Một số truyện cổ tích có nguồn gốc từ 6.000 năm trước
Khi đề cập đến truyện cổ tích phương Tây, nổi tiếng nhất có lẽ là bộ sưu tập những câu chuyện của hai anh em nhà Grimm vào thế kỷ 19. Ngoài ra còn có một số tác giả khác như Hans Christian Andersen và Charles Perrault. Các tác giả đã mang hình ảnh những nàng công chúa, hoàng tử, ác quỷ, khu rừng đen tối, phép thuật kỳ lạ…vào trong sách truyện và đến bên giường ngủ của trẻ em ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta có thể không biết độ tuổi thực sự của nhiều câu chuyện trong số đó. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Royal Society Open Science, các nhà khoa học xem xét những câu chuyện cổ tích giống như sự tiến hóa của các loài sinh vật. Họ phát hiện ra rằng, một số câu chuyện cổ tích khá lâu đời, có nguồn gốc từ khoảng 6.000 năm trước.
Cơ sở cho nghiên cứu này là một kho lưu trữ trực tuyến lớn, bao gồm hơn 2.000 câu chuyện từ các nền văn hóa Ấn – Âu khác nhau. Nó được biết đến là hệ thống phân loại Aarne–Thompson–Uther (ATU) được biên soạn vào năm 2004.
Theo một số nhà khoa học, tất cả các nền văn hóa Ấn – Âu hiện đại (bao gồm châu Âu và phần lớn châu Á) đều có nguồn gốc từ những người nói tiếng Ấn – Âu nguyên thủy sống trong thời kỳ đồ đá mới ở Đông Âu, từ năm 10200 trước Công nguyên đến năm 2000 trước Công nguyên. Phần lớn ngôn ngữ hiện đại của thế giới được cho là đã phát triển từ tiếng Ấn – Âu nguyên thủy.
Để tiến hành nghiên cứu, Jamshid Tehrani – nhà nhân loại học tại Đại học Durham (Vương quốc Anh) – và đồng nghiệp đã xem xét cẩn thận các câu chuyện trong kho dữ liệu ATU. Họ giới hạn phân tích đối với những truyện cổ tích chứa yếu tố ma thuật và siêu nhiên, bởi vì danh mục này chứa gần như tất cả những câu chuyện nổi tiếng mà mọi người đã quen thuộc. Do đó, nhóm nghiên cứu đã thu hẹp kích thước mẫu xuống còn 275 câu chuyện, bao gồm các tác phẩm kinh điển như “Người đẹp và quái vật”, “Hansel và Gretel”.
Hình minh họa truyện cổ tích Người đẹp và quái vật. Ảnh: Warwick Goble
Việc truy tìm nguồn gốc và thời điểm ra đời của các truyện cổ tích không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nguyên nhân là do có ít tài liệu ghi chép về chúng trong lịch sử, và nhiều câu chuyện chỉ được truyền miệng mà không có phiên bản bằng chữ viết. “Nhiều truyện cổ tích được truyền miệng, làm cho nguồn gốc và độ tuổi của chúng không rõ ràng. Chúng ta không có tài liệu ghi chép về chúng trước khi chữ viết ra đời”, Tehrani nói.
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê tương tự như phương pháp các nhà sinh vật học dùng để truy nguyên nguồn gốc của các giống loài, thông qua nhánh cây tiến hóa chỉ dựa trên trình tự DNA hiện đại.
Phương pháp này có thể hiểu đơn giản như sau. Các truyện cổ tích được truyền lại qua nhiều thế hệ thông qua ngôn ngữ, và các nhánh của cây ngôn ngữ Ấn – Âu đã được xác định rõ. Do đó, các nhà khoa học có thể phát hiện quá trình lịch sử của một câu chuyện cổ tích thông qua vị trí của nó trên cây ngôn ngữ.
Ví dụ, nếu cả hai ngôn ngữ Slav và ngôn ngữ Celtic đều có một phiên bản truyện “Jack và cây đậu thần”, các nhà nghiên cứu sẽ kết luận truyện Jack và cây đậu thần có nguồn gốc từ “tổ tiên chung gần nhất” của cả hai ngôn ngữ. Đó có thể là ngôn ngữ Tây – Ấn – Âu nguyên thủy đã tách ra thành hai ngôn ngữ Slav và Celtic cách đây ít nhất 6.800 năm. Phương pháp tiếp cận trên giống như cách một nhà sinh vật học tiến hóa có thể kết luận rằng, hai loài bắt nguồn từ một tổ tiên chung nếu gene của chúng chứa cùng một đột biến không được tìm thấy ở các loài động vật hiện đại khác.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Không giống như gene – thứ gần như được truyền theo chiều dọc từ cha mẹ đến con cái – những câu chuyện cổ tích cũng có thể lan truyền theo chiều ngang khi một nền văn hóa đan xen, pha trộn với một nền văn hóa khác. Do đó, phần lớn nghiên cứu của các tác giả tập trung vào việc nhận biết và loại bỏ những câu chuyện dường như đã lan truyền theo chiều ngang. Sau khi lược bỏ, nhóm nghiên cứu chỉ để lại tổng cộng 76 câu chuyện cổ tích.
Kết quả cho thấy, một số truyện cổ tích lâu đời nhất có độ tuổi cách đây từ 2.500 năm đến 6.000 năm, chẳng hạn như truyện “Thợ rèn và Ác quỷ” kể về câu chuyện một thợ rèn, người đã thỏa thuận với quỷ dữ để đổi lấy kỹ năng rèn không ai sánh bằng. Nhiều câu chuyện cổ tích khác dường như ít tuổi hơn, xuất hiện trong những nhánh cây ngôn ngữ hiện đại hơn.
“Các tác giả đã thực hiện một công trình nghiên cứu tốt nhất với dữ liệu mà họ có”, Mark Pagel, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Reading (Anh), cho biết.
Lý do khiến truyện cổ tích được yêu thích
Trong bài báo đăng trên tạp chí Current Biology, Mark Pagel đã suy nghĩ về nguyên nhân khiến truyện cổ tích được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ, bất chấp sự thử thách của thời gian. “Điều tôi thực sự quan tâm là lý do tại sao hình thức văn hóa này tồn tại và truyện cổ tích lại có độ tuổi lớn như vậy”, Pagel nói.
Tehrani cho biết, những câu chuyện cổ tích thành công nhất sẽ tiếp tục tồn tại bởi vì chúng là những câu chuyện có yếu tố phản trực giác [khác thường] ít nhất. Điều này nghĩa là tất cả chúng đều chứa một số yếu tố hoang đường – giống như những sinh vật hoặc phép thuật kỳ quái – nhưng thường rất dễ hiểu.
Ví dụ, truyện “Người đẹp và quái vật” có một người đàn ông biến đổi một cách kỳ diệu thành sinh vật có hình thù đáng sợ, nhưng nó cũng kể một câu chuyện đơn giản về gia đình, lãng mạn, khuyên chúng ta không đánh giá người khác dựa trên ngoại hình. Yếu tố kỳ ảo làm cho truyện cổ tích trở nên nổi bật, nhưng các yếu tố bình thường làm cho chúng dễ hiểu và dễ nhớ. “Sự kết hợp của các yếu tố này có thể là chìa khóa cho sự tồn tại của truyện cổ tích qua hàng nghìn năm”, Tehrani nói.