Lịch sử Thế chiến thứ Hai không thiếu những tác giả lớn. Cornelius Ryan là thiên tài kể chuyện. John Keegan sâu sắc và hàn lâm. Stephen Ambrose bán chạy. Chỉ riêng trận đổ bộ Normandy đã có vô số sử gia khai thác. Nhưng trong số những tác phẩm đồ sộ, bao quát toàn bộ cuộc chiến nổi bật lên hai tác phẩm của Max Hastings và Anthony Beevor.

Thế chiến thứ Hai của Anthony Beevor được xuất bản lần đầu vào năm 2012 và vừa được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: Omega+
Thế chiến thứ Hai của Anthony Beevor được xuất bản lần đầu vào năm 2012 và vừa được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: Omega+

Nếu cuốn sách của Hastings xuất bản năm 2011 phần lớn kể từ góc nhìn nước Anh, thì tác phẩm của Beevor ra đời một năm sau đó khá bao quát và trung lập. Nổi tiếng về thế mạnh tài liệu gốc, nhưng Beevor không hề sa đà vào chi tiết.

Trong cuốn sách đồ sộ Thế chiến thứ Hai vừa được dịch và phát hành ở Việt Nam, người đọc sẽ tìm thấy một phiên bản đầy đủ nhất, mà ở đó tác giả Beevor đã thành công khi cân bằng giữa tư liệu và kể chuyện.

Dàn trải nhưng tinh gọn

Bên cạnh những chủ đề đã được kể quá nhiều như D-Day, Stalingrad, Berlin, mà chính Beevor đã rất thành công trong những cuốn sách trước, Thế chiến thứ Hai hầu như không bỏ sót bất cứ chủ đề hay trận đánh nào khác.

Nhận định phổ biến cho rằng Đức xâm lược Ba Lan tháng 9/1939 là điểm khởi đầu Thế chiến. Nhưng Beevor bắt đầu cuốn sách với trận Khalkhin Gol vào tháng 5/1939, nơi tiếp giáp giữa Mãn Châu (Nhật chiếm đóng) và Mông Cổ (đồng minh của Liên Xô). Ở đây, Liên Xô và Nhật đụng độ nhau với thương vong rất lớn. Nhiều người cho rằng có thể xem Thế chiến bắt đầu từ khi Chiến tranh Trung – Nhật nổ ra vào năm 1937, hoặc thậm chí từ sớm hơn, khi Nhật Bản chiếm Mãn Châu năm 1931.

Sau đó, cuốn sách dẫn dắt độc giả đi qua diễn biến phức tạp của cuộc chiến, với tiêu điểm là những trận đánh lớn, từ Bắc Âu, đến Ba Lan, rồi blitzkrieg (cuộc tấn công ồ ạt, chớp nhoáng) của Đức xé nát Pháp và phía tây Liên Xô. Khi Nhật kéo Mỹ vào cuộc chiến ở Trân Châu Cảng, đà tiến của Đức dần chững lại và sau đó bị sa lầy ở phía đông. Quân Đồng minh với sự tham gia của Mỹ bắt đầu tấn công từ Bắc Phi, đến Ý, rồi đổ bộ Normandy giải phóng Pháp. Lúc đó quân Liên Xô đẩy lui Đức ở phía đông sau chiến thắng Stalingrad, rồi ở Kursk, Kharkov. Hitler phản công lần cuối ở Ardennes, để rồi sau đó quân Đức hoàn toàn bị đẩy lùi và cuối cùng đầu hàng ở Berlin.

Beevor chỉ giữ lại những câu chuyện cá nhân nổi bật nhất, phục vụ cho diễn biến vĩ mô của cuộc chiến. Những tên tuổi lớn xuất hiện ở những thời điểm tiêu biểu, như Hemingway, Sartre, Grossman. Rõ ràng, tác giả đã cân nhắc rất kỹ để chắt lọc những gì tinh gọn nhất cho vào sách.

Tình hình phức tạp ở Á Châu

Nếu cuốn sách của Max Hastings có 6 trên 26 chương bàn về diễn biến ở các nước Á Châu, thì Beevor dành hẳn 10 trên 30 chương. Tình hình ở Viễn Đông, Đông Nam Á, và Thái Bình Dương chưa bao giờ là đề tài được các sử gia phương Tây bàn nhiều, cho đến Beevor.

Bên cạnh trận chiến kéo dài đẫm máu giữa Mỹ và Nhật ở Thái Bình Dương, cuộc xung đột giữa Tưởng và Mao trong kháng chiến chống Nhật ở Trung Quốc được tác giả diễn tả với tất cả sự phức tạp, qua đó, độc giả thấy được chính sách địa chính trị của các cường quốc thay đổi nhanh chóng thế nào chỉ riêng ở khu vực này. Stalin là đồng minh của Tưởng, vì Stalin chưa bao giờ tin Mao. Đức Quốc xã từng cử cố vấn quân sự hỗ trợ sát sao Tưởng. Khi chiến tranh Trung – Nhật nổ ra, Stalin cũng cho cố vấn sang giúp Tưởng. Khi Stalin bận đánh nhau với Hitler, Anh và Mỹ bắt đầu cho cố vấn sang giúp quân Quốc Dân Đảng. Khi Mỹ trực tiếp tham chiến, tướng Stilwell là cố vấn cao cấp thân cận với Tưởng để đánh Nhật. Nhưng cả Liên Xô và Mỹ chưa bao giờ đổ quân trực tiếp vào Trung Quốc, mà chỉ muốn lợi dụng Tưởng để cầm chân quân Nhật ở đại lục.

“Xét lại” những anh hùng và thuyết “good war”

Nhận định cho rằng Thế chiến thứ Hai là “good war” - một cuộc chiến chính nghĩa – là sản phẩm của văn hóa dòng chính. Trong thực tế, phải nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc, người ta mới bắt đầu lên án tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã. Khi đó, Thế chiến thứ Hai bắt đầu được đánh giá là một cuộc chiến chính nghĩa từ phía phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Hơn nữa, khi trả lời Guardian, Antony Beevor cho rằng nước Mỹ cần tìm sự trấn an sau khi sa lầy luân lý ở Chiến tranh Việt Nam. Do đó, Mỹ quay về với Thế chiến thứ Hai như một cuộc chiến chính nghĩa, từ đó phần nào lãng mạn hóa nó.

Nhưng trong suốt chiều dài cuốn sách, Beevor chứng minh ngược lại. Thế chiến thứ Hai là một cuộc chiến khủng khiếp, tàn bạo. Không chỉ phe Đức Quốc xã diệt chủng người Do Thái; Phát xít Nhật giết hại người Trung Quốc; hay Hồng quân gây tội ở Katyn, Berlin; mà phe Đồng minh cũng không trong sạch gì. Những đợt ném bom chiến lược của Anh – Mỹ ở Dresden, Leipzig và những thành phố Đức khác đã giết hại hàng trăm ngàn dân thường. Đó là chưa kể việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử ở Nhật vẫn còn gây tranh cãi.

Thiệt hại nhân mạng của Thế chiến thứ Hai khoảng 70 triệu người, gần 3% dân số thế giới lúc đó. Đó là kết quả của sự tàn bạo của một cuộc chiến không khoan nhượng, mà Beevor đã kể chi tiết đến ghê rợn trong suốt cuốn sách. Qua đó, khó ai có thể nhận thấy đây là một “good war”.

Bên cạnh việc “xét lại” về ý nghĩa cuộc chiến, Beevor không ngần ngại đạp đổ hình ảnh quá hoàn hảo của những vị lãnh đạo phe Đồng minh, vốn được tô hồng quá mức. Ngoài Montgomery đã bị phê phán quá nhiều; Roosevelt, Churchill, Eisenhower, MacArthur, Bradley, Patton,v..v.. đều bị mô tả trần trụi với nhiều nhược điểm và sai lầm. Ngay cả những thiên tài quân sự bên kia chiến tuyến, như Rommel, Guderian, đều bị Beevor chứng minh hình ảnh của họ là phóng đại.