Xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 16 đến 18, đội kỵ binh của Ba Lan được xem là bất bại và đã gieo rắc kinh hoàng trên khắp chiến trường châu Âu, được mệnh danh là “kỵ binh có cánh” hay “kỵ binh bay”.

“Những tiếng va chạm khủng khiếp vang lên, ngỡ như núi đổ, kế đến là những tiếng vang của kim loại như thể hàng nghìn người thợ rèn đang cùng đập trên đe. Chúng tôi nhìn lại một lần nữa – lạy Chúa tôi – những người lính cứ lần lượt ngã xuống và bị nghiền nát như thể cánh đồng lúa mạch bị cơn bão tàn phá vậy, và rồi họ… những kỵ binh có cánh Hussars đã bỏ đi xa cùng ngọn giáo trên vai”.

Đó là những gì mà nhà văn Henryk Sienkiewicz mô tả về “kỵ binh có cánh” Hussars khiến đối thủ phải kinh hoàng và là niềm tự hào bất tận của người Ba Lan.

Kỵ binh bay bất khả chiến bại của người Ba Lan

(Tranh từ Wikipedia)

Xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ 16 đến 18, đội kỵ binh của Ba Lan được xem là bất bại và đã gieo rắc kinh hoàng trên khắp chiến trường châu Âu, được mệnh danh là “kỵ binh có cánh” hay “kỵ binh bay”. Đội kỵ binh này đã giành nhiều chiến thắng, cả với những đối thủ đông hơn họ nhiều lần.

Mỗi khi ra trận, không chỉ người lính Hussars mà cả ngựa chiến của họ cũng được che chở bằng giáp. Họ sử dụng giáo dài chĩa về phía đối phương. Ngoài vũ khí chính là giáo dài, các kỵ binh còn được trang bị kiếm và vài khẩu súng ngắn.

Các nhà nghiên cứu từng cho rằng đôi cánh phía sau kỵ binh Hussars chỉ có tác dụng trang trí cho đẹp. Nhưng thực tế trên chiến trường, những đôi cánh này rung rinh theo nhịp ngựa chạy, khiến ngựa đối phương sợ không dám tiến đến gần.

Kỵ binh bay bất khả chiến bại của người Ba Lan

Trang bị của kỵ binh Ba Lan. (Tranh từ Pinterest)

Mỗi khi xông trận, “kỵ binh có cánh” thường đi rất chậm rồi tăng tốc dần dần lên, đến khi đụng phải tuyến đầu đối thủ cũng là lúc tốc độ đã lên cực đại. Kiểu tấn công này khiến đối thủ thường tính sai thời điểm hai bên giáp nhau giao chiến. Tuyến đầu của đối phương căng thẳng khi thấy “kỵ binh có cánh” cứ tăng tốc dần, tuyến sau vì không tính đúng thời gian “kỵ binh có cánh” tiến đến nên thường mất tập trung.

Rất nhiều trận đánh ở châu Âu vào thế kỷ 16, 17 có sự tham gia của đội kỵ binh hùng mạnh này, như: Lubiszew (1577), Byczyna (1588), Kokenhausen (1601), Kircholm (1605), Kluszyn (1610), Chocim (1621), Martynów (1624), Trzciana (1629), Ochmatów (1644), Beresteczko (1651), Polonka (1660), Cudnów (1660), Chocim (1673), Lwów (1675), Vienna (1683), và Párkány (1683).

Kỵ binh bay bất khả chiến bại của người Ba Lan

Kỵ binh có cánh xung trận. (Tranh từ Wikipedia)

Các trận đánh lớn này “kỵ binh có cánh” đều giành được chiến thắng, kể cả khi đối phương đông gấp nhiều lần. Thế kỷ 16, 17 được xem là kỷ nguyên vàng của đội quân này.

Đặc biệt, năm 1605 diễn ra trận chiến Kircholm, trong đó quân Thụy Điển vượt trội với 11.000 quân trang bị súng trường. Còn phía Ba Lan chỉ có 1.900 kỵ binh có cánh. Thế nhưng kết quả thật bất ngờ: quân Thụy Điển thảm bại với 6.000 quân tử trận hoặc thương vong, phía “kỵ binh bay” bị mất chưa đến 100 người.


Giáp của kỵ binh Ba Lan được trưng bày. (Ảnh từ Wikipedia)

Một trận đánh quan trọng khác có sự góp mặt của đội kỵ binh này là trận đánh giữa liên quân Áo, Đức, Ba Lan và đế chế Ottoman.

Sau khi Đế chế Ottoman đánh bại Đế chế La Mã để thống trị châu Âu, đến năm 1683, lãnh thổ của đế chế này đã trải dài toàn bộ đông-nam châu Âu bờ bắc Địa Trung Hải, cả bờ biển bắc châu Phi cho đến Maroc phía nam Địa Trung Hải, lãnh thổ rộng đến 11,5 triệu km2. Với tham vọng làm chủ vùng Trung Âu, năm 1683, vua Ottoman lệnh cho 15 vạn quân bao vây thành Vienna. 15.000 quân Áo trong thành đã nỗ lực phòng thủ suốt một tháng.

Lúc này liên quân của Áo, Đức, Ba Lan gồm 8 vạn quân được thành lập để giải vây cho thành Vienna. Liên quân được đặt dưới sự chỉ huy của vua Ba Lan là Jan III Sobieki cùng đội “kỵ binh có cánh” nổi tiếng châu Âu lúc đó. Và chính đội “kỵ binh có cánh” này trở thành lực lượng đặc biệt giúp đánh bại quân Ottoman, giải cứu thành công thành Vienna. Thua trận, vua Ottoman buộc tội Tể tướng Mustafa khiến ông phải tự siết cổ mà chết.

Kỵ binh bay bất khả chiến bại của người Ba Lan

Vua Ba Lan Jan III Sobieski trên lưng chiến mã. Họa phẩm của họa sĩ Gonzales Coques, sau năm 1674. (Ảnh từ wikipedia.org)

Chiến thắng trên đã tạo tiền đề cho chiến thắng trong Trận Lepanto ngay sau đó, chấm dứt hoàn toàn tham vọng xâm lược Địa Trung Hải chiếm trọn châu Âu của Đế quốc Ottoman.

Với những chiến công vang dội của mình, “kỵ binh có cánh” Hussars trở thành niềm tự hào của người Ba Lan cho đến tận ngày nay.

Trần Hưng