Nhiều triết gia và nhà khoa học có tên tuổi trong đó có Jean-Jacques Rousseau và William James đã có quan niệm rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn giống như tờ giấy trắng: chúng không có những hiểu biết dù là cơ bản nhất về thế giới (ví dụ, đồ vật vẫn tồn tại kể cả khi ta không nhìn thấy chúng) hoặc về xã hội (ví dụ, con người có niềm tin và có mong muốn).

Thực tế, để kiểm định quan niệm trên hay để kiểm định mức độ hiểu biết của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là vô cùng khó khăn. Trẻ nhỏ không thực hiện được hầu hết những hành vi có thể đo đạc được trong phòng thí nghiệm, như là giải đố, trả lời câu hỏi, chạy trong ma trận, v.v… Tuy nhiên, những tiến bộ về phương pháp luận trong ngành tâm lý học đã đem đến những khám phá thú vị về khả năng hiểu biết của trẻ nhỏ và khiến thế giới phải xem lại những quan niệm trên.

Từ những năm 1980, các nhà tâm lý học đã sử dụng chuyển động của mắt để nghiên cứu về tâm lí của trẻ nhỏ. Cách thức vô cùng đơn giản nhưng rất thông minh: cho một em bé xem một đồ vật đủ lâu nó sẽ thấy chán và nhìn đi chỗ khác. Vẫn cho em bé xem đồ vật đó, nhưng nếu có gì khác biệt xảy ra, chúng sẽ nhìn lâu hơn và có hứng trở lại. Như vậy, đo thời gian các em bé chưa biết nói nhìn vào một hiện tượng, một cảnh được dựng ở phòng thí nnghiệm cho phép các nhà KH suy đoán được những điều chúng biết về thế giới.

Vào năm 1992, thí nghiệm của Karen Wynn trên Nature đã cho thấy trẻ 5 tháng tuổi có hiểu biết cơ bản về những nguyên tắc của toán học. Các em bé được cho xem một chú Micky cho đến khi chúng nhìn đi chỗ khác. Sau đó, chúng nhìn thấy một chú Micky khác được để vào bên cạnh chú đầu tiên. Rồi một tấm màn chắn che đi hai con Micky. Khi tấm màn được bỏ đi, nếu vẫn có hai chú Micky, em bé sẽ nhanh chóng nhìn đi chỗ khác. Nhưng nếu chỉ có một chú Micky, em bé sẽ nhìn lâu hơn. Trên đây là miêu tả của thí nghiệm với phép cộng, Wynn cũng làm thí nghiệm với phép trừ và kết quả là tương tự.

Wynn kết luận rõ ràng, các em bé phải biết đếm và ghi nhớ có bao nhiêu đồ vật được thêm vào được bớt đi. Nếu số lượng đồ vật không giống như những gì chúng đoán, các em sẽ nhìn lâu hơn vào hiện trường để tìm cách giải thích.

Cùng với phương pháp nghiên cứu này, các nhà tâm lý học phát triển (developmental psychology) đã tìm ra những chứng cứ thực nghiệm cho hiểu biết sơ khai của trẻ sơ sinh đối với vật lý, đối với xã hội, và kể cả khía cạnh đạo đức! Các nhà khoa học còn cho thấy trẻ 6 tuổi có khả năng hợp tác để giải quyết bài toán về sử dụng tài nguyên chung. Rõ ràng, ta không nên đánh giá thấp trẻ nhỏ dù chúng không nói và cũng không làm gì mấy, đồng thời, nắm rõ những phát hiện của khoa học về phát triển tâm lý và nhận thức của trẻ sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh việc dạy dỗ và cư xử đối với chúng tốt hơn.

Con người sinh ra là tờ giấy trắng hay đã có sẵn bản tính (the nature or nurture debate)luôn là một phạm trù có nhiều tranh cãi trong triết học; từ Rosseuau, Jean-Paul Satre, Noam Chomsky,đến Khổng Tử, mỗi người đều có những quan điểm riêng của mình. Rõ ràng khoa học thực nghiệm đã và đang mang lại những câu bằng chứng đáng quýcho cuộc tranh luận này; thời buổi của những nhà triết học sa lông thực sự đã lùi xa.

Đọc thêm:

*The Language Instinct: How the Mind Creates Language (P.S.)by Steven Pinker (ĐH Harvard)

*Just Babies: The Origins of Good and Evilby Paul Bloom (ĐH Yale)

*Hamlin, J. K., Wynn, K., & Bloom, P. (2007). Social evaluation by preverbal infants.Nature,450(7169), 557.

*Wynn, K. (1992). Addition and subtraction by human infants.Nature,358(6389), 749.

*Hamlin, J.K., Wynn, K., Bloom, P. & Mahajan, N. (2011).How infants and toddlers reach to antisocial others.Proceedings of the National Academy of Sciences, 108, 19931-19936.

*Onishi, K. H., & Baillargeon, R. (2005). Do 15-month-old infants understand false beliefs?.science,308(5719), 255-258.

*Baillargeon, R., Spelke, E. S., & Wasserman, S. (1985). Object permanence in five-month-old infants. Cognition, 20(3), 191-208.