Bên cạnh việc giới thiệu và tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của trí tuệ nhân tạo, cuốn sách của Giáo sư Jean-Gabriel Ganascia trực tiếp bàn luận về 31 ngộ nhận phổ biến về trí tuệ nhân tạo thường xuyên xuất hiện trên báo chí hoặc các tác phẩm dành cho đại chúng.

“Robot sẽ khiến tất cả chúng ta mất việc”, “Xe ô tô tự hành được lập trình để giết hành khách của chúng”, “Trí tuệ nhân tạo tạo ra mối nguy hiểm hiện hữu lớn nhất và không tránh khỏi đối với nhân loại”, “Nhờ trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ tải xuống mọi ý thức của mình và trở thành bất tử!”…

Hằng ngày, từ các phương tiện thông tin đại chúng hay trong phim ảnh của Holywood, chúng ta thường xuyên nghe thấy những lời cảnh báo hay những khẳng định tương tự liên quan đến các hệ quả xã hội mà trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra. Và còn nhiều hơn thế nữa. Chẳng hạn chúng ta thường nghe người ta rỉ tai nhau rằng, trong các căn cứ bí mật, quân đội nhiều nước đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc cách mạng đáng sợ trong hoạt động quân sự, rằng sẽ xuất hiện những vũ khí đáng gờm với những khả năng vượt quá tầm hiểu biết của con người, chẳng hạn như việc tự lựa chọn mục tiêu để hủy diệt. Những lời cảnh báo rằng nhân loại sẽ sớm vượt qua giai đoạn “trí tuệ nhân tạo yếu” để đến với “trí tuệ nhân tạo mạnh” luôn đi kèm với những dự đoán khiến chúng ta rùng mình, bởi không ai có thể dự báo cái “trí tuệ nhân tạo mạnh” ấy sẽ bao hàm những gì.

Cuốn sách vừa được xuất bản ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Viện Pháp L’Espace. Ảnh: Sao Bắc
Cuốn sách vừa được xuất bản ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Viện Pháp L’Espace. Ảnh: Sao Bắc

Quả thật, cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo mà chúng ta đang chứng kiến chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Các nhà tương lai học, những chuyên gia về công nghệ mới đều thống nhất với nhận định rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thường xuyên thay đổi triệt để và xâm nhập ngày càng sâu vào nhiều lĩnh vực thực tiễn. Nhưng không ai có thể nói trước được nó sẽ như thế nào trong 20, 50 hay 100 năm nữa. Chính vì vậy, ngoài thái độ hoan hỉ chào đón, trí tuệ nhân tạo cũng khơi dậy những tưởng tượng và nỗi sợ hãi. Liệu có thể một ngày nào đó khi công nghệ và máy móc xâm nhập quá sâu vào hoạt động của con người, sẽ xuất hiện hiện tượng “khử nhân tính” nơi con người? Phải chăng sẽ có lúc trí thông minh nhân tạo vượt qua trí thông minh tự nhiên của con người và máy móc sẽ thống trị con người, thậm chí ra tay tàn sát loài người?

Nghiêm túc nhìn nhận những lo lắng để giải tỏa chúng

Theo Jean-Gabriel Ganascia (Giáo sư ĐH Sorbonne, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính của ĐH Paris), giống như tất cả các tình huống khác, những tuyên bố này không hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Trong cuốn sách mới nhất của mình - “Trí tuệ Nhân tạo: Những ảnh hưởng được lập trình” - thông qua những lập luận rõ ràng, ông đã đưa ra những câu trả lời đầy thuyết phục cho phép giải tỏa những hoang mang lo lắng nói trên.

Ngay ở phần mở đầu, tác giả đã khẳng định rằng máy móc không hề “thông minh” và rằng: “trí tuệ nhân tạo tuyệt nhiên không nhằm tước đi đặc quyền tư duy của con người để thay thế bằng một cỗ máy tư duy […] Nó chỉ là một trí tuệ được tạo lập bằng các kỹ thuật máy tính, nói khác đi, nó chỉ là một ‘trí tuệ nhân tạo’ mà thôi”.

Ông nhìn nhận nỗi lo lắng của đông đảo công chúng đối với trí tuệ nhân tạo là hoàn toàn tự nhiên, bởi đa phần họ không có kiến thức chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo nhưng lại đang chứng kiến sự bùng nổ những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống. Cuốn sách mỏng này, bằng cách cố gắng tránh dùng những thuật ngữ chuyên sâu, sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ thực chất vấn đề và rũ bỏ những hoang mang lo lắng đã từng có.

Bên cạnh việc giới thiệu và tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của trí tuệ nhân tạo, cuốn sách trực tiếp bàn luận về 31 ngộ nhận phổ biến về trí tuệ nhân tạo thường xuyên xuất hiện trên báo chí hoặc các tác phẩm dành cho đại chúng. Những luận điểm này lần lượt được phân tích trong 4 phần của cuốn sách.

Phần đầu tiên đề cập phả hệ của trí tuệ nhân tạo ở các khía cạnh khác nhau : Khởi nguồn của nó gắn với tên tuổi của Alan Turing và bài kiểm tra nổi tiếng của ông, tuy nhiên thuật ngữ này trên thực tế chỉ xuất hiện rất lâu sau cái chết của ông. Bước phát triển tiếp theo của trí tuệ nhân tạo có sự đóng góp rất lớn của người Nhật và sau đó là GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple). Cuối phần một, tác giả đưa ra những dự đoán về tương lai của trí tuệ nhân tạo, trong đó quan trọng nhất là những dự đoán về bước chuyển đổi từ “trí thông minh yếu” (dạng trí tuệ nhân tạo đang tồn tại hiện nay) sang cái gọi là trí tuệ nhân tạo mạnh hoặc trí tuệ nhân tạo tổng quát.

Phần thứ hai của cuốn sách đề cập việc triển khai thực tế của trí tuệ nhân tạo và về những ý tưởng cũng như những ngộ nhận phổ biến nhất ở chủ đề này, ví dụ như sự tương đồng trong hoạt động của trí tuệ nhân tạo với hoạt động của bộ não, sức mạnh của công nghệ Học sâu (Deep Learning), bản chất nhân tạo trong những sai lầm của máy móc (có nghĩa là nếu xuất hiện một sai lầm nào đó thì nó luôn thuộc về con người, đó là khi họ đưa ra những hướng dẫn không tương ứng chính xác với gì họ muốn thực hiện, còn các cỗ máy thì luôn hoàn chỉnh và thực hiện đúng những chuỗi lệnh được đặt ra cho nó). Ở phần này, tác giả cũng nêu các lập luận để xua tan những lo ngại liên quan đến các hạn chế khi áp dụng hệ nhị phân, nền tảng suy luận của máy tính hiện nay.

Phần thứ ba dành cho việc trình bày những đánh giá/so sánh giữa năng lực của con người và của máy móc, ví dụ như khả năng sáng tạo, ý thức, cảm xúc, trực giác, v.v. Tác giả gợi ra vấn đề về vai trò, vị trí của máy móc trong thế giới của con người. Chúng ta đã chứng kiến hiện tượng những bức tranh do máy tính vẽ được bán với giá cao ngất ngưởng. Điều này liệu đã đủ để khẳng định rằng máy móc đang hoặc sẽ thay thế vai trò của các nghệ sĩ? Liệu máy móc có phải chịu trách nhiệm cũng như được trao các quyền, ít nhất là một tư cách pháp nhân, như một nghị quyết của Nghị viện Châu Âu đề xuất hoặc một căn cước công dân như một nước Trung Đông đã làm? Liệu máy có phải tự mình đứng ra giải quyết những tình huống khó xử về đạo đức, giống như trường hợp những chiếc xe tự lái sẽ sớm phải lựa chọn giữa việc kết án hành khách trên xe phải chết hoặc bị thương (khi dừng xe đột ngột), hoặc chọn cách cán qua một người đi bộ vô tình vượt đèn xanh? Trong lĩnh vực chiến tranh, chúng ta nên vui mừng vì robot sẽ sớm thay thế những binh sĩ vì chúng luôn lạnh lùng và bình tĩnh, có khả năng giết chóc “một cách khôn ngoan”, và do đó tránh được sai lầm? Hay chúng ta nên lo lắng về các vũ khí “thông minh”, tự xác định mục tiêu và tự ra những quyết định tàn phá và hủy diệt?

Tương lai của trí tuệ nhân tạo, máy móc và con người

Phần cuối của cuốn sách là một cái nhìn hướng về tương lai. Tác giả điểm qua những ám ảnh của đại chúng về một tương lai đầy u ám, đặc biệt là nỗi sợ hãi về một “cơn sóng thần công nghệ” sẽ áp đảo tất cả chúng ta, khiến thế giới mất việc làm, hoặc tệ hơn là khiến con người rơi vào cảnh trở thành nô lệ của máy móc. Cái tương lai u ám này càng được tô đậm hơn bởi những lời tố cáo của những nhân vật nổi tiếng trong thế giới đương đại như Stephen Hawking hay Elon Musk.

gjgj
Tác giả cuốn sách – Giáo sư Jean-Gabriel Ganascia (1955). Nguồn: fr.wikipedia.org

Trái ngược với những dự đoán mang mầu sắc tiêu cực như trên, GS Jean-Gabriel Ganascia tin rằng sự tiến hóa của các cỗ máy sẽ nối tiếp sự tiến hóa của tự nhiên. Nói một cách chính xác hơn, thành tựu vĩ đại của sự tiến bộ sẽ tiếp tục đi liền với công nghệ. Trí tuệ nhân tạo, giống như những thành tựu đã có trước đây, mở ra cơ hội để con người tiếp tục quá trình “ngoại hóa”, nhưng lần này quá trình “ngoại hóa” được thể hiện bằng việc đưa ý thức ra bên ngoài cơ thể, đó là một sự chuyển đổi của tinh thần con người thông qua kỹ thuật số, bước chuyển đổi cho phép loài người vươn tới một tâm linh ngày càng thuần khiết hơn.

Điều cuối cùng mà tác giả muốn đề nghị chúng ta, đó là việc hãy nghĩ về Trái đất khi loài người sẽ biến mất. Cùng với sự biến mất này, mọi ký ức lịch sử về các cuộc phiêu lưu, những kiệt tác, những cuộc chiến tranh, những người anh hùng, các thần linh mà chúng ta thờ phụng… tất cả cũng sẽ biến mất trừ phi chúng ta tạo ra những thực thể có khả năng sống dài hơn chúng ta: những con robot. Chính chúng sẽ làm nhân chứng cho những thành tựu vĩ đại của chúng ta và lưu giữ dài lâu, gần như là mãi mãi những ký ức đẹp đẽ về loài người.