Quyền động vật, cùng với đó là cái nhìn lại về cách ứng xử của con người với những loài vật, ngay từ xuất phát điểm, đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạt động môi trường và các chuyên gia phê bình sinh thái.



A boy rests against a cow in Kathmandu, Nepal, 2013. Credit: © 2019 Steve McCurry, Long Island City, NY
Một cậu bé đang ngồi dựa vào con bò trong lúc nghỉ ngơi, Kathmandu, Nepal, 2013.
Ảnh: Steve McCurry/CNN

Peter Singer đặt ra thuật ngữ “speciesism” (tư tưởng phân biệt giống loài) để nói về những thành kiến đã quy định sự bất công trong cách đối xử của chúng ta với những con vật. Singer nhắc nhở rằng, những con vật phải chịu sự ngược đãi bởi chúng ta đã đẩy chúng về phía bên kia của “đường ranh giới không thể vượt qua” (insuperable line) trong hệ phân cấp nhị nguyên. Có thể kể ra rất nhiều tạo dựng khác nhau đã tạo thành và cố định hóa cái gọi là “ranh giới không thể vượt qua” này giữa con người và động vật: từ việc sở hữu một linh hồn bất tử đến sự tự do tồn tại, từ sự khác biệt về cấu trúc hệ thần kinh và cách sử dụng ngôn ngữ biểu tượng đến việc giải phẫu bàn tay con người hòng cho thấy nó được sinh ra để sản xuất những công cụ làm việc tinh xảo hơn hẳn tất cả các loài thú khác.

Nhưng, giống như nhiều nhà phê bình sinh thái, Erica Fugde cảnh tỉnh chúng ta rằng: “sự quá thừa thãi những tuyên ngôn kiểu này không đủ để bảo đảm vị thế bất khả xâm phạm của con người như một giống loài tối thượng. Ngược lại, nó phản ánh một nhu cầu đầy âu lo của chúng ta khi liên tục cố công kiến tạo và củng cố những sự khác biệt không hề có trong tự nhiên mà nhờ đó, những niềm tin và những thực hành mang tính thống trị vẫn nghiễm nhiên được duy trì”.

Phê bình môi trường hay phê bình sinh thái, chính vì thế, có một thái độ hoài nghi đối với những đường ranh giới liên tục được cố định này giữa con người và động vật phi nhân, giải kiến tạo nó như một cách để cởi bỏ mối quan hệ thống trị có chức năng hợp lí hóa mọi hành vi ứng xử của chúng ta với thế giới động vật; và cuối cùng, đề xuất một cái nhìn đạo đức hơn trên phương diện sinh thái.

Loài vật – những sinh thể câm tiếng?

Điều kiện để thực hành một cái nhìn toàn trị nằm ở chỗ con người, trước hết, đẩy tự nhiên vào tình trạng câm lặng không có tiếng nói. Trong tiểu luận Nature and Silence (Tự nhiên và Sự câm tiếng), Christopher Manes sử dụng lí thuyết của Michel Foucault để xem xét việc những diễn giải Kinh Thánh cũng như văn học truyền thống đã tạo dựng nên hệ huyền thoại về một tự nhiên câm tiếng như thế nào.

A man walks with a herd of sheep near Magdeburg, in the former German Democratic Republic, DDR, 1989. Credit: © 2019 Steve McCurry, Long Island City, NY
Một cậu trai dẫn đàn cừu ở gần Magdeburg thuộc CHDC Đức, 1989.
Ảnh: Steve McCurry/CNN

Ông chỉ ra rằng những diễn ngôn văn hóa đã liên tục biến thế giới tự nhiên từ một hiện hữu có tinh thần thành một hiện diện thuần túy mang tính biểu tượng, từ một chủ thể có tiếng nói thành một khách thể câm lặng, và kết quả là, trong nền văn hoá của chúng ta, chỉ con người mới có quyền giữ vị trí của chủ thể phát ngôn: “Chúng ta càng ngày càng trở thành những kẻ kế thừa của một truyền thống văn hóa mà bên trong nó, địa vị chủ thể phát ngôn được khư khư ôm giữ như một đặc quyền của riêng con người”.

Ngược lại, Manes thể hiện một thái độ bất tín sâu sắc với các hệ thống ngôn ngữ nhân loại: “Ngôn ngữ thường ngày của chúng ta, một sự mô phỏng lại những diễn giải Kinh thánh thời trung cổ và chủ nghĩa nhân văn Phục hưng, với niềm tin tuyệt đối vào lí trí, trí tuệ và sự tiến bộ, đã kiến tạo một “vương quốc” rộng lớn của sự câm lặng, một thế giới của những khách thể “không có tiếng nói” được gọi bằng cái tên chung: “Tự nhiên”, bị nuốt chửng trong những tuyên ngôn phổ quát về chân lí vĩnh hằng, về tính phân biệt, lí tính và phẩm chất siêu việt của loài người”. Manes cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có “một ngôn ngữ hoàn toàn mới, được giải phóng khỏi sự thống trị của chủ nghĩa nhân văn... một thứ ngôn ngữ của sự khiêm nhường về địa vị sinh thái”.

Những thực hành đẩy tự nhiên vào tình trạng câm tiếng để toàn quyền diễn giải theo ý của chủ thể phát ngôn (nhân tính) luôn đi đôi với một cái nhìn toàn trị về những con vật (bị mặc định là) “thấp kém”. Nói như Greg Garrard trong Ecocriticism (Phê bình sinh thái), khi biến tự nhiên thành một thứ khách thể câm lặng, hình dung của chúng ta về động vật chỉ giới hạn ở chỗ nhìn chúng như “những con rối của loài người”, những con thú cưng nuôi trong nhà hay các nhân vật hoạt hình trên kênh Disney. Và những cuốn sách hay những bộ phim về cuộc sống hoang dã thực chất cũng chỉ “biến những con vật thành kẻ liên tục bị theo dõi. Cái thực tế rằng chúng có thể quan sát lại chúng ta đã bị bôi xóa đi. Chúng chỉ còn là đối tượng để chúng ta mở rộng hơn nữa những tri thức khoa học của mình. Tất cả những gì chúng ta biết về chúng lại chính là một dấu chỉ về quyền lực của chúng ta, và do đó, cũng là một dấu chỉ cho sự tách biệt của chúng ta với chúng. Chúng ta càng thu được nhiều tri thức kiểu đó bao nhiêu, chúng ta càng xa lạ với chúng bấy nhiêu”.

Nói cách khác, phản ứng thường xuyên của con người trước các loài động vật là từ chối giao tiếp, khước từ một cái nhìn bình đẳng, liên tục khẳng định vị thế của kẻ phát ngôn và giữ cái nhìn toàn trị. Nó che giấu một sự thật rằng, những con vật cũng có khả năng đối thoại lại và nhìn ngược trở lại chính chúng ta. Con người từ lâu đã trở thành kẻ độc thoại (soloquist), mắc chứng tự yêu mình đến mức đẩy mình lên thành siêu việt.

Disney-hóa hay sự thay thế sai lầm này bằng sự thiếu hiểu biết khác

Trong cuốn Picturing the Beast (Hình dung về thú vật, 1993), Steve Barker phân tích việc sử dụng những khuôn mẫu về động vật được tạo dựng trong các hình dung đại chúng, điển hình là những series phim hoạt hình về động vật. Barker nhấn mạnh sự phân biệt giữa những con vật trong thực tế với những hình ảnh được tạo dựng về chúng: “Văn hóa định hình cách đọc của chúng ta về những con vật cũng nhiều như việc những con vật định hình cách chúng ta đọc văn hóa”.

Ông phê phán cả việc sử dụng động vật trong những diễn ngôn đạo đức xã hội: những hành vi bạo lực hay vô đạo đức thường xuyên bị lên án là “thú tính” (bestial) hay “thú vật” (animal). Những cách dùng từ này rõ ràng biểu thị và duy trì một thái độ khinh miệt với những con vật. Nhưng, một trong những đóng góp lớn nhất phải kể đến của Barker nằm ở việc ông đã đặt ra một thuật ngữ phê bình văn hóa mới: “disney-hóa” (disnification). Theo ông, “với sự yêu mến dành cho những con vật”, những hình ảnh “disney hóa” đã “biến chúng trở thành ngu xuẩn”. Những diễn ngôn/hình ảnh về động vật theo hướng này đều hết sức “ngây ngô”. “Disney hóa” thường là tập hợp những đặc điểm dễ gợi liên tưởng (một cách hết sức bản năng) về sự tương đồng giữa những động vật với trẻ em: “những đôi mắt mở to, đầu khá lớn so với thân người, chân tay ngắn ngủn và vóc dáng thường tròn trĩnh”. Phong cách “disney hóa”, như thế, có thể được dùng như một thuật ngữ chung chỉ lối tạo hình hoạt họa cực kì quen thuộc trong sách truyện và phim ảnh thiếu nhi.

Không khó để thấy, nếu như thú nuôi chỉ được coi như tấm gương phản chiếu lại cái nhìn của chúng ta mà không được trao một tiếng nói nào, một chút ý thức nào về quyền tự chủ; thì động vật hoang dã trên truyền hình cũng không có một chút quyền lực nào để có thể thể hiện cái nhìn của chính nó. John Berger chỉ ra rằng con người liên tục thiết lập thêm những kiến tạo nhằm giữ vững một mối quan hệ xa lạ với động vật. Đó là cái mà ông gọi là tính chính trị của sự biểu đạt.

Không nghi ngờ gì, nhiều bộ phim về cuộc sống hoang dã và nhiều tài liệu về đời sống hoang dã đã có những đóng góp quan trọng cho các chiến dịch môi trường. Tuy nhiên, các nhà phê bình sinh thái cho rằng: “những tạo dựng về tự nhiên cũng có thể xuyên tạc/làm sai lệch các đối tượng của nó theo nhiều cách khác nhau, thay thế sự sai lầm này bằng sự thiếu hiểu biết khác... Nó thu hẹp kinh nghiệm của chúng ta. Không chỉ thế, thế giới động vật còn bị bóp méo nhiều hơn nữa bởi việc chú trọng quá mức vào khía cạnh bạo lực và tính dục. Những bộ phim tư liệu đôi khi chẳng khác gì một thứ “sinh thái khiêu dâm” (eco-porn)”. Nguyên nhân là bởi những biểu đạt văn hóa liên tục biến con người thành kẻ có quyền năng thưởng ngoạn. Người xem của những series như Thế giới động vật (Animal Planet) hay Discovery nghiễm nhiên được trao vị thế toàn trị, có thể thâm nhập vào ngay cả những nơi khó tiếp cận nhất của thế giới tự nhiên. Phép ẩn dụ về sự xâm phạm/thâm nhập cho thấy ảo tưởng về khả năng tiếp cận không giới hạn vào một không gian bí ẩn hay vùng cấm địa sẽ tạo dựng một mối quan hệ chủ thể trong thế đối diện với khách thể, có cấu trúc tương đương với những văn bản khiêu dâm mà trong đó, con mắt (hay chủ thể) có được sự vui thú/thoả mãn vì giữ quyền quan sát trong khi đối tượng bị nhìn không thể đáp trả thách thức lại, cũng không thể nhìn trở lại.

Sử dụng và giết động vật – quyền năng của tất cả chúng ta?

Thêm một câu hỏi được các nhà đòi quyền bình đẳng cho động vật hết sức quan tâm là, liệu có những giới hạn nào quy định loài người phải đối xử một cách một cách hợp pháp với những con vật hay không? Phải chăng chúng ta được quyền đối xử với chúng theo mọi cách, miễn là điều ấy khiến chúng ta hài lòng? Và trong trường hợp có những giới hạn, thì đó cụ thể là gì?
Hugh LaFollette, trong tiểu luận “Animal Rights & Human Wrongs”, cho rằng: “mỗi chúng ta cũng là một bộ phận thuộc về một nền văn hóa vốn đã quá quen thuộc với việc sử dụng động vật vì mục đích thực phẩm, quần áo, cho việc nghiên cứu những loại thuốc mới,...”. Và việc đòi hỏi đáp ứng những nhu cầu bất tận như thế tất yếu dẫn đến hệ quả đương nhiên là chúng ta tìm cách phủ nhận và lãng quên đi việc gây đau đớn cho động vật.

Nhà triết học chủ nghĩa vị lợi Jeremy Bentham (1748-1832) coi sự độc ác tàn bạo đối với những con vật cũng tương tự như chế độ nô lệ và tuyên bố rằng khả năng cảm nhận đau đớn, chứ không phải năng lực lí trí, mới là cái đáng được xem xét trong sự đánh giá đạo đức.

Con người thường xuyên khẳng định mình thông qua “lí trí” hay khả năng ngôn ngữ (discourse). Nhưng Bentham chỉ ra rằng: “một con ngựa hay một con chó trưởng thành có khả năng giao tiếp hơn cũng như có lí trí hơn so với một đứa trẻ sơ sinh một ngày, một tuần hay một tháng tuổi”. Với ông, mọi đường ranh giới phân biệt con người với con vật là tùy tiện/võ đoán, và hơn thế, là bất hợp lí bởi chúng ta cùng chia sẻ với những con vật một khả năng cảm nhận nỗi đau đớn mà chỉ “bàn tay của những kẻ bạo chúa” mới có thể làm ngơ.

Quan điểm của Bentham gắn với cái nhìn về “nguyên tắc bình đẳng” của Chủ nghĩa vị lợi. Nó tuyên bố mọi tồn tại đều xứng đáng được hưởng sự đánh giá đạo đức một cách bình đẳng, không phân biệt gia tộc, chủng tộc, dân tộc hay giống loài. Nền tảng đạo đức của chủ nghĩa vị lợi cho rằng: mọi hành động không có bản chất đúng/sai tự bản thân nó, mà chỉ có thể được phán xét trong chừng mực nó mang lại niềm hạnh phúc hay gây ra khổ đau.

Lịch sử triết học phương Tây, theo dẫn giải Jean Kazez trong chuyên luận Animal kind. What we owe to Animals (Chúng ta mắc nợ gì với những con vật), ở một góc độ nào đó, có thể được hiểu như lịch sử những lời bào chữa cho con người trước loài vật, thông qua tham vọng cố định hóa cái mà Foucault gọi là “trật tự của sự vật” trong quan hệ của con người với thế giới tự nhiên phi nhân.

Bằng cách thăm dò bản chất của sự vật, các nhà triết học từ cổ đại đã quan tâm đến việc giải thích một cách hệ thống những chủ đề như: con vật là gì, chúng ta là gì, và từ đó đặt ra những câu hỏi như: chúng ta có thể (hay không thể) ăn thịt, vắt sữa hay quàng những cái ách lên vai chúng,... Tất cả những nỗ lực ấy, không gì khác, chính là để “đem lại cảm giác giảm trừ nỗi băn khoăn chúng ta không muốn có khi đứng trước hành động giết động vật hay sử dụng, bóc lột chúng” (Kazez).

(Còn tiếp)

Phê bình sinh thái (Ecocriticism) manh nha vào khoảng thập niên 1980, bắt nguồn từ ý thức phản tư của giới nghiên cứu phê bình về cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu đang từng ngày diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Ra đời trong nỗi lo âu, sự tự vấn và mặc cảm tội lỗi của con người trước hành động của chính mình, Phê bình sinh thái đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh đạo đức sinh tồn. Đã đến lúc nhân loại phải nhìn nhận lại mọi chi phí thực tế nó đã từng cố tình lấp liếm, che giấu; không chỉ trong các hệ thống phân cấp bất bình đẳng giữa người với người, mà còn trong mối quan hệ của nó với thế giới tự nhiên. Lần đầu tiên, những ý niệm được chủ nghĩa nhân văn đề cao tuyệt đối như văn hóa (trong ý nghĩa một sản phẩm “nhân tạo”), hay con người (human), bị đưa ra chất vấn.

Các nhà lí thuyết không ngừng nhắc nhở chúng ta về các mối quan hệ cùng những “món nợ sinh thái” mà văn hóa phải gánh chịu trước tự nhiên; trong đó, tất nhiên, phải kể tới sự mắc nợ và tội lỗi của con người trước các loài động vật phi nhân.