Ur-Nammu là bộ luật lâu đời nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Văn bản này được viết trên các phiến đất sét nung bằng ngôn ngữ của người Sumer vào cuối thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.
Những điều chúng ta biết về bộ luật Ur-Nammu là kết quả của năm công trình khảo cổ học lớn được tiến hành ở các thành phố cổ của người Sumer bao gồm Nippur, Ur và Sippa. Bộ luật Ur-Nammu có thể chia thành hai phần: bao gồm phần mở đầu và phần các điều luật. Với tư cách là bộ luật lâu đời nhất còn tồn tại, bộ luật Ur-Nammu đã giúp chúng ta có cái nhìn sơ lược về cách thức công lý được hình thành trong xã hội Sumer cổ đại.
Hình ảnh vua Ur-Nammu được vẽ trên phiến đất sét nung của người Sumer. Ảnh: Wikimedia.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện bản sao đầu tiên của bộ luật Ur-Nammu trên hai mảnh vỡ của một phiến đất sét nung màu nâu nhạt (với kích thước 20×10cm) tại một ngôi đền ở Nippur – thành phố cổ của người Sumer thuộc vùng đất Iraq ngày nay. Đáng tiếc là do tình trạng bảo quản kém, chỉ có phần mở đầu và 5 điều luật viết bằng chữ hình nêm là có thể nhìn thấy rõ ràng. Năm 1952, nhà sử học Samuel Kramer đã dịch nội dung của phiến đất sét sang tiếng Anh và phổ biến với công chúng. Hiện nay, hai mảnh vỡ đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những phiến đất sét khác viết về bộ luật Ur-Nammu. Ví dụ, một phiến đất sét được khai quật tại thành bang Ur [thành bang là thành phố tồn tại như những quốc gia độc lập] đã giúp các nhà nghiên cứu khôi phục lại nội dung của khoảng 40 trong số 57 điều luật. Họ dịch toàn bộ các điều luật sang tiếng Anh vào năm 1965.
Các mảnh vỡ đất sét cũng được phát hiện tại Sippa, một thành phố khác của người Sumer. Tuy nhiên, nội dung ghi trên chúng có một chút khác biệt so với phiến đất sét khai quật ở thành bang Ur, phía Nam khu vực Lưỡng Hà.
Tác giả bộ luật Ur-Nammu được gán cho vị vua cùng tên Ur-Nammu – người cai trị thành bang Ur của người Sumer, bởi vì bộ luật đã đề cập đến tên của ông trong phần mở đầu. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng người viết bộ luật cũng có thể là Shulgi, con trai và người kế vị của Ur-Nammu.
Hai mảnh vỡ đất sét nung ghi chép về bộ luật Ur-Nammu được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Istanbul. Ảnh: Wikimedia.
Triều đại vua Ur-Nammu là một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng. Có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm Ur-Nammu trị vì, nhưng đa số các nhà khoa học đồng tình với mốc thời gian là vào thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Ông thành lập vương triều thứ ba của Ur và khởi xướng cái mà ngày nay được gọi là “Thời kỳ Phục hưng của người Sumer”, một thời kỳ mà xã hội Sumer có sự phát triển vượt bậc về văn hóa, kinh tế và quân sự.
Bộ luật Ur-Nammu được viết vào khoảng năm 2100 – 2050 trước Công nguyên, lâu đời hơn bộ luật Hammurabi của người Babylon cổ đại khoảng ba thế kỷ.
Bộ luật Ur-Nammu bắt đầu bằng phần mở đầu. Đây là đặc điểm hình thức tiêu chuẩn của các bộ luật ra đời ở vùng đất Lưỡng Hà. Trong đoạn mở đầu này, nhà vua Ur-Nammu đã tuyên bố trách nhiệm của mình đối với đất nước: “Tôi không thể biến một đứa trẻ mồ côi thành người giàu có, không thể biến một con cừu thành một con bò kéo xe…nhưng tôi có thể thiết lập sự công bằng cho vùng đất của người Sumer”.
Sau phần mở đầu là phần các điều luật. Nội dung của chúng bao gồm việc loại bỏ các tệ nạn, bạo lực và xung đột, cũng như bảo vệ những cá nhân yếu đuối nhất trong xã hội.
So với cơ sở lý luận “ăn miếng trả miếng” của bộ luật Hammurabi, mỗi điều trong bộ luật Ur-Nammu được viết theo mối quan hệ “nhân quả”, liệt kê từng tội danh và hình phạt tương ứng. Các điều luật trong Bộ luật Ur-Nammu tuân theo một khuôn mẫu nhất định, với cấu trúc câu như sau: Nếu (các tội lỗi đã gây ra), thì (các hình phạt cụ thể). Hầu hết các bộ luật ra đời sau Ur-Nammu cũng bắt chước theo công thức này.
Trong bộ luật Ur-Nammu, chúng ta có thể phân biệt các loại tội phạm khác nhau. Một số tội danh lớn nhất có thể kể đến như giết người, ăn cướp và hiếp dâm. Hình phạt dành cho những người gây ra tội ác này là cái chết. Ví dụ: “Nếu một người phạm tội giết người, thì người đó phải bị giết”, và “Nếu một người đàn ông làm mất trinh tiết vợ của một người đàn ông trẻ, thì anh ta sẽ phải chết”.
Ngoài ra, những người phạm tội có tính chất ít nghiêm trọng hơn sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền. Ví dụ: “Nếu một người phạm tội bắt cóc, thì người này phải ngồi tù và đóng khoản tiền phạt là 15 đồng shekel bạc”, hoặc “Nếu một người đánh gãy răng của người khác, thì người này bị phạt 2 shekel bạc”.
Bộ luật Ur-Nammu cũng có những nội dung quy định rằng, nếu ai đó bị người khác buộc tội nhưng chứng minh được sự trong sạch của mình thì người tố cáo họ phải bồi thường thiệt hại bằng tiền. Ví dụ: “Nếu một người đàn ông bị cáo buộc là phù thủy, anh ta sẽ phải trải qua các thử thách bằng nước [chẳng hạn như nhúng tay vào nồi nước sôi để lấy một viên đá]. Nếu anh ta chứng minh được mình vô tội, thì người tố cáo anh ta phải nộp phạt 3 shekel bạc”, và “Nếu ai đó tố cáo vợ một người đàn ông ngoại tình, nhưng cô ấy vô tội thì người đã buộc tội cô ấy phải nộp 20 shekel bạc”.
Với bộ luật Ur-Nammu, nhà vua đã thiết lập hệ thống luật pháp liên quan đến các vấn đề dân sự và hình sự để đảm bảo quyền bình đẳng và sự công bằng của người dân trong khu vực mà ông cai trị. Thông qua bộ luật này, chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về cấu trúc xã hội trong thời kỳ vua Ur-Nammu cai trị. Đó là một xã hội gồm ba tầng lớp khác nhau. Trên cùng là vua (tiếng Sumer: lugal), bên dưới ông là những người tự do (tiếng Sumer: lu), và dưới cùng là tầng lớp nô lệ.
Mặc dù được viết cách đây hàng nghìn năm nhưng bộ luật Ur-Nammu vẫn có những tác động nhất định đến cuộc sống của chúng ta. Bằng cách vạch ra các điều luật theo mô hình nhân quả (nếu thế này, thì thế kia), Ur-Nammu đã trở thành tiền đề cho các bộ luật khác ra đời sau đó hàng thế kỷ, cũng như ảnh hưởng lớn đến các luật mà chúng ta xây dựng ngày nay. Trong tương lai, nội dung và ý nghĩa của bộ luật này vẫn sẽ là đề tài nghiên cứu hấp dẫn của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, đặc biệt là chuyên ngành sử học, luật học, ngôn ngữ học.
Theo Ancient Origins