Sa mạc cát rát bỏng ngày nào giờ phủ xanh bằng cánh đồng rau sạch 400ha với công nghệ tưới của Israel. Hàng ngàn hộ dân ở các huyện ven biển Hà Tĩnh đổi đời nhờ “trồng rau sạch trên cát”.
|
Từ sa mạc cát nay đã biến thành cánh đồng rau hàng chục chủng loại - Ảnh: Hữu Khá |
Đổi đời trên sa mạc cát
Ngày mà các cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đặt những luống rau đầu tiên xuống vùng cát trắng, người dân chạy ra bảo “các ông đừng làm điều hoang tưởng”. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, đồi cát bạc màu trở thành đồng rau bạt ngàn, xanh tốt.
Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng rau trên vùng đất trước đây là sa mạc cát ven biển, ông Nguyễn Xuân Hỷ, phó trưởng ban dự án rau củ quả trên sa mạc cát Hà Tĩnh - Mitraco, cho biết toàn bộ vùng rau đều được sử dụng phương pháp trồng và tưới theo công nghệ Israel với hệ thống tưới phun tự động, tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt phù hợp với vùng sa mạc kết hợp với việc cải tạo đất.
“Những lớp rơm, bèo, xác thực vật luôn được phủ và thay thế thường xuyên. Cứ hơn một tuần, những công nhân lại thay một lớp ủ ẩm mới, đảm bảo gốc luôn có độ ẩm cần thiết. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp phối trộn phân đất, tưới nước nhỏ giọt đủ độ ẩm cho cây” - ông Hỷ cho biết.
Sau khi dự án thành công, người dân ở vùng cát của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên được hướng dẫn chuyển giao công nghệ để cải tạo đồng cát trồng trên diện rộng và được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên), cho biết bà không tin những nông dân bao đời cực khổ ở vùng cát trắng có được cuộc sống thay đổi nhanh như ngày hôm nay.
Theo bà Thơ, hiện nhiều nông dân địa phương được Nhà nước cho thuê đất để trồng, hiệu quả rất cao. Do đó, nhiều người dân mong Nhà nước cho thuê đất lâu dài để đầu tư sản xuất và chắc chắn nay mai nhiều nông dân sẽ trở thành tỉ phú.
Ông Trần Việt Hà, chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho biết mô hình cánh đồng rau củ quả trên sa mạc cát bạc màu là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những xã viên đã và đang liên kết với Mitraco.
Theo ông Hà, khu vực này từng là những triền cát mà Mitraco khai thác titan bạc màu, khó loại cây nào sống sót, nhưng nay đã biến thành cánh đồng rau củ quả tươi tốt. Ban đầu, từ một vài liên kết nhỏ, huyện và các hộ dân đã chủ động mở rộng canh tác theo mô hình và phát triển được 28,5ha với nhiều hộ cá thể và các hợp tác xã liên kết.
“Với mô hình này, việc canh tác được liên tục nhờ vào hệ thống phun tưới nước của Israel. Khi triển khai mô hình này và đến nay thì bà con rất phấn khởi, cuộc sống có nhiều thay đổi về kinh tế theo hướng đi lên” - ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu - trưởng Phòng nông nghiệp huyện Thạch Hà, đến nay đã có ba hợp tác xã và bốn tổ hợp với gần 100 thành viên tham gia làm ăn. Riêng với các hợp tác xã và tổ hợp, hiệu quả kinh tế mang lại là rất cao. Thu nhập từ cánh đồng rau củ quả mang lại từ 150 - 170 triệu đồng/vụ/ha, mỗi năm canh tác được ba vụ.
“Huyện đã và đang chỉ đạo tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác vì diện tích đất cát là dồi dào. Mitraco sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện mô hình cánh đồng rau củ quả trên cát bạc màu đang thu hút và rất thuyết phục với bà con nông dân trong huyện” - ông Sáu cho hay.
Tìm kiếm sẽ có lối đi
Theo ông Bùi Quốc Hoàn, trưởng ban dự án rau củ quả trên sa mạc cát Hà Tĩnh - Mitraco, quá trình biến vùng sa mạc cát ven biển, người dân không trồng được bất cứ loại cây gì, thành một cánh đồng rau sạch như ngày hôm nay không phải là câu chuyện dễ dàng.
“Sau khi cho khai thác tận thu toàn bộ titan, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chúng tôi phối hợp với Sở NN&PTNT bằng mọi giá phải nghiên cứu trồng một loại cây gì đó để vừa chắn được cát bay, vừa có “chút xanh” đỡ nhức mắt giữa đồng cát bao la” - ông Hoàn kể.
Những năm đầu, dự án triển khai trồng cây keo lá tràm bị thất bại, bởi hiệu quả kinh tế thấp lại hút hết nước, khiến vùng đất này càng nắng nóng, khô cằn hơn. Sau đó, Hà Tĩnh đã tổ chức tham quan ở nhiều nước trên thế giới, mày mò tìm đến các vùng sa mạc cát có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như vùng cát trắng Hà Tĩnh.
“Khi đến tham quan, chúng tôi bất ngờ thấy những cánh đồng rau bát ngát mà họ giới thiệu trước đây là... cát trắng. Từ đó, một nhóm cán bộ của tỉnh vừa học hỏi kinh nghiệm, rồi xin họ chuyển giao công nghệ” - ông Hoàn nhớ lại.
Đến tháng 9/2013, Mitraco cùng các chuyên gia nông nghiệp đến từ các nước thực hiện dự án trồng thử nghiệm rau củ quả trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà). Khi những luống rau đặt xuống sa mạc cát, nhiều người dân ở xã Thạch Văn đến xem với ánh mắt... ngờ vực.
“Quả thật lúc đó họ nói chuyển giao công nghệ và khuyên chúng tôi trồng rau quả trên vùng cát trắng này tôi không tin. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đồng cát đã biến thành màu xanh mình mới ham” - bà Thơ cho biết.
Theo ông Hoàn, dự án khởi đầu với diện tích 12ha trồng thử nghiệm cùng 32 loại rau củ quả các loại như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi...
Năm giống cây ăn quả được trồng trên đất cát bạc màu đợt này gồm: ổi không hạt, roi, chuối tiêu, thanh long ruột đỏ và táo. “Và chỉ mấy tháng sau đồng cát rau quả xanh tốt khiến dân địa phương vô cùng sung sướng. Lúc này người dân được mời vào dự án để tham quan, sau đó về nhân rộng mô hình” - ông Hoàn kể.
Xuất khẩu và làm du lịch sinh thái Ông Thân Văn Quế, cán bộ phòng điều phối các dự án nông nghiệp của Tập đoàn Mitraco, cho biết sản phẩm của dự án phát triển trồng rau củ quả trên cát hoang hóa bạc màu ven biển tỉnh Hà Tĩnh hiện được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội... Ngoài ra, nhiều đối tác từ TP.HCM đã và đang tiếp cận trong việc phối hợp đầu tư và bao tiêu sản phẩm của cánh đồng rau củ quả trên sa mạc cát. Đặc biệt, hai khách hàng lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tiếp cận Mitraco. Sau khi tham quan mô hình rau củ quả trên sa mạc cát này, cả hai đối tác đều cho biết sẽ hợp tác trọn việc bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, sắp tới đơn vị cũng sẽ tổ chức du lịch sinh thái cho du khách tham quan dự án trồng rau. |