ thuật đặc biệt đời thường và gần gũi.
Tạm đặt sang bên mọi lời tán tụng và ngưỡng mộ của hậu thế về cuộc đời cực đoan phi thường, cũng như một hành trình sống trải đầy bi kịch kinh điển của con người để rồi kết xuất thành một khối di sản nghệ thuật đồ sộ đi kèm với danh tiếng bậc nhất của họa sĩ Vincent van Gogh, chúng ta hãy cùng hướng về một câu hỏi đại diện cho nỗi khao khát suốt cuộc đời của anh, câu hỏi đặc biệt dành cho những con người hiện đại, những người đã dám nhận rằng giờ đây chúng ta đã hiểu tấm lòng anh, đã cảm nhận được giá trị ở nghệ thuật nơi anh, đã tôn vinh anh và khẳng định dự cảm của anh với những bức tranh đi trước thời đại mà anh sống: sau khi đọc xong cuốn sách này, chúng ta có sẵn lòng khẳng định sẽ vẫn yêu anh và đồng hành mãi mãi bên anh như chính cách mà con người anh vốn là?
Trong nỗ lực truy nguyên và giải huyền thoại hành trình sống, sáng tạo phi thường và mâu thuẫn tới tận cùng của Vincent van Gogh, cuốn tiểu sử Van Gogh: The Life của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith, dài 43 chương, với cách tiếp cận đa chiều cùng khối lượng tư liệu đồ sộ và các tranh ảnh liên quan, đã đem đến nhiều ý nghĩa hơn một tiểu sử nghệ sĩ xuất sắc thuần túy, trở thành một biên niên sử về số phận và sự đau khổ của con người – của không chỉ riêng Vincent, mà còn tất cả các thành viên trong gia đình Van Gogh: cha Dorus, mẹ Anna, Theo, các em gái, bác Cent và dì Cornelia, bác Jan, cùng vô số nhân vật khác đi ngang qua đời Vincent.
Trong sự trói buộc, siết nghẹt lấy tự do, cảm xúc và ước vọng của nhau, ai trong tấn bi kịch này cũng vừa phải vác “thánh giá” của chính mình và vừa lại là “thánh giá” cho kẻ khác. Như mẹ Anna bao bọc tới mức tước đoạt tự do và tạo điều kiện dung dưỡng cảm xúc tiêu cực của các con. Hay cha Dorus bất phân giữa hai hình ảnh người cha và Đức Cha. Theo, vừa yêu thương, trung thành nhưng cũng vừa thờ ơ, xa cách và giày vò anh trai. Còn Vincent, vốn hay phủ định cha mẹ, lại trở thành bản sao của chính những gì khiến anh đau đớn nhất: từ lý tưởng về bổn phận, phong cách làm việc điên cuồng, cảm giác ám ảnh về sự chỉn chu, thái độ cưỡng ép vô lối, không dung thứ, cho tới thói quen rao giảng, bài biện.
Cuốn tiểu sử do hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith chấp bút là một tác phẩm công phu, phản ảnh mọi sắc thái, biến chuyển, rối ren trong đời sống nội tâm và thế tục của Vincent van Gogh, văn phong truyền tải phong nhiêu mà hàm súc, với dung lượng đồ sộ, hẳn sẽ không dễ đọc và tốn không ít thời gian. Nhóm dịch giả đã hết sức nỗ lực để trung thành với nguyên gốc dù bản dịch có thể không quá xuất sắc và giữ gìn được trọn vẹn tinh hoa của cuốn sách gốc, và cố nhiên, sẽ còn những điểm chưa thấu đáo, còn thiếu sót, như chính bản thân đội ngũ biên dịch hẵng còn lăn tăn và trăn trở. Dù cuốn sách không thể hoàn thiện toàn hảo ngay, nhưng hi vọng theo thời gian, nhờ những đóng góp bổ sung của người đọc, kết hợp cùng sự chỉnh sửa, hoàn thiện của đội ngũ dịch giả-hiệu đính-biên tập trong tương lai, cuốn sách này có thể được tốt hơn, hoàn chỉnh hơn trong mỗi lần tái bản.