Đến đầu thế kỷ XX, thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ) đã là một trung tâm kinh tế lớn với ngành công nghiệp lúa mì và gỗ rất phát triển, bên cạnh một cảng biển lớn đang không ngừng mở rộng.

Tòa nhà Forestry Building tại Portland, năm 1956. Ảnh: City of Portland.
Tòa nhà Forestry Building tại Portland, năm 1956. Ảnh: City of Portland.

Portland sở hữu một nhà máy bột mì vào loại lớn nhất bên bờ Thái Bình Dương, cùng những cánh rừng rộng lớn của vùng Oregon với các loài cây chủ chốt như linh sam Douglas, kim giao tây, tuyết tùng đỏ, phong lá lớn,... Vị trí lý tưởng của Portland – nằm tại nơi hợp lưu của hai con sông Willamette và Columbia – cũng tạo điều kiện cho nó trở thành một cảng nước sâu cho tàu bè lớn tiếp cận.

Nhưng cho dù thuận lợi là vậy, Oregon vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc suy thoái kéo dài trên khắp nước Mỹ cuối thế kỷ XIX khiến nhiều người mất việc. Trong những nỗ lực nhằm cải thiện điều kiện kinh tế ảm đạm, một vài lãnh đạo doanh nghiệp giàu có và quyền lực nhất Portland đã quyết định tổ chức một sự kiện với quy mô hoành tráng chưa từng thấy – Hội chợ Thiên niên kỷ Lewis and Clark Centennial Exposition – vào năm 1905. Diễn ra trong thời gian lên tới bốn tháng, hội chợ đã thu hút hơn 1,6 triệu khách từ 21 quốc gia tham dự.

Ảnh chụp khung cảnh bên trong Forestry Building tại thời điểm diễn ra hội chợ thiên niên kỷ Lewis and Clark Centennial Exposition năm 1905.
Ảnh chụp khung cảnh bên trong Forestry Building tại thời điểm diễn ra hội chợ thiên niên kỷ Lewis and Clark Centennial Exposition năm 1905.

Khu triển lãm có hàng chục gian hàng được trang hoàng rực rỡ và mang phong cách kiến trúc độc đáo. Trong đó, gian của Ý được xem là lớn nhất, trưng bày một bộ sưu tập khổng lồ các bức tượng đá cẩm thạch. Đức và Pháp cũng chi những khoản tiền không nhỏ cho hoạt động triển lãm của mình. Như Pháp còn mang tới hẳn một bản sao căn phòng đặc biệt mà Vua Louis XIV hay ngồi vẽ.

Phần lớn các gian nhà trong khuôn viên hội chợ đều được dựng lên một cách tạm bợ bằng vật liệu thạch cao trên khung gỗ. Nhưng Forestry Building (tạm dịch: Tòa nhà Lâm nghiệp) lại là một ngoại lệ. Đó là một công trình kiến trúc đồ sộ: dài 63m, rộng 31m và cao 22m. Như tuyên bố của những người tổ chức sự kiện, Forestry Building là tòa nhà làm từ gỗ ghép (log cabin) lớn nhất thế giới, và nó thực sự được dựng lên bằng những khúc gỗ hãy còn nguyên vỏ (với chiều ngang có thể đạt tới 1,83m) – phần lớn từ các cây cổ thụ được đốn hạ tại Hạt Columbia, bang Oregon. Nội thất bên trong tòa nhà lại càng nổi bật với 54 khúc gỗ linh sam Douglas khổng lồ (vẫn nguyên vỏ) – làm cột chống cho một đại sảnh cao gần bằng tòa nhà hai tầng, lấy ánh sáng từ cửa sổ trần.

Forestry Building là nơi diễn ra các cuộc triển lãm vinh danh ngành công nghiệp gỗ, ca ngợi sự giàu có của nguồn lợi động thực vật địa phương cùng nền văn hóa bản địa đặc sắc. Sau khi sự kiện kết thúc, tòa nhà được thành phố Portland mua lại và khâu chăm sóc dần bị lơ là. Năm 1914, nó suýt chút nữa đã bị thiêu rụi khi tòa nhà California Building gần đó bốc cháy và hứng than hồng rơi lên mái, nhưng may thay lực lượng cứu hỏa đã phản ứng kịp thời và ngăn chặn được thảm họa.

Sang thập niên 1920, có một số ý kiến cho rằng chính quyền thành phố Portland nên tháo dỡ tòa nhà và tận dụng những khúc gỗ vẫn còn giá trị sử dụng, song đề xuất này đã không được chấp thuận. Mặc dù vậy, nhà chức trách cũng không cấp ngân sách cho việc sửa chữa và cải tạo nó. Đến lúc này, tòa nhà trở thành một địa điểm thiếu an toàn và bị đóng cửa với công chúng. Vào cuối những năm 1940, một đám cháy khác xảy ra – bắt nguồn từ tia lửa bếp của một người trông nom – đã đốt một lỗ thủng đường kính khoảng 4,5m trên mái nhà.

Sang thập niên 1950, Phòng Thương mại Oregon quyên góp đủ tiền để tu sửa tòa nhà cũ kỹ. Không lâu sau, nó bắt đầu trở thành một điểm dã ngoại ưa thích của học sinh địa phương và du khách bên ngoài.

Forestry Building bốc cháy lúc nửa đêm. Ảnh: Sở cứu hỏa Portland.
Forestry Building bốc cháy lúc nửa đêm. Ảnh: Sở cứu hỏa Portland.

Nhưng vào ngày 17/8/1964, Forestry Building lại một lần nữa bốc cháy do chập điện. Một nhân chứng kể lại: “Ngọn lửa có lẽ phải cao bằng tòa nhà 10 tầng, cả khu phố rực một màu cam và thắp sáng cả khoảng không gian cách đó hàng dặm. Sức nóng cùng áp lực sinh ra từ đám cháy thậm chí còn thổi bay toàn bộ cửa sổ ở phân khu phía Nam của tòa nhà Công viên Montgomery, kính vỡ và rơi lả tả xuống mặt đường, bên cạnh những cục tro lớn như bông tuyết. Một cảnh tượng đáng kinh ngạc và không khác gì trong tranh siêu thực”.

Sau vụ cháy, một nhóm người dân đã cùng với các lãnh đạo ngành gỗ thành lập Viện Lâm nghiệp Miền Tây (Western Forestry Institute) nhằm lấp đầy khoảng trống. Một tòa nhà mới với khả năng chịu lửa tốt hơn do kiến trúc sư John Storrs từ Oregon thiết kế đã được dựng lên tại Công viên Washington và bắt đầu mở cửa cho công chúng từ năm 1971. Năm 1986, nó được đổi tên thành Trung tâm Lâm nghiệp Thế giới (World Forestry Center), cái tên mang hàm nghĩa biểu tượng cho sự chuyển dịch của ngành trên quy mô toàn cầu.