Mới đây, WeWork – công ty chuyên cung cấp văn phòng và không gian làm việc chung tại Mỹ – vừa đưa ra chính sách không phục vụ hoặc không hoàn tiền cho các bữa ăn chứa thịt động vật. Dựa trên những lập luận đạo đức về tác động của việc ăn thịt đối với môi trường, Miguel McKelvey – nhà đồng sáng lập phụ trách mảng văn hóa của WeWork – cho biết, đó là một nỗ lực của công ty nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, rằng thịt và các sản phẩm từ sữa chính là một trong những thủ phạm tồi tệ nhất gây phát thải CO2 và làm tổn hại đa dạng sinh học. Vì thế, WeWork dự tính đến năm 2023, chính sách của họ sẽ giúp cắt giảm khoảng 221,9 triệu kg CO2; tiết kiệm 62,83 tỷ lít nước và cứu sống 15.507.1103 con vật khỏi bị giết.
Suốt nhiều thế kỷ, các triết gia đã không ngừng tranh luận về việc có nên ăn thịt động vật hay không. Trong đó, một vài đại diện tiêu biểu của trường phái Hy Lạp cổ đại đã đưa ra những luận điểm dựa trên tình trạng đạo đức của chính các loài vật.
Chẳng hạn, Pythagoras tin rằng động vật cũng có linh hồn y như con người; còn Plato, trong cuốn 2 của “Cộng hòa” cũng nghĩ về thịt như một thứ xa xỉ, có thể đưa đến một xã hội không bền vững, đầy xung đột và bất bình đẳng, hay cần chiến tranh để giành lấy nhiều đất đai hơn.
Liệu chúng ta có nên ăn thịt các loài động vật? Ảnh: Món ngon TV
Khoảng hai ngàn năm sau (1789), Jeremy Bentham – cha đẻ của thuyết duy lợi (utilitarianism) – lại đặt vấn đề, rằng sự đau khổ của các loài động vật có liên quan đến hành vi đạo đức, và do đó ám chỉ việc ăn thịt.
Ông viết: “Câu hỏi ở đây, không phải là động vật có biết tư duy hay nói chuyện, mà là liệu chúng có biết đau khổ hay không? Tại sao luật pháp lại từ chối bảo vệ những sinh vật nhạy cảm này?” Hầu hết người theo thuyết duy lợi đều tin rằng, những hành động nhằm mang lại kết quả tốt đẹp nhất hay niềm hạnh phúc và làm giảm bớt khổ đau trên thế giới này thì đều là việc đúng đắn.
Vì thế, Peter Singer (ĐH Melbourne, tác giả cuốn Animal Liberation giải phóng động vật nổi tiếng) – một nhà duy lợi hiện đại – đã luôn tự hỏi, liệu chúng ta (con người) có thể biện minh cho việc xem niềm vui, hạnh phúc và nỗi đau của mình là quan trọng hơn các loài động vật; trước sự đau khổ của nhiều vật nuôi trong môi trường nuôi nhốt công nghiệp để lấy thịt, ông băn khoăn, liệu chúng ta có phải cũng chỉ là một “loài vật” khi đang hành xử thiên về lợi ích của loài mình – dựa trên luận điểm của thuyết phân biệt đối xử giữa con người với các loài (speciecism).
Bên cạnh Singer, nhiều triết gia còn bác bỏ quan niệm rằng, chỉ cần nhận thức về nỗi thống khổ của các con vật là đủ hay điều này đơn giản là sai nếu con người coi chúng như một nguồn tài nguyên để khai thác. Vì thế, hoạt động chăn nuôi công nghiệp cho mục đích lấy thịt, cũng không khác là bao so với thu thập nội tạng người, đều là hành vi vô đạo đức. Tom Regan (ĐH bang North Carolina) – triết gia về quyền động vật, cho rằng các con vật cũng là những “chủ thể của cuộc sống”, cũng có quyền, sở thích, mong muốn và kỳ vọng của riêng chúng … y như con người.
Mặc dù vậy, một số thuyết khác, như con người biệt lệ (human exceptionalism) lại tin động vật không thể nào có được địa vị đạo đức cao như con người – niềm tin dựa trên một định đề rằng con người vượt trội hơn hẳn các loài khác về khả năng xây dựng mối quan hệ xã hội, sử dụng ngôn ngữ, lập luận và cảm nhận nỗi đau.
Từ thế kỷ XVI, nhà bác học Pháp Rene Descartes – nổi tiếng với châm ngôn: “Tôi tư duy tức tôi tồn tại” – đã tin rằng, động vật không biết đau bởi chúng không có ý thức và tâm trí – ý tưởng sau đó được viện dẫn rộng rãi để biện minh cho thực hành mổ xẻ trên cơ thể động vật suốt nhiều thế kỷ. Trong khi đó, triết gia Đức Immanuel Kant (Đức) lại nghĩ, chính tư cách con người (personhood) mới là thứ phân biệt chúng ta với các loài động vật, khi con người đã biết thiết lập nên và hành động theo các quy tắc đạo đức riêng dựa trên lý trí – điều mà động vật không thể làm được.
Tuy nhiên, không ít nghiên cứu và quan sát khác lại chỉ ra, rằng động vật cũng có cảm xúc và trải nghiệm đau đớn như con người. Chẳng hạn, đời sống tình cảm của voi là hết sức phức tạp, khi chúng biết đau buồn trước cái chết của những cá thể thân thuộc và biết xây dựng mối quan hệ bầy đàn gắn kết chặt chẽ. Hay trong nhiều trường hợp, động vật cũng có lý trí, biết giao tiếp và hành xử theo những cách rất đạo đức.
Do đó, chúng ta khó có thể biện minh cho việc loại trừ động vật khỏi sự cân nhắc về mặt đạo đức ăn thịt chúng, chỉ vì chúng thiếu những đặc điểm trên. Ngay cả ý tưởng của Kant về sự tự chủ duy lý (rational autonomous) – thứ khiến con người trở nên siêu việt – cũng không thật sự thuyết phục. Bởi trẻ sơ sinh, người bệnh Alzheimer hay thuộc những nhóm khiếm khuyết khác, … cũng có thể được xem là thiếu hụt khả năng tự chủ duy lý. Và dù trong bất cứ trường hợp nào, thì tư cách con người cũng không nên được xem là một tiêu chí để xác định đối tượng cần cân nhắc thuộc phạm trù đạo đức. Thậm chí nhiều ý kiến, như của Singer, còn haoif nghi, liệu Kant có phải là người theo thuyết specicesim.
Trong khi đó, một vài trường phái phản đối ăn thịt đã đưa ra quan điểm không dựa trên việc liệu động vật có quyền hay sự đau khổ của chúng có nên được tính vào để đánh giá các hành vi đạo đức hay không, mà chỉ tập trung tới khía cạnh đức hạnh hay sự suy đồi của việc ăn thịt. Như lý thuyết gia Rosalind Hursthouse lập luận, hành động ăn thịt cho thấy phần “tham lam”, “ích kỷ” và “trẻ con” của con người. Trong lúc nhiều ý kiến khác cũng tin rằng, người đức hạnh sẽ không ăn thịt hoặc không ăn quá nhiều mà thiếu đi sự thương cảm hay quan tâm đến thú vật.
Đứng trên lập trường của một nhà đạo đức học, GS Joan McGregor (ĐH bang Arizona) đã bày tỏ sự hưởng ứng đối với chính sách của WeWork, cho rằng điều này có cơ sở đạo đức cùng sự hậu thuẫn của các đồng minh triết học mạnh mẽ. Và sau cùng, con người không thể biện minh, nhất là về mặt đạo đức, cho nỗi thống khổ mà các loài động vật phải chịu đựng khi bị giết thịt trên quy mô công nghiệp.