Chúng ta thường chỉ biết đến những bức ảnh của NASA chụp vũ trụ, các hành tinh, ngôi sao ở góc nhìn từ Trái Đất. Tuy nhiên, cũng chính NASA vừa công bố những bức ảnh đặc biệt giúp chúng ta “tự nhìn lại mình” từ một khoảng cách rất xa ngoài Trái Đất.
Những hình ảnh đặc biệt được ghi lại từ con tàu nghiên cứu không gian có tên Parker Solar Probe đang trên đường đi đến sao Kim và thực hiện sứ mệnh nghiên cứu mặt trời vừa được phóng bởi NASA.
Để có được những bức ảnh hiếm hoi, các nhà khoa học của NASA đã trang bị trên chiếc tàu không gian này một máy ảnh chụp ảnh trường rộng. Máy ảnh đặc biệt này ghi lại 2 hình ảnh bằng các kính viễn vọng bên trong và bên ngoài theo khác hướng khác nhau và các trường nhìn khác nhau.
Trong bức ảnh được tàu Parker Solar Probe gửi về, Trái Đất của chúng ta là một chấm nhỏ, tròn, sáng. Mặt trăng bị khuất sau Trái Đất.
Tàu không gian Parker Solar Probe được đặt tên theo nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ, giáo sư Eugene Parker, được phóng từ Mũi Canaveral, Florida.
Tàu Parker Solar Probe dự kiến sẽ bay trực tiếp vào bầu khí quyển Mặt Trời, chỉ cách bề mặt của “ngôi sao” lớn nhất thiên hà của chúng ta, khoảng 6 triệu km.
Mục tiêu chính của Parker Solar Probe đó là nghiên cứu quá trình truyền năng lượng và nhiệt qua vành nhật hoa của mặt trời. Bên cạnh đó, các nhà khoa học muốn khám phá cơ chế gia tốc gió mặt trời cũng như các hạt năng lượng cao.
Tàu không gian Parker Solar Probe có kích thước tương đương một chiếc ôtô nhỏ. Để chống lại sức nóng khủng khiếp của mặt trời khi tiếp cận, Parker Solar Probe được bảo vệ bởi tấm chắn bằng vật liệu carbon composite dày 11,4 cm. Tấm chắn này có thể chịu được nhiệt độ có thể lên đến khoảng 1.370 độ C bên ngoài con tàu.
Theo Dantri