Nhiều người trong chúng ta đang mặc định rau, củ, quả được trồng từ việc tận dụng không gian đô thị là an toàn cho sức khỏe mà quên tính đến một yếu tố khác biệt chủ chốt giữa thành thị và nông thôn, đó là ô nhiễm.
Nông nghiệp đô thị - những hứa hẹn
Nuôi trồng cây - con trong đô thị đang được xem là xu hướng tương lai, mang tính bền vững: Nhiệt lượng thải ra được tận dụng, nước xám (nước thải sinh hoạt) hoặc nước thoát từ bề mặt và các nguồn thải giàu dinh dưỡng có thể được tái chế. Hoạt động này còn giúp giảm carbon thải ra từ việc vận chuyển lương thực từ xa đến, giúp các thành phố xanh hơn.
Đối với người nghèo, nông nghiệp đô thị tạo nguồn thu nhập mới, đa dạng hóa chế độ ăn. Các vùng đất được thiết kế với quan điểm ủng hộ nông nghiệp đô thị, ví dụ trang trại thẳng đứng (trồng cây dọc theo cạnh các tòa nhà), hoặc các mảnh đất vườn xen kẽ giữa, trên nóc hoặc bên trong các khối nhà có thể là bộ mặt của các thành phố tương lai, giúp tăng diện tích đất dùng cho nông nghiệp.
Nhưng không thể nghiễm nhiên mặc định thực phẩm sản xuất tại đô thị luôn đủ an toàn. Một yếu tố khác biệt chủ chốt giữa thành thị và nông thôn cần được tính đến trước khi mở rộng nông nghiệp đô thị lên thành quy mô lớn, đó là ô nhiễm.
Không khí và đất bẩn bao vây cây
Tại thành phố, các hoạt động công nghiệp, giao thông và nước thải dân dụng đều là nguồn ô nhiễm đáng sợ. Cống thải và nước xám mang theo chất tẩy rửa và dược phẩm, nhiều chất làm thay đổi nội tiết. Không khí đô thị cũng lơ lửng nhiều chất độc từ bụi bẩn và khói thải động cơ ôtô. Ô nhiễm không khí đã được thừa nhận là tác nhân làm giảm sản lượng nông nghiệp, nhưng hậu quả của việc ăn thực phẩm bao phủ bởi các nguồn ô nhiễm này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Ô nhiễm đất nông nghiệp đô thị xảy ra không đồng đều, một số vùng nhiễm bẩn nghiêm trọng, trong khi vùng khác sạch và phù hợp hơn với nông nghiệp. Nhưng nói chung, rau và trái cây sản xuất trong môi trường thành phố thường chứa nhiều hoá chất không mong muốn hơn nông thôn.
Ở chiều ngược lại, hoạt động nông nghiệp cũng thải các chất hoá học không mong muốn vào môi trường. Nguồn nước có thể bị đầu độc bởi phân bón và thuốc trừ sâu, dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo và thực vật thủy sinh tại các vùng nước giàu dinh dưỡng.
Giải pháp có tính dung hòa
Để đảm bảo sự an toàn của thực phẩm có nguồn gốc đô thị, cần kiểm soát một cách có hệ thống. Đất trồng cần được kiểm tra các chất gây ô nhiễm và giống cây trồng, vật nuôi được phân tích để kiểm soát sự khác biệt hàm lượng chất bẩn tích tụ.
Lượng dư chất ô nhiễm trong thực phẩm nuôi trồng ở đô thị có hại cho sức khỏe hay không vẫn đang được tranh luận. Tuy nhiên, hậu quả của thực phẩm kém an toàn không cho phép từ chối thực thi các giải pháp điều tra và kiểm soát ô nhiễm đất.
Canh tác thủy sinh có thể giúp thực hành nông nghiệp quy mô lớn mà không làm bẩn đất đai, nhưng không phù hợp với bối cảnh thiếu nước đang xảy ra ở nhiều thành phố. Mặt khác, ở vùng khí hậu nóng, việc đưa nước nông nghiệp vào trung tâm thành phố có thể làm tăng nguy cơ dịch hại như muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
Một giải pháp được đề xuất cho nông nghiệp đô thị là trồng cây phi thực phẩm như cây lấy sợi dệt - may, cây lấy sinh khối hoặc lấy gỗ. Chúng giúp tận dụng đất và chất thải nông nghiệp trong đô thị và các vùng ngoại ô, làm xanh thành phố, tái chế nước, chất thải hữu cơ.
Nếu nông nghiệp có thể xoay vòng các nguồn tài nguyên từ chất thải đô thị để chuyển thành năng lượng, vật liệu xây dựng và vải vóc, tất cả đều sẽ được hưởng lợi, cuối cùng sẽ là một môi trường đô thị tốt hơn cho con người.