Với bề ngoài như một quả bóng khô, một loài cây sa mạc có tên là hồng Jericho có khả năng kì lạ đó là có thể tự hồi sinh “trở về từ cõi chết” sau khi tiếp xúc với nước trong vài tiếng đồng hồ.
Sau khi được tưới nước, những nhánh cây trông như đã chết bắt đầu mở ra những phần phụ giống như dương xỉ cho đến khi “trẻ hóa” thành màu xanh đậm khi được đặt trong một cái bồn nhỏ chứa đầy nước.
Loài thực vật đặc biệt này có khả năng sử dụng cơ chế uốn lại và khô quắt đi như một cách để sống sót trong điều kiện sống cằn cỗi. Thực tế, hồng Jericho không phải “sống lại” mà nó đang ở trong trạng thái như “ngủ đông” gây ra bởi mất nước nghiêm trọng.
Hồng Jericho là một phần của họ rêu, tên khoa học là Selaginella lepidophylla, xuất hiện chủ yếu từ sa mạc Chihuahuan của Mỹ và Mexico.
Khi sống trong điều kiện quá cằn cỗi, loài cây này sẽ tự “ngủ đông” và chờ độ ẩm và hồi sinh những chiếc lá màu nâu, trông vô hồn của nó và mở ra như một bông hoa đang nở và lặp lại quá trình khi cần thiết.
Khi mất nước tương đối dưới 5%, Hồng Jericho xuất hiện như thể chúng đã chết. Trong mùa khô, các cành cong uốn vào bên trong, tạo thành một quả bóng khá vô hồn. Khi bị mất nước quá, cây có thể bị bật gốc và trở thành như một quả bóng lăn lóc trên sa mạc chờ có nước lại hồi sinh.
Nguyên nhân khiến loài thực vật kì lạ này có thể sống sót khi bị mất nước nghiêm trọng như vậy là bởi vì nó có một loài đường đa chức năng trehalose, mà một số thực vật, vi khuẩn và nấm sử dụng làm nguồn năng lượng.
Phân tử trehalose giúp bảo vệ các sinh vật thực vật khỏi các điều kiện khắc nghiệt bằng cách ổn định protein và bảo tồn màng tế bào của nó.
Theo Dantri