Nhiều bạn trẻ hiện nay thường phân vân, mông lung về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, không biết bản thân muốn gì, không biết phải lựa chọn nghề nghiệp nào. Đọc “Tự do học tập” của nhà tâm lý học Peter Gray, chúng ta có thể phần nào lý giải hiện tượng này.
Trong cuốn “Tự do học tập”, từ việc quan sát trẻ em của các tộc người săn bắt hái lượm, Peter Gray đưa ra một lập luận thuyết phục về tầm quan trọng của việc vui chơi đối với cuộc sống của trẻ em và cách các hệ thống giáo dục truyền thống bóp nghẹt mong muốn học hỏi thông qua vui chơi bẩm sinh ở trẻ em.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc thảo luận về quá trình phát triển của trò chơi và vai trò của trò chơi đối với tồn tại và thành công của loài người chúng ta. Gray giải thích cách vui chơi đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tiến hóa của con người trong hàng triệu năm và từ việc vui chơi, chúng ta đã học hỏi, thích nghi và phát triển. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vui chơi đối với sự phát triển nhận thức, cảm xúc và xã hội của trẻ nhỏ.
Sau đó, tác giả truy tìm lịch sử hệ thống giáo dục truyền thống đã xa rời khuynh hướng tự nhiên của trẻ em là học thông qua chơi như thế nào. Trong phần này, Gray nêu rõ chính đời sống nông nghiệp định canh định cư xa rời lối sống săn bắt hái lượm đã dẫn đến việc hình thành lối sống tuân phục và mong muốn kiểm soát trẻ em thông qua giáo dục bắt buộc ở hệ thống trường học được quản lý bởi nhà thờ và nhà nước. Ông lập luận rằng hệ thống giáo dục truyền thống - chủ yếu tập trung vào học thuộc lòng và các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa - đã làm suy giảm động lực học tập và tự định hướng của trẻ em. Ông cũng chỉ ra hệ thống giáo dục truyền thống không coi trọng việc vui chơi đối với sự phát triển của trẻ em và đây chính là nguyên nhân khiến trẻ em thất vọng với giáo dục học đường.
Tiếp theo, Gray trình bày một trường hợp rõ ràng về lý do tại sao vui chơi lại quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và thành công trong cuộc sống của trẻ em, và tại sao vui chơi lại là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Ông giải thích, vui chơi cho phép trẻ em chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại trong một môi trường an toàn. Khi được tự do vui chơi, trẻ em có thể chọn trò chơi mình thích và tự định hướng cách chơi, trái ngược với trò chơi do người lớn sắp xếp hoặc chỉ đạo. Và điều này cho phép chúng phát triển quyền tự trị, khả năng tự điều chỉnh và hợp tác với những người khác.
Trong các chương sau, Gray đề cập mối quan tâm của phụ huynh và các nhà giáo dục đối với tính thực tế của việc học tập dựa trên vui chơi trong trường học. Ông đưa ra các ví dụ về mô hình trường học Sudbury Valley, nơi triển khai thành công chương trình học dựa trên chơi. Việc trẻ em trong trường học tập thông qua tự do vui chơi không phân biệt nhóm tuổi đã giúp hạn chế tình trạng bạo lực học đường ở đây. Ông cũng cung cấp một số ví dụ thực tế về cách học dựa trên chơi có thể được kết hợp vào các môn học khác nhau như toán học và khoa học. Đồng thời, ông theo dõi cuộc đời của nhiều học sinh tại Sudbury Valley - từ những học sinh cá biệt ở các trường khác nhưng khi chuyển đến Sudbury Valley, các em đã lột xác, tìm được hứng thú trong học tập, và sau này trở thành những người có vị thế xã hội, giỏi giang trong lĩnh vực nghề nghiệp mà các em đã được tự do lựa chọn.
Nhìn chung, “Tự do học tập” là một cuốn sách bắt ta suy ngẫm lại về giáo dục, và cung cấp sự hiểu biết toàn diện về vui chơi cùng vai trò của nó đối với sự phát triển của trẻ. Việc tác giả sử dụng nghiên cứu và các ví dụ thực tế làm cho cuốn sách có nhiều thông tin và dễ hiểu. Có thể nói, cuốn sách là một nguồn tham khảo quý giá cho các nhà giáo dục, phụ huynh và bất kỳ ai quan tâm đến cải cách giáo dục.
Giáo sư Tâm lý học Steven Pinker (Đại học Harvard) nói rằng dù không đồng tình với toàn bộ quan điểm của người đồng nghiệp nhưng “Tự do học tập” là “tiếng nói nhân đạo về vấn đề cấp bách của việc cải cách giáo dục” để chúng ta suy nghĩ lại về cách trường học nên được thiết kế sao cho phù hợp với lối học của trẻ em. Trong khi đó, Giáo sư Sinh học và Nhân loại học David Sloan Wilson (Đại học Binghamton) đánh giá đây là một công trình khoa học vững chắc dựa vào dữ liệu của ngành Nhân loại học phát triển để hướng đến việc trẻ em tự giáo dục bản thân.
Peter Gray hiện là Giáo sư tâm lý tại Đại học Boston, Mỹ. Ông cũng là tác giả của nhiều sách tâm lý học dành cho sinh viên. Năm 2016, Peter Gray đã hỗ trợ sáng lập Liên minh Giáo dục Tự định hướng nhằm khuyến khích trẻ em tự giáo dục và định hướng bản thân. |
Trương Thịnh